MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gần 70% doanh nghiệp “ngán” hàng tồn kho

09-07-2013 - 22:53 PM | Doanh nghiệp

Khảo sát cho thấy, có tới gần 70% doanh nghiệp cho biết hàng tồn kho đang là nỗi lo ngại lớn.

Sáng nay (9/7), tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013. Theo đó, có 69,2% doanh nghiệp cho biết hàng tồn kho đang là nỗi lo ngại lớn.

Trong 6 tháng đầu năm có 38.908 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng số vốn gần 194.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động là 26.324 doanh nghiệp.

64% doanh nghiệp không vay được vốn

Theo VCCI, trong 6 tháng đầu năm, có xấp xỉ 54% doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, trong số đó có tới 64% doanh nghiệp không được ngân hàng cho vay. Giải thích vì sao không vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cho biết, do lãi suất quá cao, không có tài sản thế chấp, thủ tục phức tạp – chi phí giao dịch cao, vướng nợ xấu…

Ngoài khó khăn về lãi suất, khó khăn trong đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng quá phụ thuộc vào tài sản thế chấp là bất động sản cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc giải quyết nợ xấu, phát mãi tài sản thế chấp trở nên gian nan. Thực tế này đã dẫn đến việc sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn bắt đầu phổ biến và phức tạp.

Ông Đặng Đức Thành, Ủy viên Ban chấp hành VCCI cho rằng, doanh nghiệp cần tái cơ cấu nguồn vốn kinh doanh, hạn chế tối đa vốn vay ngân hàng. Thời gian qua doanh nghiệp vay vốn ngân hàng quá lớn, gấp 3 – 10 lần vốn tự có, dẫn đến mất khả năng chi trả, nợ xấu gia tăng.

Theo ông Thành, trong chiều hướng doanh nghiệp giảm sử dụng vốn vay ngân hàng sẽ gây sức ép cho ngân hàng giảm lãi suất huy động và tất yếu sẽ giảm lãi suất cho vay. Ông Thành kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tập trung toàn lực đưa lãi suất cho vay của toàn hệ thống xuống quanh mức 7%/năm (bằng mức khung lãi suất khu vực).

Đồng thời cần quy định tỷ lệ tối đa cho một doanh nghiệp vay không quá 2 lần vốn điều lệ nhằm tránh rủi ro cho doanh nghiệp và ngành ngân hàng. Đối với trường hợp đặc biệt, cần khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều nguồn vốn khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác, phát hành tăng vốn cổ phần…

“Sợ” hàng ngoại

Điều tra của VCCI cho biết, điểm đáng quan ngại về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp là lợi nhuận tính trên một đơn vị sản phẩm giảm mạnh do giá bán bình quân giảm.

Nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất “sợ” hàng ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, Hội của bà đã rất vất vả tìm đủ mọi cách không để hàng Trung Quốc “lọt” vào.

Tuy nhiên, theo bà Hạnh, việc này không hề dễ dàng bởi hàng Trung Quốc có lợi thế mẫu mã đẹp, sản phẩm đa dạng và giá rẻ.

Trong khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng nông thôn vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hàng Việt. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, mặc dù BSA đã có nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhưng vẫn chưa tạo được hiệu ứng mạnh. Sự hiện diện của hàng Việt còn thưa thớt, khó cạnh tranh.

Sự lấn lướt của hàng ngoại đối với hàng trong nước là điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Không chỉ hàng tiêu dùng, thực phẩm mà ngay cả các ngành công nghiệp mũi nhọn như thép, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị cũng đang bị lấn át ngay trên sân nhà.

Theo góc nhìn của các chuyên gia, với tình trạng tồn kho như hiện nay thì việc doanh nghiệp “sợ” hàng ngoại cũng là điều dễ hiểu. Từ lâu họ đã cảnh báo thực trạng kinh doanh kiểu manh mún, “ăn sổi ở thì” của phần lớn doanh nghiệp trong nước, tất yếu không bền vững, sớm hay muộn cũng có ngày chết yểu.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải thay đổi tư duy kinh doanh và toàn bộ bộ máy, nhân lực. Ông Thắng cũng nhận định rằng, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là năng lực quản trị. Ngoài ra, ông Thắng khuyến cáo doanh nghiệp nên áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi dây chuyền công nghệ hiện đại để tăng tính cạnh tranh.

Các chuyên gia kinh tế cũng như chính người trong cuộc là doanh nghiệp đều cho rằng, trước mắt cần tập trung nguồn lực bán hàng tồn kho, kể cả bán tài sản, sang nhượng dự án, chấp nhận cắt lỗ… Đồng thời, tập trung sản xuất kinh doanh ngành nghề cốt lõi, tránh đầu tư dàn trải trên cơ sở đó tái cơ cấu doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Lê Nguyễn

thunm

Báo Tổ quốc

Trở lên trên