Gánh nặng Vinashin
Giải quyết hậu quả Vinashin để lại đã tốn kém, dựng lại nó sẽ còn tốn kém hơn. Ngân khố quốc gia còn phải oằn mình chịu gánh nặng Vinashin đến bao giờ nữa?
Việc giải quyết món nợ nước ngoài 600 triệu đô la Mỹ của tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin có vẻ như đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm khi mới đây Vinashin chủ động đưa ra phương án trả nợ mới. Theo đó toàn bộ nợ được chuyển thành trái phiếu trị giá 620 triệu đô la Mỹ, bao gồm gốc và lãi, với lợi tức danh nghĩa 0%. Điểm nhấn là trái phiếu có kỳ hạn 12 năm này được Bộ Tài chính bảo lãnh và hưởng lãi 1%/năm (lãi và gốc trả một lần khi đáo hạn).
Các chủ nợ chưa có phản hồi chính thức về đề xuất của Vinashin, nhưng có thể phỏng đoán là nó sẽ được cân nhắc và khả nưng chấp thuận là cao. Xét về mặt lợi ích của chủ nợ, việc đòi được khoản nợ với giá trị gốc theo đúng thời hạn đã ký trong hợp đồng ở thời điểm này là rất thấp. Vinashin hiện tại không có khả năng trả nợ, dù chỉ một phần. Nếu bán lại nợ trên thị trường quốc tế, tỷ lệ chiết khấu hoàn toàn không nhỏ. Hầu hết người mua đều trả một mức giá tương đương 30-40% giá trị gốc. Và bán là phải hạch toán lỗ, trích lập dự phòng, điều mà không chủ nợ nào, nhất là chủ nợ ngân hàng, mong muốn,
Bây giờ với sự bảo lãnh của Bộ tài chính Việt Nam, trái phiếu mới sẽ được đóng dấu mộc cam kết thanh toán khi đáo hạn. Chỉ có điều thời hạn của nó bị đẩy lùi về phía sau 12 năm. Như một thứ đảm bảo, sự bảo lãnh của Bộ tài chính là một dấu cộng cho giá trị trái phiếu một khi nó được mang ra mua bán trên thị trường. Giá trái phiếu có thể được đẩy lên cho dù nó chưa thể đặt ngang hàng với trái phiếu quốc tế do Chính phủ phát hành.
Với cả Bộ tài chính và các chủ nợ đây là một phép thử - thử mối quan tâm của thị trường tài chính quốc tế đối với trái phiếu Việt Nam. Thời gian gần đây, khi giá trị tiền đồng ổn định và lạm phát được kiềm chế, một số tổ chức nước ngoài đã tăng cường đầu tư vào trái phiếu chính phủ phát hành trong nước. Trái phiếu quốc tế của Việt Nam cũng được mua với mức chiết khấu giảm đi.
Trong số các trái chủ hiện hành, Credit Suisse là chủ nợ lớn nhất. Họ đồng thời là tổ chức tư vấn cho đợt phát hành trái phiếu năm 2007 của Vinashin. Credit Suisse có mối quan hệ tư vấn với nhiều doanh nghiệp tầm cỡ của Việt Nam và cũng đã từng tham gia tư vấn phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế trước đây. Họ chắc chắn không vì vụ việc Vinashin mà làm sứt mẻ mối quan hệ đó. Vì thế họ có thể sẽ cố gắng thuyết phục những chủ nợ khác đồng ý với phương án mới của Vinashin.
Vấn đề là ở chỗ từ trước đến nay phía Việt Nam luôn lên tiếng rằng khoản nợ của Vinanshin thuộc phạm vi doanh nghiệp, Vinashin vay thì Vinashin có nghĩa vụ trả. Chính phủ không có nghĩa vụ ràng buộc gì ở đây. Tuy nhiên các chủ nợ cho rằng Vinashin là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và như thế Nhà nước phải có trách nhiệm với tập đoàn. Sự bảo lãnh của Bộ tài chính lần này là một sự gián tiếp công nhận lập luận ấy của chủ nợ.
Giả sử đề xuất mới được hưởng ứng, từ nay Vinashin sẽ không còn canh cánh ngày ngày lo bị nợ thúc ép (vì một phần khoản nợ đã thành quá hạn). Nhưng Vinashin sẽ làm thế nào để có tiền trả nợ đây? Hay cuối cùng ngân sách quốc gia sẽ gánh nợ hộ cho Vinashin?
Để trả nợ đúng hạn, mỗi năm Vinashin phải làm ra lãi ròng bình quân 50 triệu đô la Mỹ, tương ứng hơn 1.050 tỷ đồng/năm. Vinashin hiện vẫn đang nợ lương người lao động đầm đìa, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế nhập khẩu thiết bị nguyên liệu…tức là doanh thu không đủ bù đắp chi phí, lấy đâu ra lợi nhuận tích lũy trả nợ?
Thêm nữa, những giải pháp tái cơ cấu của Vinashin như thoái vốn khỏi các dự án không hiệu quả, khỏi công ty con, công ty liên kết, chuyển nhượng tài sản…đến nay vẫn tiếp tục nằm trên giấy.
Trong diễn đàn M&A giữa năm ngoái, Vinashin rao bán vốn ở hàng loạt công ty, bao gồm thoái vốn ở 36 đơn vị, bán toàn bộ 13 đơn vị khác, nhưng người mua vẫn mịt mù tăm cá. Cách thoái vốn duy nhất đảm bảo thành công lúc này là tiến hành kiểm toán độc lập, rồi đấu giá công khai. Song Vinashin và các doanh nghiệp được rao bán có còn tiền để thuê kiểm toán độc lập, tổ chức đấu giá? Quan trọng hơn, nợ nần của các doanh nghiệp được rao bán đang ở tình trạng nào? Nếu nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu, lớn hơn giá trị tài sản còn lại, thì liệu có ai đứng ra mua với giá tượng trương 1 đô la Mỹ không?
Vinashin là một khối u ác tính mà sự chữa chạy cần lòng dũng cảm, sự quyết đoán và một quyết tâm chính trị cao. Việc chia nhỏ Vinashin, chuyển bớt một phần của sự cồng kềnh kém hiệu quả về cho PetroVietnam và Vinalines đã chứng minh cho sự thất bại trong việc cầm cự và khôi phục tập đoàn này. Khi mà khủng hoảng trong lĩnh vực vận tải biển và đóng tày vẫn đang lan tràn trên thế giới, việc dựng lại xương cốt cho Vinashin sẽ giống như trát xi măng vào một khung nhà ọp ẹp, chỉ chờ gió lung lay là đổ.
Giải quyết hậu quả Vinashin để lại đã tốn kém, dựng lại nó sẽ còn tốn kém hơn. Ngân khố quốc gia còn phải oằn mình chịu gánh nặng Vinashin đến bao giờ nữa?
Theo Hải Lý
TBKTSG