MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Giải oan” cho người lao động

28-08-2013 - 07:14 AM | Doanh nghiệp

Rạch ròi, minh bạch và xử đến nơi đến chốn - kể cả trách nhiệm của đơn vị cấp trên là Sở GTVT TP - là trả lại công bằng cho người lao động của 4 doanh nghiệp, những người “có tiếng không có miếng”…

Thông tin 4 doanh nghiệp công ích thuộc Sở GTVT TPHCM sai phạm tiền tỷ về chi trả lương khiến nhiều bạn đọc choáng về những mức lương “khủng”. Bản tin đã trở thành câu chuyện thời sự trong giới làm công ăn lương và cả những người lao động chân chính bên bàn cà phê buổi sáng.

Bên bàn cà phê cóc ở vỉa hè đường Võ Văn Tần (quận 3) có người đã hóm hỉnh nói rằng: “Phen này phải nộp đơn xin đi móc cống hay tỉa cây cũng được, không cần làm lãnh đạo chi hết, làm công nhân thôi, lương cũng quá đã”. Cũng đúng thôi, khi mặt bằng lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng hơn 7,3 triệu đồng/tháng thì tại 4 đơn vị nói trên, lương bình quân của người lao động lại quá “khủng”: 14 triệu đến 52 triệu đồng/người/tháng! 

Nhưng đằng sau nụ cười hóm hỉnh của bạn đọc là sự thật về một nỗi đau của người lao động ngày ngày trầm mình dưới dòng nước thối, đu mình trên những cây xanh cao ngất… mặc cho những tai ương mất mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.


Gặp một công nhân chăm sóc cây xanh trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5), anh cho biết đã làm được 2 năm, chưa được ký hợp đồng và anh nói: “Lương chỉ vỏn vẹn có 3,5 triệu đồng/tháng, lấy đâu ra 14 triệu đồng”. Những người công nhân thoát nước mà chúng tôi đã từng gặp, họ cho biết lương chỉ chừng 3,5 - 5 triệu đồng/tháng, nắng thì chui trong cống thối, mưa lại trầm mình trong nước bẩn và con số 18 triệu đồng lương bình quân là chuyện mơ không thấy nổi. 

Thực ra, những con số “khủng” nói trên chỉ nằm trong những bản báo cáo được làm đẹp hoặc là thủ thuật chữ nghĩa mà lãnh đạo 4 đơn vị trên đã khôn ngoan đặt dưới cái tên hết sức dung dị: lương bình quân. Cũng may, lãnh đạo TPHCM đã cương quyết truy đến nơi đến chốn vấn đề, “vắt nước” các con số và sự thật đã được phơi bày: Lương của Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị là 2,6 tỷ đồng/năm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng công cộng là 2,2 tỷ đồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh là 759 triệu đồng và Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình Giao thông Sài Gòn là 856 triệu đồng. Đó là chưa nói đến lương của chủ tịch hội đồng thành viên, phó giám đốc, kế toán trưởng… 

“Lương bình quân” của người lao động ẩn mình vào túi các vị lãnh đạo công ty! Hơn 6 tỷ đồng, theo chỉ đạo, phải được thu hồi và hơn 700 người lao động “thời vụ” sẽ được ký kết hợp đồng theo đúng Bộ luật Lao động, chính là một cách “giải oan” cho người lao động tại 4 đơn vị nói trên. Chỉ đạo trên không chỉ làm mát lòng hàng trăm lao động mà còn nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận.

Công bằng mà nói, nếu lương cho người lao động móc cống mà được 18 triệu đồng/tháng, chắc ai cũng đồng tình, bởi lẽ nó xứng đáng với những gì họ đã bỏ công sức ra để TP này không phải chịu cảnh ngập nước, những con kênh không còn hôi thối. Nhưng bất hợp lý ở chỗ, người không móc cống mà lương lại đến 2,2 tỷ đồng/năm - điều này đã gây nên sự phẫn nộ của dư luận. 

Lãnh đạo 4 doanh nghiệp trên không thể nói rằng nguyên nhân sự việc là do “yếu kém”, “không hiểu biết về chính sách tiền lương”. Chắc chắn dư luận không đồng tình với cách giải thích này. Không thể “hình sự hóa” mọi vụ việc nhưng phải gọi tên sự việc đúng với bản chất của nó mà ở đây là “cố ý làm trái” hay tham ô? Hãy để cơ quan chức năng tiếp tục hành xử theo đúng quy trình và chỉ đạo, nhưng dư luận mong mỏi một điều: Không phải chỉ thu nộp về ngân sách hơn 6 tỷ đồng là huề cả làng. Người lao động ngoài cuộc cũng râm ran ý kiến: Cần giám sát việc thu hồi các khoản tiền trên. Liệu các vị lãnh đạo 4 doanh nghiệp trên sẽ mang tiền nhà đi nộp hay xin trừ dần vào lương đến khi… về hưu?

Rạch ròi, minh bạch và xử đến nơi đến chốn - kể cả trách nhiệm của đơn vị cấp trên là Sở GTVT TP - chính là trả lại công bằng cho người lao động của 4 doanh nghiệp, những người “có tiếng không có miếng”…

Theo Thư Lê

thunm

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên