Tai nạn lao động trong ngành than: Lỗi đầu tiên thuộc về người quản lý
Trả lời phỏng vấn PV Báo Lao Động sáng 20.1, ông Vũ Thành Lâm - Phó Tổng giám đốc phụ trách về an toàn lao động của Tập đoàn CN Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - nói rằng, không hiểu vì sao khi bị khói độc bủa vây, cả cán bộ và thợ lò đều không sử dụng bình dưỡng khí đeo trên người. Điều này bộc lộ phần nào về việc thiếu kỹ năng thoát hiểm và ý thức kỷ luật lao động của CNLĐ ngành than. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm thời gian qua.
- TNLĐ trong ngành than thời gian qua diễn biến khá phức tạp. Ông có bình luận gì?- Về số người chết năm 2013 giảm so với năm 2012. Tuy nhiên, số vụ gây tai nạn bị thương nhẹ và nặng lại tăng, mà từ bị thương nặng sang tử vong là rất gần. Số vụ gây chết nhiều người cũng nhiều hơn. Vì thế, nói phức tạp cũng có lý.
Số vụ tai nạn năm 2013 phần lớn liên quan đến các thiết bị cơ điện . Lý do, Vinacomin ngày càng cơ giới hóa, trong khi NLĐ rất thiếu ý thức, thiếu kỹ năng, cán bộ quản lý thì không kiểm tra sâu sát, thậm chí cắt bớt quy trình. Ngoài ra, địa hình khai thác ngày càng khó khăn cùng với điều kiện địa chất vô cùng phức tạp...
- Nguyên nhân của các vụ TNLĐ dường như không có gì mới. Vậy tại sao lại khó khắc phục thế, thưa ông?
- TNLĐ trong ngành than đúng là chỉ lặp đi lặp lại những nguyên nhân như: Nổ khí mêtan, bục nước, ngạt khí, sập hầm lò... Thực tế, chúng tôi đã có đầy đủ các giải pháp, biện pháp phòng, chống và cứu nạn. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở thực hiện, mà việc thực hiện nhiều khi không được, phần do ngoại cảnh (điều kiện khai thác), phần do ý thức của cán bộ, của NLĐ. Chúng tôi không phải đổ lỗi cho NLĐ, nhưng đây là sự thật, bởi chỉ một chút chủ quan, thiếu ý thức của cán bộ, của NLĐ thì cái giá phải trả là rất đắt. Và khi xảy ra tai nạn thì ngay cả cán bộ cũng không thuần thục các biện pháp đã được học để tự cứu mình, cứu công nhân.
- Vụ cháy hầm lò nghiêm trọng vừa qua ở Cty than Đồng Vông có liên quan gì tới điều ông vừa đề cập? Dư luận đặt vấn đề, trong hầm lò đó có hệ thống cảnh báo nguy hiểm không, công nhân có thiết bị dưỡng khí không?
- Tất cả những thiết bị đó đều có, không những được lắp đặt trong hầm lò, mà còn trang bị cho cán bộ. Chỉ bằng kinh nghiệm thôi chứ chưa cần thiết bị cảnh báo đeo kèm cũng có khả năng phát hiện ra nguy hiểm bên trong, vậy mà cán bộ vẫn cứ dẫn công nhân vào.
Mỗi người đều có một thiết bị tự cứu để sử dụng trong trường hợp gặp phải khí độc, ngạt khói... Trong vụ tai nạn ở Cty than Đồng Vông thì tôi không hiểu sao không ai sử dụng thiết bị này. Có lẽ do hoảng quá mà quên cả bình dưỡng khí, cứ chạy thục mạng. Với loại bình này, trong điều kiện còn khoảng 10% ôxy, thợ lò có thể chống chọi được với khói ngạt khoảng 1 giờ nữa.
Tất cả những điều sơ đẳng trên, ngay cả thợ lò bình thường cũng đều được dạy, đào tạo. Vấn đề do ý thức, do không thực hành thường xuyên nên không có được phản xạ tự nhiên. TNLĐ trong ngành than là không thể tránh khỏi, Tuy nhiên, nếu có ý thức, thành thục các kỹ năng sinh tồn thì sẽ giảm thiểu được các vụ tai nạn, giảm thiểu được chết chóc.
Dẫu sao, tôi cho rằng lỗi đầu tiên vẫn thuộc về những người quản lý. Chúng tôi đã kỷ luật, cách chức nhiều cấp quản lý vì để xảy ra TNLĐ không đáng có, nhưng nếu người khác lên thay mà vẫn không tự ép mình vào kỷ luật lao động, cùng với việc nâng cao trình độ, kiến thức của mình thì khó giải quyết được vấn đề.
- Vậy việc để xảy ra TNLĐ ở Cty than Đồng Vông vừa qua, Vinacomin đã xử lý như thế nào về công tác cán bộ?
- Sau khi đưa toàn bộ 6 thi thể thợ lò ra khỏi hầm lò và đưa một thợ lò may mắn sống sót vào bệnh viện điều trị, ngay chiều hôm đó (16.1), chúng tôi đã ra quyết định cách chức Giám đốc Cty than Đồng Vông và dựa trên kết luận điều tra chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn để có biện pháp xử lý đối với những cán bộ liên quan.
- Ngành than ngày càng phải khai thác sâu hơn dưới lòng đất, do đó sẽ càng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn. Làm thế nào để có thể nâng cao hơn nữa “kỹ năng sinh tồn” cho công nhân, thưa ông?
- Bắt đầu từ năm học này, chúng tôi đưa môn “Kỹ năng phòng, chống rủi ro” vào các khóa học ở các trường nghề của Vinacomin. Các học viên sẽ được đào tạo lý thuyết và thực hành để nắm bắt và ứng phó với các tai nạn, thảm họa trong nghề khai thác than... Vấn đề này cũng đã được dạy trong các trường nghề của Vinacomin, nhưng mới chỉ lồng ghép vào các môn khác, nhưng từ nay sẽ trở thành môn riêng. Tuy nhiên, như tôi nói, nếu không có ý thức thì cũng sẽ triển khai không hiệu quả những gì mình đã học. Đây là vấn đề nan giải, vì phần lớn công nhân cùng lắm học hết THPT, lại xuất thân từ nông thôn nên muốn có ý thức cao cần phải có một quá trình.
Theo NGUYỄN HÙNG - TRẦN NGỌC DUY
Không phải do nổ khí. Trả lời Báo Lao Động, ông Vũ Thành Lâm cho biết, về nguyên nhân của vụ cháy hầm lò tại Phân xưởng 3, Cty than Đồng Vông thì phải đợi cơ quan điều tra liên ngành. Hiện chưa rõ là cháy nội sinh hay ngoại sinh, nhưng lâu nay ít có trường hợp nào tự cháy. Tuy nhiên, tôi cho rằng không phải cháy do nổ khí, vì dữ liệu lưu trên máy đo không có khí CH4.
“Đã xác định là thợ lò thì luôn đối mặt với hiểm nguy”. Thợ lò Nguyễn Văn Hữu (34 tuổi, thợ lò bậc 6/6, PX sản xuất số 1 - Công trường Đông Bình Minh - than Hòn Gai): Vụ việc đáng buồn khiến 6 thợ lò tử nạn tại Cty than Đồng Vông ngày 15.1 liên tục được chúng tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông. Cánh thợ chúng tôi xem xong đều buồn, bàn luận, suy nghĩ về vụ việc xảy ra và mỗi người đưa ra một ý kiến về những khả năng, nguyên nhân dẫn đến tai nạn.
Dù có nhiều luồng ý kiến, phán đoán giả định về sự cố tai nạn trên, nhưng bản thân tôi và anh em đều tự xem mình cẩn trọng hơn trong công tác an toàn lao động hằng ngày. “Chúng tôi đã từng chứng kiến sự cố nghiêm trọng bục túi nước, cướp đi tính mạng của 4 đồng đội mình (tháng 10.2009), nên ngay khi vào nghề, anh em đều xác định tư tưởng trước về những vất vả, luôn đối mặt với hiểm nguy” – thợ lò Nguyễn Văn Hữu bộc bạch.
Anh N.Đ.M – cán bộ Cty than Mạo Khê: “Tôi có hơn 20 năm làm thợ lò, giờ là cán bộ vẫn thường xuyên xuống lò. Nghề này khó nói trước điều gì. Tai nạn có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng tôi thấy nguyên nhân chủ quan khá nhiều do ý thức và kỹ năng, kiến thức về nghề của từng người. Ý thức kém đôi khi gây ra hậu họa, rồi sau đó không có kỹ năng, không hiểu về nguyên nhân và hậu quả của tai nạn sẽ khó tránh được nguy hiểm”