Giới hạn khuyến mại: Kịch bản 3 “ông lớn” bắt tay có lặp lại?
Việc nhà mạng Viettel đề xuất áp dụng chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại, sau đó MobiFone cũng thông báo sẽ áp dụng khiến người tiêu dùng liên tưởng đến đợt tăng giá cước 3G được 3 nhà mạng đồng thời áp dụng trước đó.
- 08-04-2015Giới hạn thời gian sử dụng, Viettel có thể bị phạt nặng?
- 03-04-2015Viettel đề xuất quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế mở
Ngày 3/4 vừa qua, đại diện Viettel đã kiến nghị việc áp dụng chính sách hạn chế thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại trong khi nhà mạng này đã áp dụng từ 1/2015 mà không có thông báo chính thức đến khách hàng.
Ba ngày sau, ngày 6/4, MobiFone đã gửi thông báo qua SMS tới khách hàng về việc áp dụng chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi trong đợt khuyến mại ngày 8/4.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, ngày 7/4, MobiFone lại tiếp tục gửi thông báo qua SMS về việc không áp dụng chính sách kể trên.
Theo thống kê năm 2014, Viettel là doanh nghiệp nắm 45% thị phần trên thị trường, trong khi MobiFone chiếm 31,7%, và Vinaphone (thuộc VNPT) chiếm 17,4% thị phần.
Do đó, trường hợp nếu Viettel, MobiFone (chiếm 76,7% thị phần) cùng lúc áp dụng việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại sẽ tác động mạnh đến người sử dụng di động tại Việt Nam.
MobiFone hủy áp dụng chính sách hạn chế thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại chỉ sau một ngày thông báo
Trước đó, vào đợt điều chỉnh giá cước 3G (truy cập internet bằng các thiết bị di động) vào 16/10/2013, 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone cũng từng đồng loạt điều chỉnh tăng. Trong khi vào 4/2013, 3 nhà mạng trên đã tăng giá cước 3G khoảng 25%.
Những người truy cập internet bằng điện thoại di động đăng ký gói cước không giới hạn với số tiền từ 50.000 đồng/tháng đã phải trả lên 70.000 đồng/tháng.
Riêng gói cước dành cho học sinh - sinh viên từ mức 35.000 đồng/tháng tăng lên 50.000 đồng/tháng, tương đương tăng gần 43%.
Gói cước EZ0 của Vinaphone thay đổi từ mức 60 đồng/MB lên đến 200 đồng/MB, tăng 333,3% so với cước cũ; gói cước FC0 của MobiFone, Laptop Easy của Viettel cũng có mức tăng tương tự từ 60 đồng/MB lên 200 đồng/MB.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực 3G ước tính 3 nhà mạng này chiếm đến 99% thị phần. Như vậy việc cùng nhau tăng cước vào một thời gian và mức cước giống nhau cho thấy người tiêu dùng không còn sự chọn lựa nào khác nếu vẫn muốn sử dụng 3G.
"O ép" các nhà mạng nhỏ?
Không những đề xuất việc hạn chế thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại, Viettel vừa qua cũng kiến nghị chính sách quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế giá trần và giá sàn, không ưu đãi cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ.
Theo đại diện của Viettel, hiện đơn vị này khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel dù là doanh nghiệp mới tại đâu nhưng không được hưởng bất cứ chính sách ưu đãi nào mà chấp nhận luật chơi một cách bình đẳng.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh bằng giá rẻ, không ai khác chính Viettel là doanh nghiệp đã đi tiên phong bằng chứng chứng minh: thị phần áp đảo của Viettel là những người có thu nhập thấp như sinh viên, các khách hàng tỉnh lẻ.
Trong khi, thị phần của MobiFone tập trung chủ yếu là các thành phố lớn có thu nhập cao, các doanh nghiệp trong Nam. Ưu thế thị phần của VinaPhone là nhóm viên chức, công chức.
Vào thời điểm giữa năm 2009, khi Viettel cho biết còn khoảng 30 triệu người chưa sử dụng và chủ yếu là người có thu nhập thấp do đó Viettel đã công bố giảm giá cước để nhắm đến đối tượng khách hàng tiềm năng này.
Song sau khi Viettel công bố giảm giá, 2 nhà mạng MobiFone và Vinaphone cũng đã văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị giảm cước cho tất cả các dịch vụ.
Hiện tại, thị trường viễn thông di động Việt Nam đang có 5 nhà mạng hoạt động là Viettel, MobiFone, Vinaphone chiếm tới gần 95% thị phần, còn 2 nhà mạng Vietnammobile và Gmobile chiếm thị phần rất nhỏ và hầu như mọi diễn biến đều phụ thuộc vào 3 nhà mạng kể trên.
Do đó, nếu quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế giá trần và giá sàn được thông qua chắc chắn 2 nhà mạng Vietnammobile, Gmobile vốn là những doanh nghiệp nhỏ, chưa chịu sự quản lý của nhà nước về giá cước và chính sách khuyến mại sẽ gặp khó.
Theo TÂM AN
BizLive