MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giúp doanh nghiệp từ báo cáo tình hình kinh tế thật thà?

16-02-2013 - 07:46 AM | Doanh nghiệp

"Ngay cả các chuyên gia kinh tế nhiều khi cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của các thông tin thu thập được hay các thông tin được công bố về tình hình kinh tế và thậm chí cả về tình hình doanh nghiệp."

Các chuyên gia kinh tế và dư luận không khỏi lo ngại về khả năng lạm phát tăng trở lại, cùng với đó là không ít doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng trên thực tế, thông tin về tình hình kinh tế hiện tại chưa rõ ràng, thậm chí ngay bản thân các chuyên gia cũng không dám đảm bảo về tính chính xác của những thông tin do mình thu thập được, đã dẫn đến tình trạng mất niềm tin từ các doanh nghiệp và nhân dân.

Ví dụ điển hình là báo cáo về tình hình kinh doanh bất động sản năm 2012. Theo báo cáo các báo trích dẫn cho thấy, năm 2012 có đến 80% doanh nghiệp xây dựng, bất động sản kinh doanh có lãi.

Nhưng ngay sau đó, ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Xây dựng đã bác bỏ con số này và cho biết, năm 2012 số doanh nghiệp lỗ ở mức cao là 30,4% tức là chỉ có 69,6% số doanh nghiệp còn lại có lãi (hoặc hòa).

"Ngay cả các chuyên gia kinh tế nhiều khi cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của các thông tin họ thu thập được hay các thông tin được công bố về tình hình kinh tế và thậm chí cả về tình hình doanh nghiệp. Khi thông tin thiếu chuẩn xác, việc hoạch định chính sách cho cả nền kinh tế, cũng như vạch kế hoạch cho từng doanh nghiệp trở nên rất khó khăn…” - ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Lộc, trong thời gian qua, có những doanh nghiệp không công bố thông tin chính xác, khiến niềm tin của đối tác, trong nội bộ doanh nghiệp, thậm chí của xã hội với nhiều doanh nghiệp không còn.
 
“Nếu bức tranh DN không thực chất, doanh nhân không minh bạch với chính mình và đối tác, thì không thể có được hệ thống chính sách hỗ trợ phù hợp.
 
Tôi có quan điểm rằng, doanh nhân là đội ngũ năng động, sáng tạo nhất của nền kinh tế. Họ nhìn nhận rất rõ cơ hội và thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên thâm dụng tài nguyên, quan hệ sang giai đoạn tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng. Họ chính là đối tượng nhanh nhạy với các cơ hội kinh doanh mới.” – ông Lộc nói.
 
Còn theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trước đây và hiện nay nhiều con số đưa ra không đủ tính tin cậy, không chỉ riêng con số của Tổng cục thống kê mà ngay cả con số của các bộ ngành, doanh nghiệp, tập đoàn đều rất buồn cười. "Hôm nay nói thế này mai nói thế kia, lúc nói lỗ, lúc nói lãi. Thay đổi rất nhanh mà lại không khớp.”
 
Điều doanh nghiệp và cả thị trường cần là thông tin chính xác và chính thức để duy trì niềm tin trong kinh doanh. Hệ thống quản trị rủi ro của từng doanh nghiệp đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn thông tin này. 
 
“Tôi đề xuất Chính phủ cần xây dựng hệ thống cảnh bảo rủi ro trên cơ sở thông tin minh bạch như một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi tin rằng, với các bước đi bài bản của môi trường kinh doanh, sự xuất hiện của hệ thống cảnh báo và phòng ngừa rủi ro của nền kinh tế và trong từng doanh nghiệp sẽ tạo nền cho sức bật mới của doanh nghiệp. Cũng phải nhắc tới sức bật của doanh nghiệp Việt Nam khi nhiều nước trong khu vực ASEAN đang tạo nên những bước thay đổi lớn về môi trường kinh doanh.” - ông Lộc cho biết.
 
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Báo cáo có nhiều nghịch lý
 
“Bàn tới những con số vĩ mô từ báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê công bố mới đây về GDP và chỉ số ước tính cho năm 2012 có nghịch lý ở đây.
 
Trong 3 năm kể từ 2010 – 2012, có một nghịch lý là chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội) luôn cao hơn chỉ số giá CPI (chỉ số giá tiêu dùng) bình quân. Năm 2010 chỉ số giá CPI bình quân là 9,2% thì chỉ số giá GDP là gần 12%; năm 2011 chỉ số giá CPI bình quân là 18,6% thì chỉ số GDP xấp xỉ 21% và năm 2012 chỉ số GDP cao hơn CPI bình quân cũng gần 2 điểm phần trăm.
 
Điều này có thể giải thích tốc độ tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào luôn cao hơn tốc độ tăng giá của chi phí lưu thông hoặc người sản xuất đang phải bán sản phẩm dưới giá thành và chịu lỗ.”
 

Theo Duyên Duyên

Báo Đất Việt

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên