MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạch toán chênh lệch tỷ giá và những nút thắt

08-12-2012 - 08:46 AM | Doanh nghiệp

Việc thay thế Thông tư 201 bằng Thông tư 179 trước mắt có thể tránh những rắc rối, khó hiểu, nhưng đồng thời cũng khiến doanh nghiệp mất đi những lợi thế nhất định.

Ngày 24/10/2012, Bộ tài chính đã ban hành thông tư số 179/2012/TT-BTC quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 10/12/2012, áp dụng từ năm tài chính 2012 và thay thế Thông tư số 201/2009/TT-BTC.

Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến sự khác nhau giữa 2 Thông tư (TT) trong việc quy định về đánh giá số dư cuối kỳ của các khoản mục có nguồn gốc ngoại tệ, đồng thời việc thay thế thông tư áp dụng có thể ảnh hưởng như thế nào đến kết quả hoạt động kinh doanh 2012 của các công ty.

Những vấn đề khi áp dụng TT 201

Việc TT 201 ra đời năm 2009 đã phần nào giúp các DN chủ động hơn trong việc hạch toán các khoản chênh lệch tỷ giá. Việc lựa chọn TT 201 hay VAS 10 là hoàn toàn phụ thuộc vào DN. Trước đó, các DN buộc phải tuân theo Chuẩn mực kế toán số 10 (VAS 10) và hạch toán tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá số dư cuối kỳ của các khoản mục có nguồn gốc ngoại tệ vào doanh thu và chi phí tài chính. Việc này, trong giai đoạn tỷ giá biến động mạnh, vô hình chung sẽ tạo ra những khoản lỗ/lãi bất thường trên danh nghĩa “lãi/lỗ từ hoạt động tài chính”.

Khác với VAS 10, TT 201 yêu cầu chênh lệch do đánh giá lại số dư ngoại tệ các khoản nợ/phải thu, phải trả ngắn hạn sẽ không được ghi nhận như các khoản lãi/lỗ hoạt động tài chính mà sẽ để số dư trên báo cáo tài chính và đầu năm sau ghi bút toán ngược để xóa số dư. Đối với các doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ nhiều, và tỷ giá tăng mạnh, rõ ràng đây là một quy định cực kỳ thuận lợi, giúp DN không phải ghi nhận những khoản lỗ “từ trên trời rơi xuống” nếu như áp dụng VAS 10.

Tuy nhiên, điểm khác biệt này dẫn đến việc một số doanh nghiệp khi vận dụng TT 201, nhưng vẫn ghi nhận các khoản chênh lệch nói trên vào doanh thu/chi phí hoạt động tài chính, và bị kiểm toán nhắc nhở.

Về các khoản phải thu/phải trả dài hạn, TT 201 cho biết chênh lệch đánh giá lại các số dư vào cuối năm sẽ được ghi nhận vào các khoản lãi/lỗ hoạt động tài chính. Thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, các doanh nghiệp và kiểm toán viên có thể có những vận dụng khác nhau trong trường hợp này. PPC là một ví dụ.

Tính đến cuối quý 2/2012, PPC có số dư khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ trị giá 27,85 triệu JPY, tương đương 7.429,57 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2012, PPC chưa đánh giá lại khoản mục vay dài hạn có gốc ngoại tệ theo tỷ giá do NHNN công bố. Kiểm toán cho rằng nếu thực hiện đánh giá lại theo quy định của TT 201, báo cáo bán niên của PPC sẽ có nhiều thay đổi trong đó lợi nhuận trong kỳ sẽ tăng gần 70 tỷ đồng. Đồng thời, công ty chưa phân bổ hết số lỗ chênh lệch tỷ giá để bù trừ hết lợi nhuận trong kỳ. 

Về phía PPC, công ty cho rằng việc thực hiện đánh giá lại chênh lệch tỷ giá hối đoái chỉ thực hiện vào thời điểm lập báo cáo tài chính cuối năm, do vậy ở báo cáo bán niên, PPC chưa thực hiện đánh giá lại chênh lệch tỷ giá là đúng theo quy định của TT 201. Khoản chênh lệch tỷ giá như vậy sẽ được PPC ghi nhận ở báo cáo năm 2012 và có thể sẽ gây biến động lớn cho kết quả kinh doanh của công ty này.

Ngoài ra, TT 201 còn bổ sung quy định: “Trường hợp chênh lệch tăng tỷ giá hối đoái thì chênh lệch tỷ giá hạch toán vào chi phí tài chính trong năm và được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của công ty bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để công ty không bị lỗ nhưng mức hạch toán vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số dư ngoại tệ dài hạn phải trả trong năm đó. Số chênh lệch tỷ giá còn lại sẽ được theo dõi và tiếp tục phân bổ vào chi phí cho các năm sau nhưng tối đa không quá 5 năm.” – điều này vô tình tạo một “lỗ hổng” để doanh nghiệp có thể dựa vào đó để hạch toán tăng lãi hoặc giảm lỗ…

Rõ ràng, với mục đích ban đầu là tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều giao dịch bằng ngoại tệ, TT 201 ở một khía cạnh nào đó gây nhiều khó hiểu và trực tiếp tạo ra một loạt các vấn đề chỉ xung quanh việc ghi nhận doanh thu/chi phí hoạt động tài chính, và là nguyên nhân của nhiều lưu ý trọng yếu của các kiểm toán viên.

Thông tư 179  và những khác biệt

Gần đây, nhờ các chính sách về ngoại tệ, cộng với việc thặng dư cán cân thương mại, tỷ giá bắt đầu đã đi vào ổn định. Vai trò của TT 201 trong việc  “giúp đỡ” các doanh nghiệp trở nên lỗi thời, và đã đến lúc phải sửa đổi. TT 179 đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

So với TT 201, TT 179 đơn giản, dễ hiểu và quay về gần với những quy định của VAS 10 trước đây. Tất cả những khoản chênh lệch đánh giá lại số dư ngoại tệ, không phân biệt ngắn hay dài hạn, đều được quy định ghi nhận vào doanh thu/chi phí tài chính trong kỳ.

TT 179 bổ sung quy định, doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ. Có nghĩa là, việc ghi nhận doanh thu, chi phí tài chính xung quanh chênh lệch tỷ giá, sẽ không trực tiếp mang lại đồng nào cho các cổ đông của công ty, mà chỉ mang ý nghĩa kế toán, sổ sách mà thôi.

Việc thay thế TT 201 bằng TT 179 trước mắt có thể tránh những rắc rối như đã nói ở trên, nhưng đồng thời cũng khiến doanh nghiệp mất đi những lợi thế nhất định. Đối với các doanh nghiệp áp dụng TT 201, và đang theo dõi các khoản chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản phải trả/phải thu ngắn hạn như TPC, BTS, PET… việc thay đổi thông tư sẽ khiến doanh nghiệp có thể ngay lập tức có những khoản lỗ/lãi bất ngờ không trực tiếp do hoạt động kinh doanh mang lại.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên