MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ “chiêu” chuyển giá “nội địa”

26-03-2014 - 21:55 PM | Doanh nghiệp

Một số tập đoàn như nước chấm, tập đoàn thép hiện nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế do nghi vấn chuyển giá thông qua việc lập nhiều công ty con tại nhiều địa phương để hưởng ưu đãi thuế

Cao điểm quyết toán thuế năm 2013, các chuyên gia thuế nhận định chuyển giá không chỉ ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như các nghi án chuyển giá CocaCola, Metro, Adidas… mà các doanh nghiệp trong nước cũng thực hiện chuyển giá, đây là hành vi chuyển giá “nội địa”.

“Mẹ” chuyển cho “con”

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, một số tập đoàn như nước chấm, tập đoàn thép hiện nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế do nghi vấn chuyển giá thông qua việc lập nhiều công ty con tại nhiều địa phương để hưởng ưu đãi thuế. Các công ty khác trong tập đoàn sẽ dồn doanh thu cho công ty được hưởng ưu đãi thuế nhằm giảm số thuế phải nộp. Nhiều doanh nghiệp (DN) khác lách bằng cách ngưng hoạt động hoặc giải thể khi hết ưu đãi, sau đó lập công ty khác để hưởng ưu đãi từ đầu.

Theo quy định của pháp luật “doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm; doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo…”(Điều 14 Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp).

Với chính sách ưu đãi này, không ít những doanh nghiệp thành lập những công ty con tại các địa bàn, lĩnh vực được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với mục đích chuyển giá. Như vây, từ một chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn kinh tế khó khăn đã bị lợi dụng, trở thành công cụ để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước
Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh có các huyện Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các huyện như Đồng Phú, Phước Long, Chơn Thành, Bình Long là các huyện có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế TNDN theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp ở các địa bàn khác như TP.HCM…đã đến thành lập doanh nghiêp, đầu tư dự án tại các vùng này… Mặc dù những doanh nghiệp này chưa hoạt động gì nhiều, tuy nhiên cũng có những doanh thu và lợi nhuận nhất định. Nhưng Nhà nước lại không thu được đồng thuế nào vì doanh nghiệp đang hoạt động trong thời hạn được miễn giảm thuế TNDN theo quy định về ưu đầu tư.

Luật sư Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Cục phó Cục thuế TP.HCM nói “chuyển giá không dừng lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà lan sang các lĩnh vực đầu tư trong nước. Thậm chí các doanh nghiệp quốc doanh cũng có chuyển giá. Thí dụ, sai phạm tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) trong thời gian vừa qua, đó cũng là hình thức chuyển giá. Chuyển giá thông qua hình thức và cơ chế quản lý giữa công ty mẹ - con.

Công ty mẹ được sự bao cấp của Nhà nước thông qua các định mức lợi nhuận, hao hụt. Khi công ty mẹ phân xuống đại lý cấp 1, đại lý bán lẻ lại không tuân thủ cách thức này. Các đại lý bán lẻ lời nhưng công ty mẹ lại bị lỗ. Lỗ thì Nhà nước gánh còn lời thì nằm đại lý”.

Liên kết chuyển giá

Vừa qua, ông Tai Chung Tui (Đài Loan) đã gửi đơn tố cáo bà Lê Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Nguyên Đạo (công ty Nguyên Đạo) và ông Jame Chung (quốc tịch Mỹ) thông qua hình thức chuyển giá và vốn đầu tư sang một doanh nghiệp khác do chính bà Lê Minh Đức thành lập, để chiếm đoạt gần 9 tỷ đồng và hơn 240 nghìn USD.

Cụ thể, sau khi thành lập công ty Nguyên Đạo và chuyển nhượng 40% phần vốn góp cho ông Tui với giá 100 nghìn USD, bà Lê Minh Đức lại cho thành lập một công ty riêng là Công ty TNHH Một thành viên Thái Liên có địa chỉ trụ sở chính tại số 89, đường số 85, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM và sử dụng toàn bộ nhân viên và tài sản của công ty Nguyên Đạo để phục vụ việc kinh doanh của công ty Thái Liên.

Điều đáng nói ở đây là toàn các khoản thu nhập vốn có từ hoạt động kinh doanh của công ty Nguyên Đạo đều được chuyển sang công ty Thái Liên do hai vợ chồng ông James và bà Đức thành lập riêng và những chi phí phát sinh của công ty Thái Liên lại do công ty Nguyên Đạo gánh chịu. Công ty Liên Thái như một nơi để chuyển mọi giá trị vốn góp và lợi nhuận từ công ty Nguyên Đạo. Luật sư Nguyễn Hiệp, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, đây được xem như là hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan Nhà nước.

Ông Tui còn tố cáo bà Lê Minh Đức dùng thủ đoạn mua hóa đơn khống để che dấu doanh thu của công ty Nguyên Đạo cho những hợp đồng không có thực để được khấu trừ chi phí, trốn thuế với Nhà nước dẫn đến doanh thu của công ty thua lỗ.

Cụ thể, chỉ tính riêng hai năm tồn tại của công ty Nguyên Đạo, bà Lê Minh Đức đã chi tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng để mua hóa đơn hợp thức hóa hơn 15 tỷ đồng thành những chi phí hợp lý của công ty Nguyên Đạo. Điều này khiến cho công ty Nguyên Đạo liên tục trong tình trạng lỗ, mặc dù công việc kinh doanh đạt hiệu quả cao do được hỗ trợ từ công ty mẹ. Hành vi này, được các chuyên gia cho rằng đây cũng là một hình thức chuyển giá sang công ty liên kết.

Theo Phạm Đình

thunm

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên