MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ việc Kinh Đô lấn sân ngành thực phẩm tiêu dùng thiết yếu

11-06-2014 - 15:56 PM | Doanh nghiệp

Hợp tác toàn diện với Sài Gòn Vewong để tiến thẳng vào thị trường mì ăn liền, mua lại CP thương hiệu cà phê và mua CP công ty dầu ăn là cách KDC mở rộng sang thị trường hàng thiết yếu quy mô lớn.

Cuối tháng 5 vừa qua, sau khi CTCP Kinh Đô (MCK: KDC) công bố kết quả phát hành riêng lẻ 40 triệu CP cho nhà đầu tư chiến lược thu về hơn 1.700 tỷ đồng, thị trường dậy sóng với câu hỏi KDC sẽ đầu tư vào đâu với hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt đang có sẵn - con số dư sức để thực hiện những thương vụ M&A tầm cỡ như định hướng của công ty.

KDC chính thức tham gia vào 3 ngành hàng mới: Dầu ăn , Mì gói – Gia vị và cà phê

Trao đổi với chúng tôi, đại diện KDC cho biết: KDC sẽ hợp tác toàn diện với Công ty TNHH Sài Gòn Vewong – đối tác có bề dày thâm niên và chuyên môn, nổi tiếng với thương hiệu A-One; mua lại cổ phần một thương hiệu cà phê đã có sẵn ở thị trường Việt cũng như mua cổ phần tại một công ty dầu ăn có sẵn. Hiện, hai thương vụ dầu ăn và cà phê đang trong giai đoạn hoàn tất.

Được biết, Vewong sẽ là đơn vị sản xuất mì gói, cháo, phở ăn liền cho KDC; KDC sẽ giúp Sài Gòn Vewong phân phối sản phẩm gia vị; KDC sẽ chọn lọc một số sản phẩm nước chấm, gia vị phù hợp với thị trường Việt Nam và sẽ hợp tác sản xuất, tung sản phẩm ra thị trường. Theo kế hoạch hợp tác, trước mắt KDC sẽ tung sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở ăn liền ra thị trường trong quý III/2014.

Như vậy sau 2 năm tiếp tục theo đuổi chiến lược M&A, chiến lược mở rộng, đa dạng hóa ngành hàng, KDC chính thức tham gia vào 3 ngành hàng mới: Dầu ăn , Mì gói – Gia vị và cà phê.

Từ bánh kẹo đến ngành hàng tiêu dùng thiết yếu


Với những bước “thu vén” các công ty thông qua công cụ tài chính và bước ngoặt sáp nhập thành công NKD, Kido, Vinabico vào KDC, KDC sẽ “làm gì” trong thời gian tới?

Thông điệp của chủ tịch HĐQT gửi đến cổ đông năm 2014 rằng, 10 năm tới KDC tiếp tục tham gia đầu tư vào các ngành hàng thực phẩm có quy mô lớn, đồng thời gia tăng hợp tác để vươn ra thế giới. Bởi vậy, việc KDC gia nhập ngành hàng thực phẩm thiết yếu là điều dễ đoán.

Với quy mô thị trường đạt hơn 22.340 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng “nóng” trên 20%/năm trong những năm qua, mì ăn liền là ngành có tiềm năng và tốc độ phát triển tốt tại Việt Nam. Đối với nước chấm, quy mô thị trường năm 2013 đạt khoảng 15.303 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng  6-8%. KDC có năng lực, đặc biệt là thương hiệu mạnh, việc tích hợp với một công ty có sẵn trong khu vực để cùng phát huy thế mạnh của các bên được đánh giá là bước đi khôn ngoan của KDC, giảm thiểu rủi ro về chi phí gia nhập ngành.

KDC cho biết, sau bước ngoặt tham gia ngành mì ăn liền – gia vị, KDC sẽ chính thức lấn sân vào thị trường dầu ăn và cà phê thông qua mua cổ phần của 2 đơn vị trong nước nhằm tiếp tục phát triển thương hiệu/công ty mà KDC tham gia hợp tác. Ước tính quy mô thị trường cà phê trong nước có tốc độ tăng trưởng 15 – 20%/năm, dầu ăn có có tốc độ tăng trưởng  7- 9%/năm.

Năm 2013, KDC đã hoàn thành giai đoạn 4 của quá trình tái cấu trúc công ty “tăng trưởng có lợi nhuận” với lợi nhuận trước thuế đạt 619 tỷ đồng. Quý I/2014, KDC đạt 51 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này tiếp tục khẳng định lợi thế về quy mô và nền tảng nội lực vững chắc mà KDC đã kiên trì xây dựng. Với nền tảng đó, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng về việc KDC có đủ khả năng, sẵn sàng mở rộng trong ngành hàng tiêu dùng thiết yếu có quy mô lớn.

>>>4000 tỷ tiền mặt trong tay, Kinh Đô sẽ mua một công ty dầu ăn?
Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên