MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

JVC nửa năm sau biến cố: Lãnh đạo mờ nhạt, Dấu hỏi lớn về cổ đông chiến lược

25-11-2015 - 09:43 AM | Doanh nghiệp

Dù hội đồng quản trị JVC tuyên bố giai đoạn khó khăn nhất của công ty đã đi qua, vẫn chưa có nhiều bằng chứng về sự ổn định của JVC sau nửa năm đón bão.

Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) cuối cùng cũng kết thúc sau lần tổ chức thứ 3, với việc thông qua toàn bộ các tờ trình, bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS công ty nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Dẫu không còn sức nóng như những ngày tháng 6 vừa qua khi nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc Lê Văn Hướng bị khởi tố, những vụ việc xung quanh JVC vẫn luôn là một trường hợp điển hình của thị trường chứng khoán – về những tin đồn, bắt bớ, cổ phiếu sụt giảm, thay đổi nhân sự, bất ổn tài chính…. Và cho dù HĐQT JVC tuyên bố, giai đoạn khó khăn nhất của công ty đã đi qua, vẫn chưa có nhiều bằng chứng về sự ổn định của JVC sau nửa năm đón bão.

 


JVC đã mất 2/3 giá trị vốn hóa kể từ khi xảy ra biến cố

JVC đã mất 2/3 giá trị vốn hóa kể từ khi xảy ra biến cố

 

Lãnh đạo mờ nhạt

Sau nhiều biến động về nhân sự, cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015, ông Lê Văn Giáp bất ngờ được đề cử lần lượt 2 ghế nóng: Giám đốc và Chủ tịch HĐQT công ty.

Trước đó, không ai biết ông Lê Văn Giáp là ai.

Thông tin về ông Lê Văn Giáp – mặc dù đại diện JVC cho biết đã được công bố trên website, nhưng sau khi “lùng sục” trang web của công ty, người đọc cũng không có thêm bất kỳ thông tin nào về nhân vật này. Tại ĐHCĐ, bà Hồ Bích Ngọc – Kế toán trưởng kiêm thành viên HĐQT công ty cho biết ông Giáp là trợ lý, người thân cận của ông Lê Văn Hướng, và các thông tin về dự án dở dang của ông Hướng, ông Giáp là người nắm rõ nhất. Ông Giáp cũng phụ trách việc quan hệ với các đối tác của JVC.

Tóm lại, theo thông tin mà bà Hồ Bích Ngọc đưa ra, ông Giáp là người cực kỳ quan trọng, có công trong việc vực dậy JVC qua giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, những thể hiện của ông Giáp tại ĐHCĐ vừa qua, sau 3 lần tổ chức, đều chưa thực sự nổi bật. Mặc dù ông đã có hơn 10 năm làm việc tại JVC, và gần 4 tháng ngồi ghế nóng – ông Lê Văn Giáp không đứng lên trả lời bất kỳ câu hỏi chất vấn nào của cổ đông. Cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần này gần như một buổi độc thoại của bà Hồ Bích Ngọc – về lý thuyết – là cấp dưới của ông Giáp.

Ở 2 lần tổ chức ĐHCĐ bất thành trước đó, bà Hồ Bích Ngọc cho biết do vừa giữ ghế Chủ tịch HĐQT, ông Giáp cần thời gian để làm quen với vị trí mới cũng như công việc được giao.

Hiếm có một cuộc họp nào, vai trò người giữ 2 vị trí đứng đầu một doanh nghiệp lại mờ nhạt đến vậy.

Dấu hỏi về cổ đông chiến lược

Khác với 2 lần đại hội bất thành trước đó, ĐHCĐ lần này vắng mặt cổ đông chiến lược DI Asian Industrial Fund (DIAIF). Đại diện JVC cũng cho biết tại ĐHCĐ là DI Asian không có thông báo nào về sự vắng mặt này, mặc dù hai bên vẫn trao đổi công việc hàng tháng – phía JVC nhấn mạnh.

DI Asian không chỉ là một cổ đông bình thường. Tổ chức này bắt đầu rót vốn vào JVC vào đầu năm 2012 với việc mua 10 triệu cổ phần công ty này (tương đương 31,1% vốn điều lệ JVC lúc bấy giờ) và có đại diện ở HĐQT JVC.

Sự thoái lui bất ngờ của ông Hosono Kyohei và ông Tashiro Masaaki khỏi JVC trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nửa cuối tháng 9 vừa qua đã đặt ra dấu hỏi trong quan hệ giữa JVC và DI Asian.

Việc vắng mặt bất ngờ không có nguyên nhân được đưa ra của DI Asian trong cuộc họp lần này có vẻ như đang củng cố thêm những nghi ngờ đó.

Vai trò của DI Asian tại JVC là kết nối các nhà sản xuất thiết bị y tế Nhật như Hitachi và Fujifilm để phân phối sản phẩm đến hơn 140 bệnh viện tại Việt Nam. Năm 2012, kết quả kinh doanh của JVC tăng trưởng vượt trội so với các năm trước đó.


Biến động doanh thu/lợi nhuận của JVC (Đơn vị: Tỷ đồng)

Biến động doanh thu/lợi nhuận của JVC (Đơn vị: Tỷ đồng)

Trước JVC, DI Asian đã đầu tư vào Nutifood và sau 2 năm thoái toàn bộ 25% cổ phần tại đây. Hiện tại DI Asian đang nắm giữ cổ phần tại Công ty phân phối hàng tiêu dùng Mesa, Santedo (nhà phân phối và bán lẻ dược phẩm lớn khu vực phía Nam). Quỹ này đang tạm dừng rót vốn vào thị trường Việt Nam khi số vốn giải ngân đã cán đích 50 triệu USD.

Theo kế hoạch, DI Asian sẽ thoái vốn khỏi JVC vào năm 2017. Trước khi xảy ra sự cố liên quan đến ông Lê Văn Hướng, JVC đặt mục tiêu lãi ròng 2017 là 40 triệu USD. Rõ ràng sự kỳ vọng của DI Asian vào JVC là rất lớn. Tuy nhiên, tình hình thực tế của JVC có vẻ không được một phần của kỳ vọng.

Ngân hàng "làm khó"

Bổ sung vào những khó khăn của JVC là việc "làm khó" của Vietinbank khi ngân hàng này tỏ ra rất cứng rắn khi buộc JVC phải thanh toán ngay lập tức 235 tỷ đồng, khiến JVC phải thay đổi kế hoạch sử dụng 750 tỷ đồng tiền thu được từ đợt tăng vốn trước đó. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của JVC trong thời gian tới, theo hướng không thuận lợi.

Kế hoạch kinh doanh năm 2015 được JVC đề ra với các chỉ tiêu vô cùng khiêm tốn với 500 tỷ đồng doanh thu và 17 tỷ đồng lợi nhuận. Mặc dù lãnh đạo JVC cho rằng, công ty đủ sức hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm nay, và kế hoạch đề ra đủ an toàn, đảm bảo cho công ty tự tin thực hiện, thì việc hoài nghi của cổ đông về hoạt động kinh doanh vẫn còn đó - như một số cổ đông đã phát biểu tại ĐHCĐ.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên