MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi cổ đông được mời ăn bánh vẽ

08-11-2013 - 08:09 AM | Doanh nghiệp

"Bây giờ mua cổ phiếu, đầu tư vào một công ty, tôi chẳng biết bám vào đâu mà biết tình hình hoạt động của công ty cũng như túi tiền đầy vơi của mình".

Đây là một hình ảnh khá quen thuộc chúng ta có thể thấy trên bao bì của hầu hết các loại mỳ ăn liền. Kèm theo một dòng chữ nho nhỏ ở phía dưới: hình ảnh chỉ mang tính minh họa. Cũng chẳng ai phản đối gì cả. Rõ ràng, bộ mặt của một sản phẩm, trước hết phải đẹp đẽ, tươm tất.

n nhớ, mùa ĐHCĐ thường niên 2013 vừa qua không ít doanh nghiệp cũng "vẽ" lên cho cổ đông những hình ảnh đẹp đẽ như vậy về tình hình kinh doanh trong thời gian tới. Và rất tiếc, kế hoạch kinh doanh, sau hơn 3/4 chặng đường, cũng chỉ mang tính tham khảo mà thôi.

Chẳng mấy ai nghĩ mình sẽ lỗ!

Không nhiều doanh nghiệp trình ĐHCĐ phương án lỗ. Trước khả năng có thể lỗ trong năm tới, một số doanh nghiệp bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận, hoặc nói chung chung về phương hướng, kế hoạch, từ chối đưa ra một con số cụ thể. Có thể kể đến Taiceira, ĐHCĐ thường niên 2013 nhất quyết không đưa ra con số kế hoạch lợi nhuận, chỉ "hứa" là sẽ cải thiện so với năm 2012 (lãi ròng vỏn vẹn 3,4 tỷ đồng). Vậy mà, sau 3/4 quãng đường, TCR đã lỗ ròng tới 80 tỷ đồng.



Đầu năm 2012, ĐHCĐ thường niên của Thép Việt Ý (VIS) đã thông qua việc sáp nhập với Luyện thép sông Đà (SDS). Việc sáp nhập này vốn được VIS kỳ vọng rất nhiều. Tuy nhiên, năm đầu tiên sau sáp nhập, năm 2012, VIS lỗ ròng 36 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2013, VIS tiếp tục lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng. 

HT1 đứng trước tình hình khó khăn với nợ nần bủa vây, đã đặt kế hoạch lợi nhuận 2013 chỉ mang tính tượng trưng với 1 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ngay cả mức lợi nhuận bé nhỏ nói trên cũng chưa được thực hiện, HT1 lỗ ròng 70,4 tỷ đồng. 

Pomina là trường hợp tương đối oái oăm. Năm 2012, trong khi đề ra kế hoạch lợi nhuận 400 tỷ đồng, trong khi lãi thực tế chỉ vỏn vẹn 4,6 tỷ đồng, bằng 1% kế hoạch. ĐHCĐ thường niên 2013 rút kinh nghiệm, giảm kế hoạch xuống còn một nửa so với 2012, còn 200 tỷ đồng LNST. Vậy mà, sau 9 tháng, công ty lỗ ròng 240 tỷ đồng. Con đường hoàn thành kế hoạch của POM có vẻ như khá gian nan. 

...Thì ta điều chỉnh

FCM là "con đẻ" của FCN và PVX, chào sàn với giá 24.000 đồng/cổ phiếu. Ngay trong phiên đầu tiên, FCM đã được giao dịch với giá sàn của ngày hôm ấy, 19.200 đồng/cổ phiếu và hiện tại FCM chỉ còn giá trên 8.000 đồng/cổ phiếu. 

Bản cáo bạch của FCM đưa ra con số kế hoạch LNST 2013 với 96 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên 125 tỷ đồng trong năm tiếp theo. Trên thực tế, sau 9 tháng, FCM lãi ròng vỏn vẹn 16,4 tỷ đồng sau khoản lỗ 5,3 tỷ đồng riêng quý 3. 

Cuối tháng 10 vừa qua, FCM ngỏ ý xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2013. Không khó đoán khi sau 9 tháng FCM mới chỉ đi một quãng đường rất ngắn so với kế hoạch đề ra. 

Hay như AAM, sau 6 tháng mới chỉ thực hiện được 16% kế hoạch đề ra, đã quyết định điều chỉnh kế hoạch giảm quá nửa, từ 25 tỷ đồng xuống còn 10 tỷ đồng. 

Điều chỉnh kế hoạch là một việc không có gì là ầm ĩ, nhất là khi tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi nhiều bên, rất khó lường. Tuy nhiên, một khi doanh nghiệp không dự đoán được phần lớn những khó khăn trước mắt, cho cổ đông "ăn bánh vẽ" - rồi sau đó điều chỉnh kế hoạch giảm đột ngột, cổ đông có thể bị thiệt hại đáng kể. 

Xin kết bài bằng than thở của một nhà đầu tư: "Bây giờ mua cổ phiếu, đầu tư vào một công ty, tôi chẳng biết bám vào đâu mà biết tình hình hoạt động của công ty cũng như túi tiền đầy vơi của mình".

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên