MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi doanh nghiệp "núp bóng" chính quyền lừa người dân

17-02-2014 - 07:31 AM | Doanh nghiệp

Nhiều vụ bán thuốc và thiết bị y tế trá hình lợi dụng việc khám bệnh miễn phí

Lợi dụng các địa điểm công cộng như: Trụ sở nhà văn hóa, trạm y tế, trường học... các nhóm kinh doanh đã lừa bán cho người dân các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc, máy khử độc hoa quả, đồ dùng gia dụng… với giá đắt đỏ.

Tưởng rẻ hóa đắt

Ông Nguyễn Tiến Hồng (cụm 8, xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) kể, cách đây khoảng 3 tháng, nghe trưởng thôn thông báo có một doanh nghiệp về Nhà văn hóa thôn bán máy khử ozone giảm giá 50% và tặng ngay chiếc chậu nhôm, dù có mua hàng hay không, người dân chen nhau đến xem. Sau khi tận mắt nhìn thấy chiếc máy khử độc thịt lợn, hoa quả... thải ra chất màu đen, nhiều người không ngần ngại, móc ví mua chiếc máy với giá 2,7 triệu đồng. “Tôi nhẩm tính, hôm ấy họ phải bán được 30-40 chiếc máy. Ai cũng hí hửng vì tưởng mình mua được hàng rẻ... Chỉ đến khi đem khoe với con cháu mới biết thực chất, máy này chỉ có giá hơn một triệu đồng, bán đầy ở các siêu thị điện máy”.

Tương tự, bà Nguyên, ở 37/27 Dịch Vọng, Cầu Giấy than thở bị lừa khi mua về một chiếc nồi ủ Trung Quốc với giá 2,5 triệu đồng. “Hôm ấy, họ về tận Nhà văn hóa tổ dân phố tiếp thị, chị em chúng tôi vừa đi tập thể dục về kéo vào xem. Họ nói nồi này trị giá 4 triệu, nhưng đang có chương trình khuyến mãi còn 2,5 triệu, lại được tặng một chiếc đế cắm dao bằng gỗ, nên tôi và nhiều chị em vay tiền mua cho bằng được. Sau khi mang về nhà, cậu con trai bảo loại nồi này bán đầy trên Lạng Sơn, chỉ với giá 500.000 - 600.000 đồng/chiếc”.

Không chỉ đồ dùng, nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là thực phẩm chức năng, cũng được các nhóm kinh doanh chào bán thông qua các địa điểm trên. Họ sử dụng các “chiêu độc” đánh vào tâm lý người già như: Tổ chức khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi. Bà Đỗ Thị Thính, phường Phúc La, Hà Đông kể: “Cách đây vài tháng, nghe Chi hội Người cao tuổi giới thiệu, tôi đến hội trường của khu dân cư để được đơn vị bán hàng đo huyết áp, đo nhịp tim, tư vấn và bán cho hộp thực phẩm để chữa mỡ máu với giá gần 600 ngàn đồng. Buổi chiều, một người cháu làm ở cửa hàng dược đến chơi cho biết, loại thực phẩm này bán tại các cửa hàng chỉ có giá hơn 60 ngàn đồng...”.

Kẽ hở trong quản lý

Các tổ chức doanh nghiệp khi tiếp thị, bán hàng theo hình thức trên đều đã được chính quyền cơ sở đồng ý, thậm chí có cả sự hợp tác. Về vấn đề này, đại diện nhiều chính quyền cơ sở cho biết, các doanh nghiệp khi được quận, huyện giới thiệu đều đầy đủ hồ sơ pháp lý, tuy nhiên giá cả và chất lượng thực sự của các loại máy, mặt hàng... rất khó kiểm soát. Ông Phạm Đình Nam- Phó Chủ tịch phường Phúc La (Hà Đông) cho biết: “Mỗi năm cũng có 6-7 doanh nghiệp về phường để bán máy chăm sóc y tế, thực phẩm chức năng và họ đều có giấy giới thiệu của quận, sau đó phường giới thiệu về các tổ dân phố, chi hội đoàn thể”.

Bà Vũ Thị Hà - Phó Chủ tịch phường Văn Quán (Hà Đông) cho biết, rất “sợ” doanh nghiệp đến địa bàn bán hàng kiểu này: “Doanh nghiệp về phường nhiều lắm, có giấy giới thiệu của phòng chuyên môn, đoàn thể như chữ thập đỏ, người cao tuổi quận, nhưng phường chỉ cung cấp địa chỉ, số điện thoại để doanh nghiệp tự xuống liên hệ, vì phường không có cơ sở xác định doanh nghiệp nào thật, sản phẩm nào là thật, giá nào là giá chung thị trường”. Bà Hà cũng công nhận có tình trạng tổ dân phố tổ chức chui các buổi tiếp thị, bán hàng cho doanh nghiệp vì “người ta cũng có chút kinh phí để tổ dân phố đưa giấy mời cho người dân”.

Theo bà Lê Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông, trên địa bàn cũng có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe nhờ hội nào đó giới thiệu về thẳng phường để bán hàng và vi phạm quy định về khám tư vấn sức khỏe cho người dân (đo huyết áp, đo độ loãng xương…) nhằm mục đích bán hàng và bán thực phẩm chức năng tại chỗ.

Theo Hồng Xiêm

thunm

Giao thông vận tải

Trở lên trên