Khi doanh nghiệp “quên” bảo hiểm tỷ giá
Hơn 90% DN vay ngoại tệ “quên” bảo hiểm tỷ giá. Nhiều DN trong số đó gánh lỗ lớn do cú điều chỉnh tỷ giá đột biến trong tháng 8/2015. Và các DN đang cuống cuồng tìm cách gỡ lỗ…
- 12-09-2015[Infographic] Khởi nghiệp nên chọn loại hình doanh nghiệp nào?
- 12-09-20152 giải pháp “hút” doanh nghiệp FDI vào công nghiệp hỗ trợ
Đây là tình trạng của rất nhiều DN xuất nhập khẩu, DN có vay tín dụng ngoại tệ để đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Đáng nói là trong số đó có rất nhiều DN lớn, là các Tập đoàn Nhà nước.
Các ông lớn dính đòn nặng
Một trong những DNNN có hoạt động sản xuất kinh doanh “gắn bó” với tỷ giá là Tập đoàn Than Khoáng Sản VN -TKV. Theo báo cáo của ông Vũ Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Tập đoàn, chênh lệch tỷ giá trong tháng 8 khiến Tập đoàn phát sinh khoản lỗ 1.200 tỷ đồng và DN ngày càng khó khăn do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh và đợt mưa lũ vừa diễn ra.
TKV đang chiếm khoảng 10-15% trong hệ thống cấp điện của Tập đoàn Điện lực VN – EVN. Bản thân EVN lại cũng là một ông lớn đang “kêu ca” sẽ lỗ gấp hàng chục lần con số của TKV do chênh lệch tỷ giá. Theo ông Ngô Sơn Hải – Phó tổng giám đốc EVN, tính toán bước đầu cho thấy chênh lệch tỷ giá đang tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất điện của tập đoàn này.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng lỗ của TKV hay EVN vì chênh lệch tỷ giá, không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Một ví dụ là năm 2011, kịch bản lỗ của EVN diễn ra có phần khá giống với hiện tại. Theo phương án giá điện năm 2011, tính toán tỷ giá của EVN chỉ là 19.500 đồng/USD. Đến ngày 31/12/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã là 20.828 đồng/USD.
Mỗi USD đã tăng 1.328 đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 6,81%. Biến động này đã làm tăng chi phí mua điện của EVN từ các nguồn điện bên ngoài như nhà máy điện Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, Cà Mau, Cần Đơn và nhập khẩu điện từ Trung Quốc. Đây đều là các nguồn phải mua bằng ngoại tệ. Kết quả là năm 2011, EVN đã lỗ tới trên 5.900 tỷ đồng, trong đó, có khoản lỗ được “đóng góp” vì không chuẩn bị phương án thay đổi tỷ giá.
Còn TKV, với một lượng lớn than phải nhập khẩu từ thị trường nước ngoài (trong khi DN cũng có phần xuất đi), chi phí do điều chỉnh tỷ giá là một gánh nặng lớn cần cân đối.
Như vậy, có thể thấy là đợt điều chỉnh tỷ giá mạnh (3%) diễn ra trong tháng 8 và bao gồm cả 2 % mà NHNN đã điều chỉnh trước đó, trong năm 2015, với các Tập đoàn kinh doanh liên quan đến ngoại tệ như EVN hay TKV, đều không thể xem là một “cú sốc” hay “đòn” chính sách khiến DN “trở tay không kịp”. Vấn đề chính là DN đã lơ là bỏ quên chuyện bảo hiểm tỷ giá khiến đồng Việt Nam chỉ “bốc hơi” vài %, thì DN lập tức thua lỗ hàng nghìn tỷ. Điều này cũng cho thấy các Tập đoàn, vốn được xem là “con cưng” của chính sách, đang trong giai đoạn tái cấu trúc với kế hoạch cổ phần hóa được thúc giục diễn ra mạnh mẽ, vẫn chưa có nhiều sự lột xác về quản trị lẫn tâm thế sẵn sàng nghênh đón mọi tác động, sức ép của chính sách lẫn thị trường.
DNNVV cũng khó
Liên quan đến ngành điện, những cái tên như Nhiệt điện Phả Lại, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2… đều được dự báo là những DN sẽ tiếp tục dính lỗ vì tỷ giá. Nói tiếp tục, vì trong quá khứ, các DN đều có những khoản lỗ lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ do không bảo hiểm tỷ giá, không “lường trước” được các thay đổi của chính sách ngoại hối quốc gia. Lỗ chính sách, lãi khách quan có lẽ là điệp khúc đúng với tình trạng kính doanh có phần bị động của các DN này.
Lưu ý là những DN nêu tên trên đều là các DN có cổ phần sở hữu thuộc Nhà nước và hiện đã được niêm yết, tức là DN đại chúng và tiêu chuẩn quản trị hiện đại, minh bạch, tạm xem là “ưu tú”, nhanh nhạy so với thị trường hơn là các DN chưa niêm yết. Tuy nhiên, Chứng khoán Bảo Việt nhận định với các khoản vay nợ ngoại tệ lớn, các DN này vẫn khó tránh mất mát, cho dù cũng có những lúc các DN này được hưởng lợi từ chính tỷ giá.
Tương tự, các DN ngành vận tải, xi măng, với dư nợ vay ngoại tệ lớn, cũng có thể gánh những mất mát hàng tỷ đồng sau đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua. Đặc biệt, riêng với DN ngành xi măng, bên cạnh việc vật lộn với khủng hoảng thừa cung, các DN trong ngành còn phải oằn mình với những khoản lỗ tỷ giá do đã trót sử dụng suất đầu tư lớn cho các dự án. Điển hình có Xi măng Sông Thao với suất đầu tư nhà máy lên tới 1.800 tỷ đồng, trong đó có một phần lớn vốn cho suất đầu tư đến từ vay mấy chục triệu USD. Năm 2013 Xi măng Sông Thao đã được HUD đề xuất Bộ Xây dựng cho ứng vốn trả bớt một phần khoản vay nước ngoài cho dự án, nhưng khoản nợ này vẫn còn dây dưa và có thể khiến Xi măng Sông Thao tiếp tục phải trả chi phí lớn.
Ứng phó với chính sách, với tình hình biến động của thị trường ngoại hối nhìn chung, chưa được các DN, cả DNNN lẫn DN tư nhân, tự giác nâng cao năng lực của mình hoặc tìm hướng để tư vấn, có một bảo hiểm, bảo lãnh nhất định nào đó nhằm giảm thiểu rủi ro khách quan ở mức thấp nhất; cho dù, đó là các DN lỗ tỷ giá do họ đồng mua hàng trả chậm hoặc là các DN “quá linh động” đã sử dụng hợp đồng xuất khẩu, vay ngoại tệ đổi sang gửi tiền VND hưởng lãi…
Tâm lí tiết kiệm chi phí là một trong những lý do khiến DN lơ là công cụ bảo hiểm tỷ giá.
Đại diện HDBank, một NH đang có dư nợ cho vay ngoại tệ trên tổng dư nợ đạt 6,4% cho biết trên thị trường hiện tại đang có các sản phẩm bảo hiểm tỷ giá được phép thực hiện như Hợp đồng kì hạn (forward), hợp đồng quyền chọn(option). Tuy nhiên DN cũng ít quan tâm đến các sản phẩm này, do phải tốn kém thêm chi phí. “Thời gian vừa qua tỷ giá có biến động khá mạnh, 1 số DN cũng đã nghĩ đến việc phải sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá, phòng ngừa rủi ro. Riêng đối với các khách hàng có sử dụng sản phẩm vay của HDBank thì khách hàng hiện có thể sử dụng các sản phẩm bảo hiểm tỷ giá do HDBank cung cấp. Đối với sản phẩm quyền chọn thì NHNN cũng vẫn chưa cho phép thực hiện giữa USD với VND nên có khó khăn cho thị trường, vì USD là loại ngoại tệ chủ yếu giao dịch trên thị trường, trong việc sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá thì thường đi đôi với chi phí nên phụ thuộc vào sự cân nhắc lợi ích của DN để thực hiện” – vị này cho biết.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn – chuyên gia về Tài chính phái sinh cũng nhận xét, một trong những hạn chế mang tính khách quan khiến các DN ngại sử dụng công cụ bảo hiểm tỷ giá khi vay tín dụng ngoại tệ ở các ngân hàng trong nước, là nếu sử dụng công cụ này DN sẽ bị tính “lãi suất kép”. Tâm lí tiết kiệm chi phí khiến DN lơ là công cụ bảo hiểm là một phần. Cùng với đó, công cụ bảo hiểm tỷ giá ở VN cũng còn nghèo nàn, chủ yếu là thực hiện hợp đồng kì hạn hoặc hợp đồng tương lai (future), ở chiều mua, trong khi đó chiều bán gần như vắng bóng và hợp đồng quyền chọn (option) cũng chưa phổ biến. Bản thân các ngân hàng cũng ngại rủi ro tỷ giá và chủ yếu chỉ làm “đại lý”, thu phí trung gian từ DN. “Đã đến lúc thị trường cần được hỗ trợ và cho phép phát triển hơn nữa các sản phẩm phái sinh, cụ thể là hợp đồng kì hạn lãi suất và ngoại hối để DN có công cụ bảo vệ chính mình”- ông Hoàn nhấn mạnh.
Phí cao DN chưa mặn mà
Ông Nguyễn Xuân Dương– Chủ tịch TCty may Hưng Yên:
Hiện có rất nhiều gói bảo hiểm tỉ giá, khi DN tham gia thì có thể yên tâm trong kinh doanh không lo tỷ giá tăng hay phải mua ngoại tệ…
Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm tỉ giá hiện nay chủ yếu là các DN FDI tham gia do ngân hàng nước ngoài lấy phí thấp, DN VN chưa mặn mà lắm với loại hình này với lý do các ngân hàng VN lấy phí còn cao nên rõ ràng không cạnh tranh, trong khi DN còn khó khăn họ muốn giảm tối đa chi phí. Lấy ví dụ hiện ở Mỹ, vay lãi suất chỉ 0,5 – 1%, trong khi ở VN nếu làm bài toán vay với lãi suất hiện nay, cộng với phí vào có thể lên tới 9-10%. Như vậy, rõ ràng là chưa cạnh tranh. Ở nhiều nước, tỉ giá thay đổi liên tục, thậm chí trong vòng nửa năm tăng 18-20% thì DN mới cần bảo hiểm tỉ giá. Trong khi VN công bố chỉ cho phép 2%, kể cả nới room cho phép 4%, rõ ràng như vậy DN sẽ không mặn mà với bảo hiểm tỉ giá.
Nhưng thực ra nhiều DN VN hiện khi trao đổi hàng hóa vẫn dùng USD để giao dịch nên họ không quan tâm nhiều tới bảo hiểm tỉ giá, chẳng hạn vừa rồi khi tỷ giá lên, nhiều DN nhập khẩu ô tô tính giá thành vào giá USD để bán chứ không cần bảo hiểm tỉ giá. Ngay cả các DN dệt may, khi nhập nguyên liệu cũng tính giá USD, khi XK cũng tính giá USD, ví dụ nhập nguyên liệu 5 USD, bán 7 USD, như vậy giá tiền công là 2 USD. Khi XK vẫn là USD nên cũng không có ảnh hưởng gì về tỉ giá.
Ngành dệt may năm ngoái XK khoảng 25 tỉ USD, trong đó tiền nhập khẩu nguyên liệu chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch XK, có nghĩa hơn chục tỉ USD nằm trong số thanh toán đi, rõ ràng không có ảnh hưởng gì. Ngay cả các ngành khác như gỗ…cũng tương tự như vậy. *Tôi cho rằng mọi vấn đề hãy để cho thị trường điều tiết, khi DN thấy có lợi, phí hợp lý thì họ sẽ tham gia, còn nếu không hợp lý DN sẽ thờ ơ.
DN chưa coi phòng ngừa rủi ro tỷ giá là nghiệp vụ bắt buộc trong quản trị
Ông Ngô Đăng Khoa– Giám đốc kinh doanh trái phiếu và ngoại hối HSBC VN:
Từ giữa tháng 8 đến nay, số DN tìm hiểu về những sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá tăng lên nhiều nhưng vẫn có tới 90% DN nhập khẩu không sử dụng sản phẩm bảo hiểm tỷ giá. Hơn 80% hợp đồng bảo hiểm tỷ giá của DN có thời hạn dưới 3 tháng. *Các DN thường bỏ qua việc bảo hiểm cho các nghĩa vụ thanh toán dài hạn, ví dụ như các khoản vay USD trung và dài hạn ở nước ngoài. Đến khi thị trường biến động mạnh, DN mới đi tìm vào các nghiệp vụ bảo hiểm rủi ro dài hạn như hoán đổi tiền tệ chéo. Lúc đó, chi phí bảo hiểm đã tăng cao so với lúc thị trường ổn định.
Thực tế trên đây cho thấy, công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá đóng vai trò quan trọng với nhiều DN VN, song các DN khá thờ ơ với công cụ bảo hiểm này. Lý do là lâu nay DN quen sử dụng đồng USD trong giao thương quốc tế, hơn nữa chính sách tỷ giá của Chính phủ duy trì ổn định nên DN không muốn mất thêm chi phí cho dịch vụ này. Nay trong xu thế đẩy mạnh đầu tư, tập trung cho xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế mở rộng, do vậy các DN phải có công cụ tự bảo vệ mình trước biến động của tỷ giá.
Trước đây, khi NHNN chưa có thông điệp định hướng điều hành tỷ giá thì các DN cũng không sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Như vậy, chính bản thân các DN cũng chưa quan tâm và coi phòng ngừa rủi ro tỷ giá là nghiệp vụ bắt buộc trong quản trị DN. Thực ra, các DN không muốn mất thêm chi phí vì họ cho rằng, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát của mình *Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng không chịu áp lực phải thực hiện phòng tránh rủi ro tỷ giá. Hiện nay, các DN nếu bị lỗ do không phòng tránh rủi ro tỷ giá thì không ai quy kết trách nhiệm của người đứng đầu quản trị DN. T.Anh, P.Hà ghi
Diễn đàn Doanh nghiệp