MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi doanh nghiệp "rũ bỏ" công ty con

02-01-2014 - 08:31 AM | Doanh nghiệp

"Quan hệ Mẹ - Con" là một mỹ từ trong hoạt động kinh doanh. Nó hầu như không mang một ý nghĩa nào thực sự tốt đẹp như chúng ta vẫn hiểu.

Đối với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, không ít doanh nghiệp tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng, thâu tóm, hoặc đơn thuần muốn chia nhỏ, phân nhánh hoạt động của mình bằng các công ty con. "Quan hệ Mẹ - Con" là một mỹ từ trong hoạt động kinh doanh. Nó hầu như không mang một ý nghĩa nào thực sự tốt đẹp như chúng ta vẫn hiểu.

Với mục tiêu lợi nhuận, quan hệ công ty mẹ với công ty con chỉ thực sự tốt đẹp khi công ty con vẫn đều đặn mang lợi nhuận về cho công ty mẹ, dưới hình thức này hay hình thức khác, trực tiếp hoặc gián tiếp... Năm 2013 chứng kiến không ít vụ "rời bỏ" của công ty mẹ với công ty con. 

Từ chuyện "con dại cái mang"

Thành lập công ty con, đồng nghĩa với việc công ty mẹ phải chịu một phần trách nhiệm, lãnh một phần hậu quả khi công ty con "có vấn đề".

Trường hợp của Quốc Cường Gia Lai (QCG ) và Công nghệ Tiên Phong ( ITD ) chúng tôi đã đề cập trước đây là những điển hình như vậy.

[Xem thêm: Con dại cái mang]

QCG có công ty con là Nhà Quốc Cường bị kiện do chậm bàn giao nhà. Số tiền nguyên đơn đòi bồi thường thực tế không quá lớn, chưa đến 300 triệu đồng. Tuy nhiên, Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng cho biết công ty này đã thoái vốn tại Nhà Quốc Cường. Vụ việc đến nay vẫn chưa ngã ngũ khi bản án đã được hủy sau khi Nhà Quốc Cường kháng cáo. Việc "rút êm" của QCG là một quyết định khôn ngoan. 

Chúng tôi cũng lưu ý, vụ việc của Nhà Quốc Cường hiện đang tạm bị hủy bỏ do Nhà Quốc Cường cho rằng việc không đưa công ty Nhà Hưng Thịnh vào bản án là thiếu sót. Nhà Hưng Thịnh cũng là một trong các công ty con vừa được QCG thoái vốn. Như vậy, vụ việc dù có diễn biến theo chiều hướng nào, thì QCG cũng không bị ảnh hưởng tiêu cực nào đáng kể.

ITD cũng tương tự với QCG khi công ty con là Thiết bị điện Thạch Anh (QEC) vướng vào các vụ kiện cáo với Ngân hàng ACB và nguy cơ phải chịu những tổn thất đáng kể. Nhận thức được nguy cơ này, ITD đã làm thủ tục phá sản đối với QEC và đã được chấp thuận. Tranh chấp giữa QEC và ACB được chuyển sang tòa Kinh tế. Tuy vậy, những vướng mắc về mặt tài chính giữa QEC và ITD vẫn chưa được giải tỏa. Việc phá sản QEC không phải là dấu chấm hết cho trách nhiệm và những liên lụy của ITD tại công ty con này.

Đến chuyện....thích thì bán

Nếu như ITD và QCG cho phá sản và thoái vốn khỏi công ty con vì những lo ngại liên quan đến pháp lý thì không ít doanh nghiệp thoái vốn không cần một lý do nào cụ thể. Thực ra nguyên nhân sâu xa vẫn là chức năng kiến tạo lợi nhuận của công ty con không được như kỳ vọng trước đó.

Hoàng Anh Gia Lai và công ty con Bất động sản An Phú là một ví dụ. Đánh giá thị trường bất động sản trong nước không còn nhiều tiềm năng, HAG đã thẳng tay thoái vốn khỏi công ty con này. Để thuận tiện cho việc thoái vốn, HAG đã quyết định chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (kế hoạch cổ tức không nằm trong nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2013) đủ để các cổ đông này thực hiện quyền mua lại cổ phiếu An Phú "giúp" HAG. Tuy vậy, không ngoài dự đoán, số lượng cổ phần An Phú dư ra tới 17,6 triệu đã được phân phối riêng lẻ cho các cổ đông cá nhân và ông lớn SSI. 

Hay như trường hợp mới đây của An Dương Thảo Điền HAR. Còn nhớ trong phiên họp ĐHCĐ thường niên của công ty này, HĐQT công ty lạc quan cho rằng mảng hoạt động khoáng sản có thể mang lại cho công ty khoản lợi nhuận 25 tỷ đồng trong năm 2013 - nửa đầu 2014. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm góp vốn thành lập công ty con Cơ khí và Khoáng sản Bình Định, HAR đã phải ngậm ngùi bán lại toàn bộ cổ phần đã góp vốn trước đó. Nếu suôn sẻ, thương vụ sẽ mang lại cho HAR khoảng 2 tỷ đồng lợi nhuận. Rõ ràng, góp vốn để lấy lãi không phải là mục đích của HAR, vì lợi nhuận mang lại quá ít ỏi so với công sức và những khó khăn xung quanh việc góp và thoái vốn. 
 
Gần đây An Dương Thảo Điền bất ngờ lên kế hoạch góp vốn thành lập công ty chuyên nông sản - hoàn toàn không nằm trong nghị quyết ĐHCĐ trước đó. Những kỳ vọng ở HAR ở mảng hoạt động mới mẻ này không được công bố. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn chờ, liệu có một kết cục như đã xảy ra với lĩnh vực khoáng sản trước đó?

Kết

Việc thành lập, góp vốn vào công ty con là một hoạt động thông thường của một doanh nghiệp. Thủ tục thành lập cũng hết sức đơn giản, chỉ cần ĐHCĐ thông qua (không ít trường hợp chỉ cần HĐQT thông qua). Tuy nhiên, không phải kế hoạch nào cũng thành công và mang lại kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, cổ đông cần ý thức được quyền lợi của mình trong những quyết định được đưa ra. Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã "lên voi, xuống chó" với những khoản góp vốn như vậy.

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên