MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Thuế và Hải quan cùng “đổ lỗi” cho doanh nghiệp về nạn hối lộ

31-10-2013 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

Tuy nhiên, về phía Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái chưa nói đến những biện pháp loại bỏ những nhân viên tha hóa khỏi đội ngũ làm việc...

Theo Báo cáo về tham nhũng của Ngân hàng thế giới, góc nhìn từ phía doanh nghiệp về tình hình tham nhũng và hối lộ, Thuế và Hải quan là 2 ngành đứng đầu về mức độ sách nhiễu, nhận hối lộ từ phía các doanh nghiệp. 

"Quả bóng" trách nhiệm

Bà Lê Hồng Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã đứng lên để "thanh minh" những vấn đề thuộc về ngành mình. Bà cho biết Tổng cục Thuế đã, đang và làm rất quyết liệt để có thể ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực mà báo chí, các cơ quan và doanh nghiệp đã lên tiếng trong thời gian qua. 

Về mặt kỹ thuật, chính sách và thủ tục Thuế vẫn không ngừng cải thiện qua thời gian qua. Các thủ tục kê khai thuế đã được điện tử hóa, việc kê khai điện tử đang được "phổ cập" dần tới các doanh nghiệp. Ngoài ra, các cán bộ Thuế đã thực hiện ký cam kết trên toàn cơ quan về việc không tham nhũng. Với những nỗ lực nói trên, bà Hải tin rằng tình hình đang được cải thiện rõ rệt. 

Về phía các doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp lớn có hệ thống kế toán riêng biệt và độc lập, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều thuê kế toán và làm theo mùa vụ. Một kế toán do vậy có thể làm việc đồng thời cho nhiều doanh nghiệp. Chính điều này khiến các kế toán không thực sự chuyên nghiệp và hiểu biết về quy trình làm việc, kê khai thuế, nảy sinh những vụ việc hối lộ giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. 

Đại diện phía Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan  cũng có những nhận định tương tự đối với doanh nghiệp. 

Theo ông Thái, Tổng cục Hải quan đã và đang cải cách hệ thống khai báo Hải quan theo hướng hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa cán bộ Hải quan và doanh nghiệp. Do vậy, sự tiếp xúc trực tiếp là không thực sự cần thiết. Nếu doanh nghiệp nào vẫn ưa tiếp xúc theo "kiểu cũ" - thì đó là lỗi thuộc về doanh nghiệp.

Ông Thái cho rằng, phần lớn các doanh nghiệp thuê người kê khai hải quan. Vấn đề là năng lực của người chuyên kê khai hải quan có vấn đề, dẫn đến việc móc nối với nhâ viên hải quan thoái hóa biến chất, nảy sinh tiêu cưc, hối lộ...

Tuy nhiên, về phía Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Dương Thái chưa nói đến những biện pháp loại bỏ những nhân viên tha hóa khỏi đội ngũ làm việc...

Thuế và Hải quan đã thực sự "hết mình"?

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Lợi, đại diện báo Pháp luật Tp.HCM cho biết, việc cố gắng không thể từ một phía là doanh nghiệp. Mà phải có sự ràng buộc từ các cơ quan công quyền. 

Ông Lợi lấy ví dụ một doanh nghiệp làm thủ tục thuế theo văn bản cũ, trong khi cơ quan thuế xử lý theo văn bản mới, thiệt hại cho doanh nghiệp vào khoảng vài chục triệu. Doanh nghiệp thay vì “cưa đôi” khoản chênh lệch nói trên cho cơ quan thuế, đã đứng ra tố cáo cơ quan Thuế để đòi sự công bằng. Tuy nhiên, sau khi cơ quan Thuế đứng ra xin “tự xử lý” thì ông Lợi cho biết không có kết quả xử lý vụ việc nói trên như thế nào và cá nhân phải chịu trách nhiệm đã được xử lý ra làm sao.

Chính vì vậy, ông Lợi cho rằng, một khi doanh nghiệp nỗ lực xây dựng hệ thống liêm chính, thì các cơ quan nhà nước cũng cần đề ra một cam kết, ràng buộc để tự cải thiện chính mình. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên