Khi “tổng” lớn rời Nhà nước, khoác áo tư nhân
Cuộc trò chuyện với ông Cấn Hồng Lai - Tổng GĐ Cienco 1 ở cả hai thời kỳ chứa nhiều câu chuyện thú vị đằng sau sự kiện hiếm có: Cổ phần hóa (CPH) rối thoái vốn Nhà nước hoàn toàn…
- 20-02-2015Có thể hình thành cơ quan quản lý chủ sở hữu DNNN
- 13-02-2015Thêm 14 doanh nghiệp giao thông vào danh mục cổ phần hóa
- 10-01-2015Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN
Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) như anh thợ vạm vỡ vừa cởi áo Nhà nước, vươn vai, nhảy vào cuộc chơi sòng phẳng với các doanh nghiệp (DN) tư nhân.
Né cổ đông muốn chốt lời, quy tụ người cùng chí hướng
Có thể hình dung Cienco 1 sau khi Nhà nước thoái vốn hoàn toàn thế nào thưa ông?
Quá trình vừa qua được chia làm 2 giai đoạn: CPH và thoái 100% vốn Nhà nước. Trong giai đoạn 1, quan trọng nhất là tìm cổ đông chiến lược phù hợp ngành nghề, có chung lí tưởng, mục tiêu phát triển; không chọn các đối tác có ý tưởng thương mại, khi cổ phần lên thì chuyển đổi lấy lời. Hiện Tổng Cty có 3 cổ đông chính gồm: Fecon là đơn vị mạnh về nền móng, Cty Yên Khánh có tiềm năng về tài chính và Hassyu chuyên cung cấp các thiết bị, công nghệ mới cho ngành GTVT.
Khi thực hiện CPH, Tổng Cty cũng tính nguồn, lo lương để 100% cán bộ công nhân viên mua được cổ phần, không phải vay mượn, chuyển nhượng ra ngoài. Nhờ vậy, Tổng Công ty giữ được đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề được trau dồi qua nhiều công trình dự án.
Giai đoạn thoái 100% vốn Nhà nước (còn 35% sau CPH - PV) được thực hiện khi Chính phủ và Bộ GTVT đồng ý. Chúng tôi thuê tư vấn thực hiện đúng theo luật định với mục tiêu sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp phải phát triển, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động đúng theo định hướng của Chính phủ và Bộ GTVT: Ưu tiên cổ đông lớn mua trọn gói. Kết quả là Yên Khánh và Hassyu mua nốt cổ phần còn lại.
Kết quả hoạt động sau khi CPH ra sao thưa ông?
Trước khi CPH, Tổng Công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nên không bất ngờ. Bộ máy lãnh đạo của Tổng Công ty cơ bản vẫn nguyên trạng nên mọi chủ trương đều được cán bộ công nhân viên đồng lòng, các đoàn thể ủng hộ. Các cổ đông chiến lược cũng tin tưởng bộ máy lãnh đạo, không có tác động nào làm thay đổi sự điều hành.
Tổng Công ty vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều. Sản lượng năm 2014 là 8.500 tỷ đồng, hơn mức 8.000 tỷ của năm 2013. Chủ trương của Tổng Công ty là tăng trưởng ổn định, bền vững, hiệu quả; không chạy đua theo sản lượng; đúng chủ trương ba không của Bộ GTVT: Không hăng hái làm bằng mọi giá, không bỏ giá thầu thấp, không đầu tư các lĩnh vực, dự án không hiệu quả.
Tổng GĐ Cienco 1 Cấn Hồng Lai báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT tiến độ dự án cầu Nguyệt Viên (Thanh Hóa).
Quản trị nhanh nhạy sau thoái vốn
Thế mạnh của các DN Nhà nước là hưởng bầu sữa Ngân sách thông qua việc được ưu tiên giao cho các dự án đầu tư công. Khi đã CPH, Cienco 1 có lo quyền lợi đó mất đi?
Từ lâu chúng tôi đã không nghĩ rằng cứ phải trực thuộc Bộ mới có công việc và cũng không ai nói là không còn thuộc Bộ nữa thì không được ưu tiên. Bộ GTVT đã xác định chỉ quản lí về mặt nhà nước, còn lại các đơn vị phải tự chủ trong sản xuất kinh doanh; chưa bao giờ có khái niệm ưu tiên các DN yếu kém trong ngành. Các dự án đều phải có sự lựa chọn thông qua đấu thầu. Các DN được thực hiện dự án phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm, để làm ra sản phẩm cho Nhà nước, tạo dựng được uy tín của ngành. Thực tế, ngay cả khi chưa CPH, các Tổng Cty đã cạnh tranh rất quyết liệt để giành dự án.
Cienco 1 không còn chịu sự quản lý của Bộ GTVT; trong cách thức điều hành có gì khác không thưa ông?
Từ khi hoạt động theo Luật DN, các thủ tục hành chính đã giảm đi nhiều. Nhưng nếu như trước đây, dù có quyết định của Hội đồng thành viên vẫn phải hỏi ý kiến của Bộ; thậm chí có những cái phải xin ý kiến cấp cao hơn. Bây giờ, các quy định chung vẫn phải thực hiện nhưng các thủ tục báo cáo xin phép không còn nhiều; hội đồng quản trị có thể tự quyết được.
Khi còn thuộc Nhà nước phải theo các quy định chặt chẽ; xin như thế nào, ở đâu đều theo quy trình. Nhưng chặt chẽ cũng là cản trở. Ví dụ, khi cần một thiết bị, gặp được đơn vị muốn bán, tư nhân thì có thể mua ngay. Nhưng với Nhà nước phải lập hội đồng, mất thời gian, lỡ nhiều cơ hội.
Hết chuyện trồng chuối, gặt hái tiền chùa
Ông là Tổng GĐ Tổng Công ty Nhà nước nay lại là Tổng GĐ DN tư nhân. Đó là một sự chuyển đổi thú vị tương tự như từ “quan” sang “dân” trong cùng một chủ thể. Với điều đó, ông có thấy điều gì khác biệt?
Người lãnh đạo ở DN Nhà nước thường nghĩ rằng mình là do Nhà nước bổ nhiệm nên tự cho quyền hành rất lớn, dẫn đến tình trạng chuyên quyền, không đảm bảo tính dân chủ. Thứ 2, cách thức làm việc ở DN Nhà nước dễ thiếu trách nhiệm, thiếu hiệu quả. Hiệu quả sản xuất kinh doanh trong hạch toán nhiều khi là bài toán ảo, vẽ ra để lấy thành tích.
Một điều nữa là “ông” nào cũng nghĩ sẽ làm trong 2 nhiệm kì. Ban đầu thì hăng hái, vun vào; đến giai đoạn cuối thì xây ít, phá nhiều; không còn tư tưởng “trồng na” mà chuyển sang “trồng chuối” để thu hoạch ngay, hơn là vun vén vào cho DN (tục ngữ có câu: Trẻ trồng na, già trồng chuối – PV).
Tư tưởng tiền chùa dễ ảnh hưởng đến cả cá nhân và tập thể: Miễn là có lợi và nhiều người đồng thuận, không ảnh hưởng đến luật, thì bàn nhau để thu lợi. Trong mỗi người dễ xảy ra tư tưởng của người phúc ta, dùng tiền tập thể để tạo ra quan hệ cá nhân, không có lợi cho tập thể.
Giờ đây, từ lãnh đạo đến cán bộ công nhân viên sẽ dễ bị cho thôi việc không như mô hình DN Nhà nước trước đây. Ông nghĩ gì về điều đó?
Dù CPH vẫn phải thực hiện theo các quy định của Bộ luật Lao động. Nhưng CPH có ưu điểm là không còn khái niệm tuổi tác. Chủ trương của Tổng Công ty là ai còn tâm huyết, còn say sưa, còn khai thác được và còn có nhu cầu thì tiếp tục đi làm, không có khái niệm về hưu. Với bản thân tôi, nếu theo mô hình DN Nhà nước, 01 năm nữa tôi sẽ phải nghỉ nhưng nếu Hội đồng quản trị tín nhiệm, tôi có thể làm quá tuổi.
DN Nhà nước vốn có quan niệm “sống lâu lên lão làng”, nhưng nếu hiệu quả làm việc của người đó thấp sẽ cản trở cơ hội, động lực phấn đấu của lớp trẻ.
Xin cảm ơn ông!
Cienco 1 thành lập cách đây 51 năm, hiện là một trong những DN uy tín nhất ngành xây dựng cầu đường. Cùng với Cienco 4, đây là một trong hai DN Nhà nước thuộc ngành GTVT thoái hoàn toàn vốn Nhà nước. Trong Cienco 1, Cty Cổ phần sản xuất thương mại và dịch vụ Yên Khánh chiếm 38% cổ phần, Cty Hassyu Việt Nam (DN đến từ Nhật Bản) chiếm 36%, Cty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon chiếm 17% và 9% do cổ đông phổ thông sở hữu. Giá cổ phiếu cao vì cổ phần hóa triệt để Ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT tiến hành CPH 107 DN; trong đó, có 11 Tổng Cty. Thành công cả về tiến độ CPH và giá cổ phiếu là do: “Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, đối với các DN không thuộc diện Nhà nước chi phối có thể bán toàn bộ. Vì thế, khi xây dựng phương án CPH, hầu hết các DN đã chọn phương án Nhà nước chỉ giữ khoảng 35% vốn. Chính sách này khiến nhà đầu tư chiến lược tham gia nhiều hơn” - ông Minh nói. Khi có nhà đầu tư chiến lược, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ nhìn vào khả năng của nhà đầu tư chiến lược để mua cổ phiếu. Thực tế, trong 10 Tổng Cty của Bộ GTVT đã hoàn thành CPH, giá cổ phiếu của 7 DN có nhà đầu tư chiến lược cao hơn 3 DN còn lại. Năm 2014, tại 10 Tổng Cty hoàn thành CPH, doanh thu tăng 10,27%, lợi nhuận trước thuế tăng 43,29%, thu nhập người lao động tăng 13,21%. Bảo An |
Theo Sỹ Lực
Tiền phong