MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khởi nghiệp thất bại có đáng sợ?

05-11-2015 - 12:00 PM | Doanh nghiệp

Dân số trẻ, tỉ lệ tiếp cận internet cao và khả năng học hỏi nhanh, sáng tạo là những lợi thế cho các nhà khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên những rào cản như chưa từng sống ở nước ngoài và không có cơ hội đi du học khiến nhiều starter chỉ giới hạn dự án của mình trong thị trường 90 triệu dân mà không dám tiến ra thế giới (global startup).

“Yes, we can” nếu đủ bản lĩnh

Chia sẻ về kinh nghiệm global startup tại một diễn đàn dành cho giới trẻ mới đây, chị Lê Diệp Kiều Trang - CFO Misfit Wearables cho biết tư duy toàn cầu là DNA và quyết định sự sống còn của Misfit. Sản phẩm của Misfit Wearables có thể vẫn còn xa lạ tại Việt Nam nhưng trên thế giới những thiết bị thông minh đo lường sức khỏe thương hiệu Misfit đã có mặt trong hơn 20.000 cửa hàng tại 50 quốc gia.

Công ty do 2 vợ chồng Sonny Vũ và Kiều Trang sáng lập tuy chưa phải là tập đoàn đa quốc gia như Apple, Samsung nhưng tính “toàn cầu” thì rất rõ. Misfit hiện có trụ sở ở Mỹ cả bờ Đông lẫn bờ Tây (Boston và Silicon Valey) và 2 chi nhánh ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trong khi nhóm kỹ sư tại Mỹ chuyên về thiết kế phần cứng thì đội ngũ tại Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối tất cả chuỗi cung ứng cho hơn 50 thị trường toàn cầu và chăm sóc khách hàng. Chi nhánh tại Trung Quốc có văn phòng ở Bắc Kinh phụ trách mảng internet và Thâm Quyến phụ trách engineering. Ngoài ra, theo chị Trang, Misfit outsource khâu sản xuất về Hàn Quốc vì chỉ có ở ở đây mới có công nghệ CNC kim loại đủ tiêu chuẩn.

“Với trường hợp của Misfit, tư duy khởi nghiệp toàn cầu là tận dụng lợi thế của những quốc gia khác nhau thậm chí là những thành phố khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất”, chị Trang cho biết.

Theo Lê Diệp Kiều Trang, tại chi nhánh Việt Nam, ban đầu có những vị trí Misfit chỉ tuyển các bạn đi du học về ví dụ customer service vì lợi thế của các bạn đi du học là tiếng Anh giỏi, hiểu biết văn hóa, cảm nhận được ý muốn khách hàng ngay khi khách hàng không nói. Tuy vậy, hiện tình hình đã thay đổi.

“Mình tin rằng các bạn trẻ trong nước có thể cạnh tranh với du học sinh nhờ vào khả năng tiếng Anh, internet và sự cần cù học hỏi nhưng khó khăn lớn nhất là ở cá nhân của chính các bạn. Làm sao để các bạn cởi mở để thấy rằng những điều không diễn ra hằng ngày trong cuộc sống của các bạn là đúng là hay.

Ví dụ như khi bắt đầu làm sản phẩm Shine (thiết bị đeo tay của Misfit có khả năng đo giấc ngủ, tính toán các chỉ số vận động của con người) một bạn kĩ sư Việt Nam đã hỏi mình liệu người dùng có bỏ ra 100 USD để mua khi mà chỉ với 1 chiếc Iphone có cài phần mềm cũng làm được. Tất nhiên lúc đó trên thế giới thì trào lưu sử dụng thiết bị wearables đang lên và Shine đã thành công.

Ngoài ra, một thách thức nữa là các bạn trẻ hiện nay rất dễ lạc lối trong biển thông tin và quan điểm trên internet hiện nay. Các bạn trẻ phải biết cách tiếp nhận những gì phù hợp chứ đừng chạy theo những giá trị ảo”, Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ và nhận định rằng cơ hội global startup là có cho các bạn trẻ trong nước nếu có đủ bản lĩnh, quyết liệt để giải bài toán cung cấp sản phẩm cho toàn cầu như Misfit đang làm.

Khi nghe chị Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ về việc công ty chị có những vị trí tuyển dụng ưu tiên những bạn đã du học ở nước ngoài thì anh Phạm Minh Tuấn – Founder và CEO Topica Edtech Group lại có suy nghĩ ngược lại.

Anh cần các bạn học tập và làm việc trong nước hơn, có lẽ vì khách hàng của anh đa số là người Việt Nam. Anh không dám giao công việc cho các bạn vừa mới du học về và chưa hề có kinh nghiệm làm việc trong nước. Các bạn trẻ chưa có cơ hội du học ở nước ngoài cũng đừng quá tự ti. Dù là ở môi trường nào cũng sẽ có những công việc phù hợp riêng cho các bạn và có thể các bạn còn làm tốt hơn nhưng bạn khác”, anh Phạm Minh Tuấn cho biết.

Khởi nghiệp thất bại có đáng sợ?

Khi một bạn trẻ hỏi quan điểm về câu: “Thất bại là mẹ thành công, đó có phải là cho phép mình được quyền thất bại nhiều lần hay khi khởi nghiệp không?” chị Kiều Trang cho rằng không ai muốn mình thất bại, vì vậy đừng quá khắt khe với những người đó. Hãy tìm hiểu xem họ đã thất bại về chuyện gì, tại sao họ lại thất bại nhưng họ vẫn kiên trì. Tất cả đều có lí do của nó cả. Vậy nên, đừng xem thất bại là gì xấu cả và tạo áp lực cho họ.

"Tôi thấy nhiều kĩ sư phần mềm Ấn Độ làm việc ở Silicon Valey đã trở thành triệu phú nhờ bán 1 sản phẩm của họ sau nhiều lần thất bại. Vậy tại sao những kĩ sư Ấn Độ làm việc ở Bangalore lại không làm được? Theo tôi chính là vì văn hóa khởi nghiệp ở Mỹ khác những nước khác ở chỗ “chấp nhận việc thất bại", chị Trang chia sẻ.

Về vấn đề này, anh Phạm Minh Tuấn cho rằng giống như khi bạn chơi game, nếu chưa bị quái vật giết bao giờ thì không biết nó ở đâu, không dám đi đâu nhưng nếu dám đối mặt, biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần bị giết thì sẽ chiến thắng.

“Đã gần hết năm 2015, theo tôi cũng đã hết kỷ nguyên sống nhờ bằng quan hệ và các bạn trẻ phải dựa vào năng lực bản thân nếu muốn đi xa. Hãy nhìn sự thành công của Nguyễn Hà Đông sau nhiều lần thất bại, anh em trong nghề đều biết rằng hiện tài sản của cậu ấy không dưới 30 triệu USD. 3 chữ mình muốn nhắn gởi đến các bạn trẻ startup là phải dựa vào công nghệ, công nghệ và công nghệ”, anh Phạm Anh Tuấn cho biết.

Anh Quang Trần - CCO Công ty Lazada Việt Nam thì kể rằng anh đã đọc quyển sách kể về cuộc đời tỉ phú Jack Ma của Alibaba thì thấy rằng ông ấy chưa bao giờ học ở nước ngoài, trượt đại học 2 lần, dự tuyển vào KFC cũng rớt và rất ít người có thể ở vào hoàn cảnh “bi đát” hơn.

“Nhiều người cho rằng Jack Ma thành công là nhờ may mắn, chọn đúng thời điểm mới thành công như vậy nhưng tôi lại nghĩ rằng nếu tất cả hơn 1 tỉ người dân Trung Quốc, cùng một thời điểm đó, có được thành công vậy không? Theo tôi căn bản là do người đó có quyết tâm đến đâu vì tâm có độ lớn bao nhiêu thì vũ đài có độ lớn bấy nhiêu”, anh Quang Trần chia sẻ.

 

Theo Duy Khánh

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên