Không chỉ hàng nghìn hecta đất, lý do khiến bầu Hiển hứng thú với Vinafor còn hơn thế
Bầu Hiển từng gây dựng sự nghiệp từ buôn xe máy trong khi tài sản giá trị nhất của Vinafor là 30% cổ phần tại hãng xe máy lớn thứ 2 Việt Nam.
- 22-03-2016IPO Vinafor: Bầu Hiển nhắm tới 45.500 ha đất?
- 18-03-2016Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor tiến hành IPO vào ngày 21/4
- 16-03-2016Không phải làm gì nhiều, doanh nghiệp Việt Nam này mỗi năm thu lãi vài nghìn tỷ từ Toyota và Honda
Ngày 21/4 tới đây sẽ diễn ra phiên IPO của TCT Lâm Nghiệp Việt Nam- Vinafor. Hiện tại, Vinafor đã phê duyệt tập đoàn T&T của Bầu Hiển trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 40% vốn điều lệ công ty.
Sức hấp dẫn của Vinafor có lẽ không chỉ đến từ quỹ đất lên tới 45.500ha mà còn bởi những khoản cổ tức hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đến từ các công ty con, liên kết.
Vinafor hiện có 14 công ty con trực thuộc với tỷ lệ sở hữu trên 50% và khoảng 30 công ty liên kết. Các công ty “con cháu” này đã mang về cho Vinafor nguồn thu cổ tức không hề nhỏ. Năm 2014, Vinafor nhận 174 tỷ đồng tiền cổ tức, con số này trong năm 2015 là 179 tỷ đồng. Trong đó, có không ít doanh nghiệp trả cổ tức với tỷ lệ 100%.
Cần để ý, trong những năm qua, doanh thu tài chính, chủ yếu là nguồn thu từ cổ tức đã “cứu cánh” cho kết quả kinh doanh của Vinafor và nếu không có nguồn thu này, chắc hẳn Vinafor đã lỗ trong nhiều năm liên tiếp.
Cổ tức cứu cánh lợi nhuận cho Vinafor
Yamaha, “con gà đẻ trứng vàng” cho Vinafor
Trong hàng chục khoản đầu tư vào các công ty con, liên kết của Vinafor, nổi bật lên là khoản góp vốn vào Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. Được thành lập vào năm 1998 bởi liên doanh Vinafor, Yamaha Motor Nhật Bản và Hong Leong Malaysia, vốn điều lệ của Yamaha Motor Việt Nam đạt 539 tỷ đồng. Trong đó, Vinafor góp 30% vốn, tương đương 162 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2015, khi xác định lại giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, giá trị của khoản đầu tư này đã được điều chỉnh tăng lên thành 916 tỷ đồng - tương ứng với vốn chủ sở hữu thực tế của Yamaha. Chỉ riêng khoản đầu tư này đã chiếm tới 1/4 tổng giá trị của Vinafor. Đấy là tính theo giá trị sổ sách, còn nếu định giá thực tế thì 30% cổ phần của Yamaha chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.
Cùng với Honda, Yamaha Motor Việt Nam là một trong những nhà phân phối, lắp ráp xe gắn máy lớn nhất Việt Nam. Mặc dù thị trường xe gắn máy ở Việt Nam đã có dấu hiệu bão hòa trong những năm gần đây tuy nhiên Yamaha Motor Việt Nam vẫn đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu 18.545 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 648 tỷ đồng trong năm 2014.
Không chỉ là khoản đầu tư lớn nhất, Yamaha Motor Việt Nam còn là “mỏ vàng” của Vinafor với những khoản cổ tức khổng lồ chi trả hàng năm.
Trong năm 2014, tỷ lệ chi trả cổ tức của Yamaha Motor Việt Nam lên tới 90,94%, tương ứng số tiền mà Vinafor nhận về khoảng 147 tỷ đồng, chiếm 85% tổng số tiền cổ tức mà Vinafor nhận được trong năm.
Có thể nói, Yamaha là “con gà đẻ trứng vàng” và tài sản giá trị nhất của Vinafor quả không sai. Bầu Hiển từng gây dựng sự nghiệp từ lĩnh vực buôn xe máy và vẫn duy trì hoạt động này cho đến nay. Do đó, khi đầu tư lớn vào Vinafor, ông chủ của T&T Group có lẽ không chỉ quan tâm đến quỹ đất lớn của doanh nghiệp này mà còn quan tâm đến khoản đầu tư vào Yamaha.
Phần lớn cổ tức đến từ Yamaha Motor Việt Nam
Trí Thức Trẻ