Không chỉ Việt Nam, Foodpanda cũng đang gặp khó ở nhiều quốc gia khác
Thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông cho đăng tải những than phiền của khách hàng về chất lượng dịch vụ của Foodpanda.
Foodpanda là một tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn trực tuyến. Trụ sở của hãng nằm tại Berlin-Đức và hiện đang kinh doanh tại 28 nước, bao gồm Việt Nam.
Dịch vụ của Foodpanda cho phép khách hàng chọn thức ăn từ thực đơn của các nhà hàng địa phương và đặt hàng qua ứng dụng di động hoặc website. Cũng theo website của hãng, Foodpanda đang hợp tác với hơn 38.000 cửa hàng trên toàn cầu.
Thời gian đầu, Foodpanda được hỗ trợ bởi công ty chuyên đầu tư cho các startup là Rocket Internet. Vào tháng 4/2013, thương hiệu này đã thu hút được 20 triệu USD từ Investment AB Knnevik, Rocket Internet và Phenomen Ventures. Đến tháng 9/2013, iMENA Holdings đầu tư thêm 8 triệu USD vào Foodpanda.
Vào tháng 2/2014, công ty đã kêu gọi được thêm 20 triệu USD thông qua vòng gọi vốn mới. Sau đó đó công ty cho biết đã kêu gọi được thêm 60 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư vào tháng 8/2014.
Gần đây vào tháng 3/2015, công ty tuyên bố đã nhận được hơn 110 triệu USD từ Rocket Internet và các nhà đầu tư khác. Tiếp theo đó 2 tháng, Goldman Sachs và một nhóm nhà đầu tư tuyên bố chi hơn 100 triệu USD cho Foddpanda.
Thương hiệu Foodpanda được thành lập vào tháng 3/2012 tại Singapore và nhanh chóng mở rộng ra 16 quốc gia vào cuối năm đó. Tính đến tháng 2/2013, công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh tại 23 nước và tăng con số này lên hơn 40 quốc gia vào cuối quý I/2014 với hơn 580.000 cửa hàng.
Vào thời điểm đó, Foodpanda được cho là đứng đầu thị trường tại hơn 32 quốc gia mà công ty hoạt động.
Với Foodpanda, người tiêu dùng có thể chọn món ăn qua thực đơn của các nhà hàng địa phương trên website hoặc điện thoại di động. Foodpanda sẽ gửi yêu cầu đến các cửa hàng để giao cho khách hàng.
Người sử dụng dịch vụ này sẽ nhận được tin nhắn xác nhận và thời gian phải chờ. Khi mới ra đời, loại hình dịch vụ này đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, Foodpanda có vẻ đang gặp khó khăn khi số quốc gia mà hãng hoạt động đã suy giảm.
Thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông cho đăng tải những than phiền của khách hàng về chất lượng dịch vụ của Foodpanda.
Trong đó, họ cho rằng công ty không kiểm soát chặt chẽ được thời gian, thái độ phục vụ và chất lượng món ăn của cửa hàng. Thậm chí, một số khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được thực phẩm mà họ yêu cầu.
Đặc biệt hơn, một báo cáo của Livemint.com đã cáo buộc Foodpanda liệt kê những cửa hàng đã đóng cửa hoặc không tồn tại trên hệ thống, trả lương cho những nhân viên không có thực và chậm thanh toán cho một số cửa hàng sau nhiều tháng.
Cũng theo báo cáo, hiện Foodpanda đang có kế hoạch bán chi nhánh hoạt động tại Ấn Độ trước tình hình kinh doanh không thực sự khả quan và ảnh hưởng tiêu cực từ các trang mạng xã hội cũng như giới truyền thông.
Mới đây, một hình ảnh chụp được về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của Foodpanda tại Việt Nam đang khiến cộng đồng startup và thương mại điện tử quan tâm. Tuy nhiên, hiện Foodpanda vẫn chưa có tuyên bố chính thức.
Trí Thức Trẻ/CafeBiz