Kinh Đô: Bỏ tư cách pháp nhân của Vinabico, đoạn tuyệt với lĩnh vực bánh kẹo?
Vinabico vốn là một công ty sản xuất bánh kẹo, snack lâu đời (thành lập từ năm 1974)… Việc xóa bỏ tư cách pháp nhân độc lập của Vinabico là một động thái tương đối bất ngờ của Kinh Đô.
Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) công bố báo cáo tài chính bán niên 2015 hợp nhất sau soát xét.
So với báo cáo trước kiểm toán, LNST dành cho cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm của KDC đã “bốc hơi” 90 tỷ đồng, giảm từ 5.152 tỷ đồng xuống còn 5.062 tỷ đồng. Lợi nhuận khổng lồ của công ty có được từ thương vụ chuyển nhượng cổ phần Kinh Đô Bình Dương cho đối tác Mondelez khiến những hao hụt nói trên cũng trở nên nhỏ bé.
“Đoạn tuyệt” với lĩnh vực bánh kẹo
Vào ngày 30/6/2015, Kinh Đô đã hoàn thành việc chuyển nhượng 80% vốn cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương cho đối tác Cadbury Enterprises Pte Ltd (Công ty con của Mondelez). Báo cáo soát xét của Kinh đô vẫn không đưa ra con số cụ thể của thương vụ này. Tuy nhiên, số tiền phải thu tính đến 30/6/2015 từ thương vụ nói trên là hơn 7.600 tỷ đồng và lãi từ thanh lý công ty con được ghi nhận 6.467 tỷ đồng . Đến 15/7/2015, KDC đã nhận đủ số tiền này và tiến hành chia cổ tức đặc biệt cho cổ đông.
Báo cáo KDC cũng cho biết ngày 26/2/2015, Vinabico đã được sáp nhập toàn bộ vào Kinh Đô. Sau sáp nhập, Vinabico không còn tư cách pháp nhân độc lập như trước đây.
Trước đó, Kinh Đô đã sở hữu 100% vốn của Vinabico từ năm 2013 sau khi KDC phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của Vinabico – theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2012. Từ Công ty cổ phần, Vinabico trở thành Công ty TNHH MTV sau khi Kinh Đô thâu tóm. Việc thâu tóm Vinabico lúc đó, được đánh dấu là sự quay lại lĩnh vực bánh kẹo của đại gia Kinh Đô lúc bấy giờ - sau thời gian “trầy trật” với các khoản đầu tư ngoài ngành.
Vinabico vốn là một công ty sản xuất bánh kẹo, snack lâu đời (thành lập từ năm 1974)… Việc xóa bỏ tư cách pháp nhân độc lập của Vinabico là một động thái tương đối bất ngờ của Kinh Đô.
Tuy nhiên, không khó để phán đoán việc Kinh Đô đoạn tuyệt với lĩnh vực bánh kẹo. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, đại diện công ty này không ngại ngần khẳng định, lĩnh vực bánh kẹo không có nhiều tiềm năng vì…không ai sử dụng bánh kẹo quanh năm suốt tháng! Theo dự kiến, từ quý 3 năm nay, Kinh Đô sẽ không còn doanh thu từ mảng hoạt động này.
Thế nhưng, có vẻ Kinh Đô “xử lý” với Vinabico hoàn toàn khác với cách công ty này đã thực hiện với Kinh Đô Bình Dương.
Sáp nhập Vinabico vào Kinh Đô, tước bỏ tư cách pháp nhân độc lập của công ty này, Kinh Đô ghi nhận gần 37 tỷ đồng giá trị còn lại của lợi thế thương mại, lợi thế quyền thuê đất và các khoản điều chỉnh tăng theo giá trị hợp lý của tài sản xác định tại ngày mua Vinabico trước đây. Số tiền nói trên được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp trên báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm.
Những khoản vay hời
Tính đến cuối quý 2/2015, số dư vay ngắn hạn của Kinh Đô đạt 1.098 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi con số đầu năm (502 tỷ đồng). Đáng chú ý là hầu hết các khoản vay ngắn hạn của Kinh Đô đều được vay tín chấp với lãi suất dao động từ 3 – 5,9%/năm. Trong đó, có khoản vay với ngân hàng HSBC 874 tỷ đồng, lãi suất 3,42%/năm – cũng bằng hình thức tín chấp.
Bán Kinh Đô Bình Dương và thu về hàng nghìn tỷ đồng, mặc dù tăng cường vay nợ so với đầu năm, hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính của Kinh Đô cũng tương đối thấp. Nợ phải trả/Tổng tài sản cuối quý 2 của KDC chỉ ở mức 22,4%.
Trí Thức Trẻ