MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh doanh chuỗi nhà hàng: Không chỉ Burger King gặp khó, nhiều đại gia khác cũng đang "thoái lui"?

23-02-2016 - 10:11 AM | Doanh nghiệp

Không chỉ Burger King mà một số “đại gia” trên thị trường kinh doanh chuỗi nhà hàng như Red Sun-ITI Corporation, Mesa Group… cũng đã đóng cửa một hoặc nhiều nhà hàng trong thời gian gần đây.

Trước Tết nguyên đán Bính Thân, ông Nguyễn Gia Thành – Giám đốc điều hành Burger King Việt Nam khẳng định thương hiệu này vẫn bám trụ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thật bất ngờ là ngày 15/2/2016, cửa hàng Burger King tại số 1B – 1B1 đường Cộng Hòa phường 4 quận Tân Bình TPHCM đã thông báo đóng cửa.

Ông Nguyễn Gia Thành cho biết lý do đóng cửa một loạt cửa hàng Burger King trong thời gian gần đây là do những mặt bằng này “không có tiềm năng phát triển kinh doanh, sẽ thay thế các cửa hàng này bằng các vị trí tốt và tiềm năng hơn” và cho biết “sẽ liên tục tìm kiếm các mặt bằng phù hợp để tiếp tục mở rộng chuỗi Burger King”.

Đây là cuộc thoái lui có tính toán hay là tháo chạy vì gặp khó của Burger King tại thị trường Việt nam?

Thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ Burger King mà nhiều “đại gia” kinh doanh chuỗi nhà hàng đang phải thoái lui.

Đơn cử như trong năm 2015, một thành viên khác của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) là Công ty TNHH dịch vụ thực phẩm và giải khát Việt Nam đã giải thể 1 nhà hàng gà rán Popeyes trên đường Hai Bà Trưng quận 1 và 1 tiệm bánh Dunkin' Donuts trên đường Phan Xích Long quận Phú Nhuận.

Ngày 25/12/2015, Công ty CP đầu tư thương mại quốc tế Mặt Trời Đỏ (Red Sun-ITI Corporation) đã thông báo đóng cửa nhà hàng King BBQ Deli ở Vincom Center A Đồng Khởi.

Hay gần đây vào cuối tháng 1/2016, một “đại gia” trên thị trường nhượng quyền kinh doanh nhà hàng là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Mesa (Mesa Group) cũng thông báo đóng cửa nhà hàng lẩu Thái Lan MK SUKI tại Trung tâm thương mại Pico Plaza đường Cộng Hòa quận Tân Bình TPHCM…

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi, cái khó nhất của loại hình kinh doanh này là quy trình quản lý phải kịp thay đổi với hệ thống, trong đó, thay đổi con người là khó nhất.

Do tâm lý người tiêu dùng thích được quan tâm, chăm sóc và giải thích trực tiếp nên vấn đề đào tạo nhân viên bán hàng đủ khả năng tư vấn, hướng dẫn khách hàng là không thể xem nhẹ.

Mặt khác, tập quán kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ Việt Nam là thường chạy theo doanh số, vì vậy các cửa hàng này thường đưa ra các hình thức giảm giá, khuyến mãi, dẫn đến cuộc chạy đua không cần thiết và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Để các hệ thống bán lẻ thành công, doanh nghiệp phải có kế hoạch phát triển dài hạn và phải tạo sự khác biệt

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống kinh doanh chuỗi không nên làm theo phong trào, mà cần có sự phân tích kỹ càng mọi vấn đề và làm ăn bài bản để tạo ra sự khác biệt trong tâm trí khách hàng nhằm cạnh tranh bền vững với hệ thống của nước ngoài. Bởi hệ thống chuỗi có thể suy sụp rất nhanh do hiệu ứng dây chuyền.

Ông Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập thương hiệu Phở 24 trong một quyển tự truyện của mình đã chia sẻ những lý do dẫn đến thất bại của chuỗi này dẫn đến kết cuộc phải bán mình cho Highlandscoffee là:

“Khi bành trướng hệ thống một cách nhanh chóng như vậy, chúng tôi phải đối mặt với một thử thách vô cùng to lớn, đó là làm thế nào để giữ được chất lượng cho đồng bộ. Chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Tuy đã tiêu chuẩn hóa, đồng bộ hóa tất cả các quy trình sản xuất, chế biến và phục vụ nhưng thiếu sót vẫn cứ xảy ra. Thử thách tiếp theo là "bộ máy quản trị của công ty đột nhiên phải nở phình ra để gồng gánh một khối lượng công việc khổng lồ do mình tự biên tự diễn".

Ông Trung cũng đưa ra lời khuyên cho việc lựa chọn nhà đầu tư cho chuỗi như sau: "Nếu phải cho một lời khuyên đối với những ai đang tìm kiếm nhà đầu tư thì tôi sẽ nói rằng trước hết là phải tự hỏi mình là có thật sự cần thiết hay không nếu có thể chọn cách điều chỉnh bớt tốc độ tăng trưởng. Chọn quỹ đầu tư mạo hiểm là chọn cách phát triển nóng, tăng tốc.

Lời khuyên kế tiếp là phải biết rõ những gì mà nhà đầu tư có thể mang lại, ngoài tiền vốn của họ. Nói khác đi, bạn phải thực sự hiểu về nhà đầu tư mình nhắm đến, từ năng lực tài chính đến năng lực tư vấn, chuyên môn, quan hệ và đặc biệt là kỳ vọng và những ưu tiên của họ".

Trong quá trình mở rộng mạng lưới nhượng quyền thương mại, Lý Quí Trung ví "tất cả các cửa hàng nhượng quyền trong cùng một hệ thống giống như một đoàn quân, theo đó mọi người phải giữ đúng hàng ngũ của mình mà cùng nhau tiến lên theo tiếng trống trận. Có khi chỉ cần một chiến sĩ quay lưng, bất tuân lệnh cũng có thể làm cho cả đoàn quân hoang mang, tan rã".

Theo Duy Khánh

Trí Thức Trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên