MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất có là chuyện DN lo nhất?

21-05-2013 - 23:04 PM | Doanh nghiệp

Thực tế, có tình trạng ngân hàng vẫn dành những gói tín dụng lãi vay thậm chí chỉ 5-6%/năm đối với các doanh nghiệp “ruột”, nhưng bù lại nhiều doanh nghiệp bình thường khác lại phải tiếp cận vốn giá cao.

Ngân hàng không ngại cho doanh nghiệp vay nếu có triển vọng phục hồi, và doanh nghiệp chỉ dám vay nếu hấp thụ được vốn. Đó là nhận thức được nhiều đại biểu chia sẻ trong buổi trao đổi thông tin với báo chí, chiều 21/5, do lãnh đạo NHNN chủ trì.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định hiện nay các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đến thời điểm gần đây có tới 70% doanh nghiệp cho rằng lãi suất không phải là vấn đề chính.

Vấn đề là khả năng hấp thụ, có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nhưng lại không muốn vay do tồn kho cao.

Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết tại nhiều địa phương do nợ đọng xây dựng cơ bản khá cao nên doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.

Còn với doanh nghiệp không đủ điều kiện thì ngân hàng không thể cho vay vì điều này dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho cả nền kinh tế. Dù vậy, NHNN vẫn yêu cầu các ngân hàng cần tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, tháo gỡ khó khăn, hoãn giãn nợ cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng nếu tiếp tục duy trì mức chênh lệch lãi suất lớn như hiện nay khoảng 6% (đầu vào khoảng 7%/năm, đầu ra 13%/năm), trong khi tại nhiều quốc gia, mức chênh lệch lãi suất chỉ ở mức 2-3% là hợp lý.

Thực tế, có tình trạng ngân hàng vẫn dành những gói tín dụng lãi vay thậm chí chỉ 5-6%/năm đối với các doanh nghiệp “ruột”, nhưng bù lại nhiều doanh nghiệp bình thường khác lại phải tiếp cận vốn giá cao thậm chí lên tới 13-15%/năm.

Giải thích về mức chênh lãi suất, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng Giám đốc Agribank lại cho rằng: Hiện dư nợ của Agribank là 470 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ, thực tế cho vay và tính toán chênh đầu vào và ra chỉ ở mức xấp xỉ 4%.

“Ngay cả các doanh nghiệp khó khăn mà xác định được thời gian có thể hồi phục, ngân hàng sẵn sàng chấp nhận cho vay dưới 10%/năm để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi”, ông Đông nói.

Thực tế, trong cơ cấu vốn ngân hàng hiện nay, vẫn chủ yếu là vốn huy động từ thời điểm lãi suất 12% năm ngoái, đến tháng 8-9 tới, mới hết những khoản tiết kiệm lãi suất huy động 12%, các ngân hàng không “lãi lớn” như như nhiều ý kiến đánh giá, việc hạ lãi suất cho vay phải có lộ trình.

Đồng tính ý kiến trên, ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, lưu ý rằng nếu để mức chênh lãi suất cao là trái với chủ trương của Chính phủ và NHNN, đồng thời khẳng định, năm 2013 là năm các ngân hàng sẽ phải tập trung cải thiện chất lượng tín dụng hơn là số lượng.

TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng dù ngành ngân hàng đã rất nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhưng mức lãi suất này vẫn còn cao so với khả năng của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thêm vào vấn đề quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn kém của DN.

“Phải giải quyết tận gốc vấn đề là cải thiện sức khỏe chất lượng doanh nghiệp, cương quyết “bỏ” những chủ thể không đủ chất lượng ra thị trường”, TS. Cao Sỹ Kiêm nói.

Theo Huy Thắng

thunm

Chinhphu.vn

Trở lên trên