MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm đẹp báo cáo, không khó!

03-10-2013 - 07:03 AM | Doanh nghiệp

Việc điều chỉnh báo cáo và các chỉ số hầu hết được tiến hành đúng nguyên tắc. Do vậy, nhà đầu tư phải thực sự tỉnh táo trước các chỉ số đẹp mà các doanh nghiệp đưa ra.

Hiện nay, báo cáo tài chính định kỳ hàng quý, hàng năm là thông tin đầy đủ nhất về doanh nghiệp mà nhà đầu tư có thể tiếp cận một cách chính thức. Báo cáo tài chính có thể xem là bộ mặt của một doanh nghiệp. Việc "làm đẹp" do vậy cũng trở nên cực kỳ cần thiết khi một doanh nghiệp muốn thu hút nhà đầu tư.

Từ việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu

Vay nợ là chuyện đau đầu đối với không ít doanh nghiệp. Ngoài việc phát sinh chi phí tài chính, cụ thể là chi phí lãi vay, việc vay nợ nhiều có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (cả lãi và nợ gốc) căn cứ vào các chỉ số khả năng thanh toán ngắn/dài hạn. Mất hoặc suy giảm khả năng thanh toán sinh ra nhiều hệ lụy đáng buồn: Bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn đầu tư cho các dự án mới nhằm cải thiện ngân lưu...

Có một giải pháp gần đây được khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn là phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ.

HT1ITA đã lên phương án và phát hành thành công khối lượng cổ phiếu khổng lồ, lần lượt 115 triệu và 120 triệu cổ phần phát hành thêm, tương đương với hàng nghìn tỷ đồng tính theo mệnh giá. 

Các cổ đông được chào bán trong 2 đợt phát hành riêng lẻ kể trên hầu hết đều quen thuộc với chủ thể phát hành. HT1 phát hành 120 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ Vicem để cấn trừ 1.200 tỷ đồng công nợ với đối tượng này. 

Đối với ITA, Trong 4 cổ đông được chào bán riêng lẻ, có 2 cổ đông liên quan là CTCP Đại học Tân Tạo và Quỹ ITA vì tương lai. 2 cổ đông mới hoàn toàn là CTCP Delta Miền Nam và CTCP truyền thông - Giải trí và sản xuất Media Ban Mai. Trong đó CTCP truyền thông - Giải trí và sản xuất Media Ban Mai bất ngờ trở thành cổ đông lớn của ITA sau khi mua hơn 40,72 triệu cổ phiếu phát hành thêm. 

Đến việc xóa lỗ

Không có gì khó hiểu và bất thường khi 1 doanh nghiệp lựa chọn cách ghi nhận chi phí có lợi cho bản thân, nhằm giảm lỗ hoặc tăng lãi. Mùa báo cáo soát xét bán niên 2013 đã chỉ tiên không ít doanh nghiệp xung quanh việc ghi nhận các chi phí hoạt động.  

Tuy nhiên, gây "sốc" thực sự phải kể đến trường hợp của Hanoi Milk (HNM). "Ôm" khoản lỗ lũy kế trên 60 tỷ đồng (tính đến cuối quý 2/2013) ĐHCĐ của HNM đã thông qua phương án xóa lỗ lũy kế bằng khoản thặng dư vốn điều lệ (đạt gần 64 tỷ đồng tại cùng thời điểm). Tức là thay vì chờ lợi nhuận sau vài năm - và có thể lâu hơn, HNM có thể ung dung xóa hẳn khoản lỗ nói trên chỉ nhờ hạch toán lại.

Chưa biết việc xóa lỗ này có được các cơ quan chức năng chấp nhận hay không, nhưng có thể thấy đây là phương án khá táo bạo. Xóa lỗ, công ty có thể bắt đầu thu lợi nhuận và chia cổ tức cho cổ đông. Theo quy định, cổ tức cho cổ đông phải lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, không thể lấy từ thặng dư vốn hay các quỹ khác. Việc đi đường vòng thế này rõ ràng có lợi cho các cổ đông của HNM, nếu được thông qua. 

Và những thương vụ...chẳng giống ai

Gần đây, MBSVITS, 2 công ty chứng khoán đã thông qua phương án hợp nhất trong đó xóa lỗ lũy kế được xem như "át chủ bài". 

ĐHCĐ bất thường của MBS đã làm phép tính, nếu sáp nhập với VIT, hai bên sẽ đánh giá lại tài sản, vốn điều lệ của công ty mới là 621 tỷ, lỗ lũy kế của 2 công ty sẽ “biến mất” trên bảng cân đối kế toán của công ty hợp nhất.

Tuy nhiên, việc hợp nhất chưa đi đến giai đoạn ký hợp đồng mặc dù đã được ĐHCĐ 2 bên thông qua. 

Như vậy là không quá khó để các doanh nghiệp lên kế hoạch làm đẹp báo cáo trước khi công bố ra công chúng. Nhiều khi, việc làm đẹp là bắt buộc để doanh nghiệp có thể hợp thức hóa một số hoạt động như vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Và do vậy là có lợi cho nhà đầu tư. 

Việc quan trọng là nhà đầu tư phải thực sự sáng suốt khi nhìn nhận những nghiệp vụ nói trên và đánh giá tác động tích cực lẫn tiêu cực của các phương án. 

Minh Thư

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên