Lao động Việt Nam khao khát làm việc tại công ty nào nhất?
Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever Việt Nam đã đứng đầu danh sách Nhà Tuyển Dụng Hấp Dẫn Nhất Việt Nam. Đứng thứ hai là Samsung - tập đoàn sản xuất điện tử và thiết bị di động.
JobStreet.com – mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á vừa thực hiện một khảo sát trong quý 4/2014 đối với 3.093 người lao động tại Việt Nam về những nhà tuyển dụng mà họ khát khao được làm việc cùng.
Theo kết quả khảo sát, công ty sản xuất hàng tiêu dùng Unilever Việt Nam đã đứng đầu danh sách Nhà Tuyển Dụng Hấp Dẫn Nhất Việt Nam. Đứng thứ hai là Samsung - tập đoàn sản xuất điện tử và thiết bị di động.
Ở vị trí thứ 3 là công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. Hai vị trí còn lại trong danh sách lần lượt thuộc về hai công ty công nghệ thông tin và viễn thông là FPT và Viettel.
Lương là lý do tiên quyết
Theo khảo sát, lương là lý do tiên quyết để người lao động các cấp từ sinh viên mới ra trường đến quản lý cấp cao muốn ứng tuyển việc làm. So sánh giữa mức lương của các công ty trên dành cho nhân viên cao hơn khoảng từ 10% đến 40% so với thị trường.
Nhiều ứng viên đã có kinh nghiệm xem phúc lợi từ công ty như yếu tố thứ 2 để quyết định gia nhập công ty. Thật vậy, những công ty mang lại nhiều phúc lợi tốt cho người lao động bao gồm thưởng, bảo hiểm y tế, chế độ lương hưu, cho vay mua nhà và xe…, có thể thu hút được nhiều ứng viên hơn.
Ví dụ như Samsung, bên cạnh việc mua bảo hiểm cho tất cả các nhân viên trong công ty, Samsung còn có chính sách mua bảo hiểm cho gia đình của những nhân viên cấp cao, và hỗ trợ phí mua bảo hiểm cho gia đình của nhân viên cấp thấp hơn
Về phía các sinh viên mới ra trường, những chương trình đào tạo và phát triển cho nhân viên của các công ty là lý do thứ 2 để họ xem xét và ứng tuyển việc làm. Họ cho rằng các chương trình đào tạo và phát triển là cơ hội để nâng cao kỹ năng công việc và mở rộng con đường phát triển sự nghiệp sau này.
Tập đoàn Viettel có một “đặc sản” là khóa huấn luyện tân binh cho các nhân viên để rèn luyện sức khỏe và ý chí. Bên cạnh đó, đào tạo cán bộ ở Viettel không chỉ là cử đi đào tạo ở nước ngoài mà còn là “đào tạo thông qua giao việc khó và luân chuyển cán bộ” để mài giũa và sàng lọc nhân tài ngay trong công ty.
Còn tại FPT, công ty luôn trao cơ hội cho nhân viên học tập, trau dồi kiến thức và làm việc tại nước ngoài ở cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Cuối cùng, danh tiếng công ty là lý do thứ 3 mà người lao động ở mọi vị trí xem xét trước khi quyết định ứng tuyển.
Những yếu tố vô hình
Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố có thể khiến người lao động gắn bó chặt chẽ hơn với tổ chức. Ví dụ, FPT có những chương trình, cuộc thi, hội thao mà công ty thường xuyên tổ chức cho nhân viên tham gia. Cuộc thi Trạng FPT, Hội làng cuối năm (rước Trạng về làm) được tổ chức từ năm 1998 đến nay đã có đến 17 người được vinh danh. Ngoài mục đích tìm kiếm đội ngũ cán bộ nguồn cho FPT, những cuộc thi này còn có tác dụng cổ vũ cho phong trào học tập, thi cử trong tập đoàn.
Còn đối với Viettel, văn hóa “kỷ luật” của công ty cũng như chính sách quan tâm đến đời sống và gia đình nhân viên là chất keo kết dính nhân viên với công ty.
Có một lãnh đạo tốt cũng là một lý do khiến các nhân viên cảm thấy yêu quý và gắn bó hơn với công ty. Và một nhân tố không kém quan trọng, tác động vào tâm lý người lao động khiến những công ty kể trên trở nên hấp dẫn là yếu tố “thương hiệu” cũng như những giá trị mà công ty mang lại cho cộng đồng.
Mai Linh