Lên cót logicstic: Mất cơ hội với cả doanh nghiệp nội và ngoại
Chính phủ cần xây dựng hệ thống đường kết nối quốc tế, hỗ trợ công nghệ thông tin giúp họ phát triển, mua hàng hóa với giá tốt hơn, đàm phán với các công ty vận tải để phát triển.
- 18-07-2014Thị trường logistics - Cuộc cạnh tranh không cân sức
- 18-06-2014Chi phí hậu cần của Việt Nam chiếm tới 25% GDP
- 24-03-2014Logistics Việt Nam: FDI vẫn chiếm phần lớn thị phần
- 19-03-2014Lần đầu tiên công bố bộ chỉ số ngành logistics Việt Nam
Chủ tịch Công ty TNHH Nippon Express Việt Nam, Atsushi Nagashima, sau khi khoe hệ thống vận tải hiện đại xuyên biên giới, có tính cạnh tranh cao, liền tỏ ra sốt ruột khi cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam chưa hoàn chỉnh khiến DN này khó phát huy năng lực.
Vận tải hàng không chỉ có không gian chung mà không có kho riêng dành cho công ty Logistics; hệ thống hạ tầng cảng biển luôn rượt đuổi theo nhu cầu với đường vào cảng không tốt, thường xuyên tắc đường… khiến hệ thống vận tải đường bộ luôn đối mặt với tắc đường. DN vận tải ít có sự lựa chọn về tuyến đường vận tải, khiến thời gian vận chuyển hàng hoá trở nên lâu hơn.
Rất tâm huyết với con đường đã chọn là làm nhà phân phối, Giám đốc CTCP Thương mại Ngọc Hà, bà Bùi Thị Ngọc, cho biết, DN hiện đang phân phối sản phẩm cho khoảng 10.000 DN. Hai đối tượng phân phối mà Ngọc Hà phục vụ là những DN Nhật Bản và Mỹ đòi hỏi chất lượng vận tải cao, giá hợp lý; và đối tượng DNNVV (chiếm 60% lượng khách hàng) yêu cầu chất lượng tốt nhưng giá thành thấp.
Giám đốc Ngọc cho biết, DNNVV nhu cầu hàng hóa không cao, vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, chúng tôi rất muốn vươn tới, hỗ trợ họ nhiều hơn, nhưng hệ thống giao thông là trở ngại lớn, đôi khi vẫn phải chấp nhận giá vận tải đường bộ đôi khi giá cao hơn đường biển.
“Chúng tôi thừa nhận điểm yếu trong hạ tầng giao thông Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam Đỗ Xuân Quang nói. Đầu tư hạ tầng đã tăng, nhưng chưa bắt kịp với tốc độ phát triển khiến chất lượng dịch vụ vận chuyển thấp, logistics yếu. “Logistics ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu, do hạ tầng cơ sở, kết cấu chưa hợp lý. Trong 2.500 bến ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 5 cảng đón được tàu lớn”, ông Quang nói thêm.
Nhận thức rõ điều này, năm 2013 Chính phủ đã có chương trình phát triển hệ thống hạ tầng. Nhưng rõ ràng, vấn đề lớn của hạ tầng Việt Nam là khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng phát triển. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương so sánh: “Chúng ta cần 10 đồng cho phát triển hạ tầng, nhưng tính cua trong lỗ mới được 5 đồng”.
Ở góc độ của những người làm logistics, ông Đỗ Xuân Quang đề xuất cần kế hoạch tổng thể phát triển hành lang riêng cho giao thông hàng hóa. Các DN logistics cũng mong muốn có sự hỗ trợ của Chính phủ thay vì chỉ trông chờ vào chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực. Mong muốn hình thành một trung tâm logistics cũng được những DN đặt ra. Quan trọng hơn, các chuyên gia và DN đề nghị cần xây dựng năng lực cho cấp quan chức Chính phủ trong việc tạo thuận lợi thương mại.
Đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho rằng, với các DNNVV gặp bất lợi về mặt vị trí, hạ tầng chưa phát triển toàn diện… Chính phủ cần xây dựng hệ thống đường kết nối quốc tế, hỗ trợ công nghệ thông tin giúp họ phát triển, mua hàng hóa với giá tốt hơn, đàm phán với các công ty vận tải để phát triển. Điều quan trọng là kết nối các DNNVV với nhau. “Chính phủ cần thúc đẩy sự tương tác trực tiếp tới các công ty với nhau và JETRO có thể hỗ trợ thúc đẩy quá trình này”, vị đại diện này nói.
>> Sóng TPP: Logistic Việt Nam lột xác hay mất luôn sân nhà?
Theo Đỗ Hải