MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên kết với Doanh nghiệp FDI: Cần “của hồi môn"

09-04-2014 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Kết nối DN nội địa và FDI trên cơ sở đôi bên cùng có lợi là một trong những mục tiêu quan trọng khi thu hút đầu tư. Thế nhưng cho đến nay mối liên kết này còn khá lỏng lẻo và hời hợt.

Thiếu về lượng, yếu về chất

Khi bàn về việc liên kết Doanh nghiệp (DN) nội địa với DN FDI, bà Trương Chí Bình, Trung tâm Phát triển DN công nghiệp hỗ trợ (Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương) đã dẫn câu chuyện của Honda và Toyota. Bà Trương Chí Bình cho biết: Honda đạt tỉ lệ nội địa hóa rất cao, lên đến 92-94%. Mặc dù tỉ lệ nội địa hóa cao nhưng số nhà cung cấp nội địa cho Honda mới có hơn 20 DN, còn lại chủ yếu là các DN Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Quá trình trở thành nhà cung cấp cho Honda không đơn giản. Thông thường DN “nội” bắt đầu bằng việc bắt tay với 1 nhà cung cấp cấp 1 cho Honda Việt Nam, bởi hiếm có nhà cung cấp nào bán ngay được sản phẩm cho Honda. Quá trình này kéo dài vài năm. Khi đã có đủ cơ hội, họ sẽ phát triển lên thành nhà cung cấp cấp 1 cho Honda hoặc các DN FDI khác. Đáng tiếc những trường hợp này không nhiều.

Một dẫn chứng khác được bà Trương Chí Bình đưa ra minh họa là trường hợp của Toyota. Toyota Việt Nam có 12 nhà cung cấp nhưng mới có 2 DN nội địa, trong đó chỉ 1 DN cung cấp linh kiện phụ tùng lắp trên xe, DN còn lại cung cấp bộ phụ tùng theo xe. Lí do khiến nhiều nhà cung cấp không cung cấp được cho Toyota Việt Nam không phải chỉ do trình độ của DN nội địa mà bởi dung lượng thị trường, số lượng linh kiện yêu cầu ít quá, không thể theo đuổi được. Với sản lượng thấp chỉ khoảng 110 nghìn xe, dự báo năm 2014 là 120 nghìn xe, rất khó để Việt Nam có được ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Ở góc độ người trong cuộc, lí giải cho việc DN “nội” khó liên kết với DN FDI, đại diện một DN Nhật Bản có nhà máy ở Hải Dương cho biết: Sản phẩm làm ra của DN hỗ trợ Việt Nam chưa đạt yêu cầu chất lượng. Thực tế các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Canon, Samsung... cần nhiều linh phụ kiện sản xuất ở Việt Nam và người ta hoan nghênh các nhà cung cấp Việt Nam. Nhưng rất tiếc các nhà cung ứng Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng.

Vị giám đốc người Nhật chia sẻ: “Nguyên nhân là các nhà máy Việt Nam hiện nay mới chỉ tập trung đầu tư công nghệ sản xuất, còn thiết bị đo lường, kiểm định được chất lượng của sản phẩm đó lại chưa có. Những tập đoàn sản xuất lớn luôn đòi hỏi yêu cầu về chứng nhận môi trường, vật liệu thân thiện, an toàn cho người sử dụng. Vì khi họ bán một sản phẩm ra thế giới, sản phẩm đó phải đảm bảo trách nhiệm với người tiêu dùng. Như vậy các DN cần có thêm thiết bị đo lường về chất lượng. Song nếu bảo các DN vừa và nhỏ nội địa mua các thiết bị quản lí chất lượng đắt tiền như vậy thì họ không đủ tiền bởi tất cả tiền họ đã đầu tư vào nhà máy sản xuất”.

Tìm chỗ đứng cho DN nội địa

Đi sâu nghiên cứu mối liên kết “hời hợt” giữa DN FDI và nội địa, TS Đàm Quang Vinh, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng: Trong khoảng thời gian 1995-1996, Việt Nam đồng loạt cấp phép cho hàng loạt hãng ô tô tên tuổi trên thế giới mở các liên doanh ô tô tại Việt Nam. Tinh thần chung trong chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam thời kì này là Chính phủ Việt Nam cam kết bảo hộ sản phẩm trong nước trong một thời gian đủ dài. Đổi lại, các hãng ô tô phải cam kết thực hiện lộ trình nội địa hóa.

Chúng ta có thể hiểu điều này là một cam kết hành chính giữa Chính phủ Việt Nam và các DN FDI. Thế nhưng đến nay không một DN FDI nào thực hiện đúng cam kết nội địa hóa, trong khi ưu đãi thì họ đã hưởng đủ. Lí do được các hãng ô tô đưa ra cũng rất dễ thông cảm là thị trường chưa đủ lớn cho các tính toán hiệu quả đầu tư vào một dự án cung cấp linh kiện trong nước. Thứ nữa là rất khó tìm được các DN Việt Nam đủ điều kiện trở thành nhà sản xuất vệ tinh của họ. Một cam kết hành chính sẽ khó phù hợp với một nền kinh tế thị trường.

Chính vì thế, theo TS Đàm Quang Vinh, đi tìm chỗ đứng cho các DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trước mắt nhất là cần tìm ra điểm tương đồng cho mối liên kết giữa các DN Việt Nam và các DN FDI. Mối liên kết này không nên được xây dựng trên những cam kết mang tính hành chính mà phải tìm ra những cam kết mang tính thị trường, đôi bên cùng có lợi. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cần tạo lập cho DN Việt Nam những lợi thế so sánh, coi như “của hồi môn”, để có cơ hội tham gia vào các cấu phần sản xuất trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà các DN FDI mang lại.

Theo TS Đàm Quang Vinh, những lợi thế so sánh tạo khả năng liên kết DN Việt Nam với DN FDI sẽ thuộc một trong ba nhóm cơ bản là: Nhóm các nhân tố tự nhiên (điều kiện khí hậu, tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên...), nhóm nhân tố tích lũy (năng lực công nghệ quốc gia, giáo dục đào tạo, hạ tầng cơ sở, trình độ phát triển kinh tế), nhóm nhân tố thể chế, chính sách.

"Nhóm nhân tố thể chế chính sách mang tính chủ quan rất cao. Đây là hành động thực tế của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh không chỉ cho các DN FDI mà còn cả với các DN nội địa. Lâu nay DN thường phàn nàn về việc các địa phương ít quan tâm đến "nuôi dưỡng nguồn thu" mà chỉ tập trung "tận dụng nguồn thu". Điều này không chỉ làm khó cho các DN mà còn cản trở họ đến với tư duy kinh doanh bền vững, đầu tư lâu dài, tích lũy để leo lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị" - TS Đàm Quang Vinh nhận định.

Theo Thế Nam

thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên