Lộ diện những doanh nghiệp thua lỗ trong quý 1
Đã có khoảng hơn 80 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán báo lỗ trong quý 1/2015, vị trí quán quân đang thuộc về Nhiệt điện Bà Rịa (BTP).
Hiện các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố gần hết BCTC quý 1/2015, có thể thấy tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngay trong quý đầu tiên của năm 2015 khởi sắc, số doanh nghiệp báo lỗ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, theo đó những doanh nghiệp vẫn báo lỗ quý 1 trong bối cảnh thị trường đã có nhiều dấu hiệu tích cực khiến nhà đầu tư e ngại và đặt dấu hỏi tại sao lỗ?
Trước hết cần chú ý tới con số lỗ quý 1 của quán quân BTP, trong kỳ việc áp dụng Thông tư 200, Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) phải ghi nhận lỗ do chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại vốn vay có gốc ngoại tệ trong quý I/2015 khiến BTP lỗ ròng 122,88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ LNST đạt 43,33 tỷ đồng. Cũng trong tình cảnh tương tự, chi phí tài chính bất ngờ tăng vọt lên 32,5 tỷ đồng cao gấp gần 2 lần cùng kỳ khiến Thủy điện Miền Nam (SHP) lỗ 22,7 tỷ đồng trong quý I.
Vị trí á quân thuộc về Vosco (VOS), kinh doanh dưới giá vốn khiến VOS lỗ gộp 15 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lỗ ròng 104,3 tỷ đồng. Trong năm nay, tình hình kinh doanh của Vosco được HĐQT công ty đánh giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào thị trường vận tải biển hiện nay và dự báo cho cả năm 2015, Vosco dự kiến sẽ lỗ khoảng 100 tỷ đòng. Tuy nhiên, trong trường hợp thị trường vận tải biển có sự hồi phục, giá nhiên liệu duy trì ở mức như hiện tại và công ty thực hiện tái cơ cấu nợ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Vosco sẽ cố gắng giảm lỗ tối đa và phấn đấu cân bằng thu chi trong năm 2015.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng có kết quả không mấy khả quan trong quý I/2015. Giá cả thị trường sụt giảm liên tục khiến lợi nhuận biên thấp nên không bù được chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khiến SMC lỗ ròng 40,75 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SMC cho hay, tình hình hiện tại của các DN ngành thép nói chung rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do Công ty đang có một lượng hàng tồn kho giá cao từ năm trước chuyển sang, trong khi giá thép chưa có dấu hiệu cải thiện, đây là điều mà các DN trong ngành khó có thể lường trước.
Quý 1/2015, Thép Việt Ý (VIS) cũng đã báo lỗ 39,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 5,6 tỷ đồng của quý 1/2014. Nguyên nhân lỗ được VIS giải trình là do quý 1 vừa qua, giá thép thế giới có xu hướng giảm, nguồn nguyên liệu công ty nhập về từ trước vẫn phải chịu giá cao, thêm giá điện, than trong nước đang tăng nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Hơn nữa, quý 1 có thời gian nghỉ tết dài ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Chứng khoán Kim Long (KLS) cũng đã báo lỗ hơn 39 tỷ đồng do trong kỳ công ty đã trích lập dự phòng hoạt động đầu tư chứng khoán với giá trị hơn 50 tỷ đồng. Bênh cạnh đó do thị trường biến động mạnh, khó lường và giá dầu giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí công ty đang đầu tư phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, khi thị trường hồi phục, KLS kỳ vọng sẽ được hoàn nhập dự phòng và sẽ có lãi, năm 2015 KLS đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng lợi nhuận 5% - 10%.
Một số doanh nghiệp khác, thua lỗ đã trở nên “quen thuộc” với cổ đông. CTCP Tập lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) báo lỗ quý thứ 11 liên tiếp với mức lỗ là 22 tỷ đồng. Sau sự cố bị tàu nước ngoài đâm vào cần cẩu của DCT tại Cảng Nhà máy xi măng Công Thanh, khiến Công ty bị thiệt hại nặng nề và tính đến thời điểm hiện tại, Công ty All Ocean Transporation Inc vẫn chưa bồi thường thiệt hại cho DCT với số tiền 1,84 triệu USD (khoảng hơn 39 tỷ đồng). Cổ phiếu DCT đã bị HOSE công bố hủy niêm yết từ ngày 8/5.
CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng là DN có nhiều quý thua lỗ liên tiếp, kinh doanh dưới giá vốn tiếp tục là nguyên nhân khiến VST lỗ gộp gần 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp ghi âm 16,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, quý 1/2015 VST lỗ ròng 28,7 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, HoSE đã thông báo huỷ niêm yết cổ phiếu VST từ ngày 8/5. Năm 2015 mặc dù dự kiến sẽ bán 2 tàu nhưng lợi nhuận sẽ vẫn lỗ 109,04 tỷ đồng.
HLG-Hoàng Long Group báo lỗ thêm quý thứ 10 với mức lỗ gần 15 tỷ đồng do thị trường cá tra thế giới chững lại nên hoạt động nhập khẩu cá tra chưa có dấu hiệu tăng trưởng trong khi ngành chế biến và xuất khẩu còn nhiều khó khăn nên hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy sản của công ty gặp khó khăn. Bên cạnh đó hoạt động kinh doanh taxi trong kỳ này của HLG cũng chưa hiệu quả. HLG đã lỗ 2 năm liên tiếp (2013, 2014), tại công văn giải trình biện pháp khắc phục, Hoàng Long dự kiến năm 2015 sẽ lãi 22,5 tỷ đồng.
V15-Vinaconex 15 lỗ tiếp quý thứ 8 với con số gần 16 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã bị tạm ngừng giao dịch từ 11/5/2015 do công ty liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là chưa công bố BCTC bán niên soát xét năm 2014 và BCTC kiểm toán năm 2014. Theo đó mặc dù lỗ 3 năm liên tiếp nhưng hiện V15 vẫn chưa bị hủy niêm yết.
RIC cũng báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp với mức lỗ hơn 23 tỷ đồng do trong kỳ công ty tạm dừng đón khách 1 số phòng biệt thự để tiến hành sửa chữa, chuẩn bị sẵn sàng đón khách từ tập đoàn Sa long dự kiến từ tháng 4/2015. Năm 2015 RIC dự kiến sẽ có lãi bởi nếu tiếp tục thua lỗ, cổ phiếu RIC sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy chế niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hết nguyên liệu, tồn kho không bán được, khiến SQC lỗ quý thứ 7 liên tiếp. Với một doanh nghiệp quy mô vốn gần 1.000 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh của SQC liên tục đi xuống đã làm niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu đi xuống trầm trọng, khối lượng giao dịch cổ phiếu này 4 tháng trở lại đây hoàn toàn không có giao dịch. Cũng đã rơi vào tình cảnh lỗ 2 năm liên tiếp (2013, 2014), SQC dự kiến lãi 10,264 tỷ đồng trong năm 2015.
Ở nửa sau của danh sách thua lỗ quý 1 với mức lỗ dưới 3 tỷ đồng, đáng chú ý là trường hợp ALV, doanh nghiệp này lỗ nhẹ 190 triệu đồng trong quý 1, các quý kinh doanh trước không thực sự khởi sắc tuy nhiên triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp này lại được dự báo hết sức lạc quan khi tại ĐHĐCĐ 2015, cổ đông đã thông qua mức lãi trước thuế 6,4 tỷ đồng trong năm 2015, 10,5 tỷ đồng năm 2016 và 20 tỷ đồng năm 2017 – Kể từ khi niêm yết mức lãi hàng năm của ALV cao nhất mới chỉ là 2,7 tỷ đồng (năm 2010). Hay trường hợp của MTG mặc dù mới chỉ lỗ 1 năm 2014, quý 1/2015 lỗ chưa đến 1 tỷ đồng nhưng đã bị hủy niêm yết do bị kiểm toán từ chối đưa ý kiến xung quanh một loạt vấn đề liên quan đến các khoản công nợ, hàng tồn kho...
Có thể thấy mặc dù quý 1 thua lỗ nhưng đa phần các doanh nghiệp này đều lạc quan vào triển vọng kinh doanh có lãi trong năm 2015, cá biệt có VOS và VST dự kiến bán tàu vẫn sẽ lỗ trong cả năm 2015 hay ATA dự kiến lỗ 15 tỷ nhưng sang các năm tiếp theo sẽ có lãi, kế hoạch 2016 doanh thu 400 tỷ và lợi nhuận 2 tỷ, năm 2017 đặt kế hoạch doanh thu 500 tỷ và lợi nhuận 5 tỷ. Các doanh nghiệp vẫn còn có tới 3 quý kinh doanh để hoàn thành mục tiêu có lãi trong năm 2015 của mình.
HNX&HSX