MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận của 6 doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 21% so với quý 1/2014

26-05-2015 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Everpia Việt Nam (EVE) là doanh nghiệp dệt may trên sàn niêm yết có biên lãi gộp cao nhất đạt 32,73% trong khi đó Mirae (KMR) chỉ đạt gần 7%.

Mặc dù quý 1 không phải là mùa kinh doanh cao điểm nhưng phần lớn các doanh nghiệp dệt may trên sàn niêm yết đều ghi nhận mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận sau thuế khá so với cùng kỳ.

Trong số 6 doanh nghiệp dệt may lớn đang niêm yết, Everpia (EVE) và Mirae (KMR) là những doanh nghiệp chuyên về chăn ga gối đệm; Gilimex (GIL) chuyên về túi xách còn Garmex Saigon (GMC), Thành Công (TCM) và TNG chuyên về quần áo, thời trang.

Everpia Việt Nam (EVE) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng ấn tượng nhất, doanh thu thuần trong kỳ đạt 179 tỷ đồng, tăng 48% so với quý 1/2014. Trong đó, tăng mạnh nhất là doanh thu thành phẩm chăn ga, đệm 83% lên 118 tỷ đồng.

Công ty cho biết tăng trưởng doanh thu chăn ga, đệm nhờ tăng hoạt động bán lẻ trong nước, kinh doanh B2B (đơn hàng chăn ga dành riêng cho các khách sạn, quà tặng cuối năm cho các doanh nghiệp…) và xuất khẩu, thực hiện hàng loạt các chương trình khuyến mại kích cầu người tiêu dùng trước và sau Tết.

Lợi nhuận gộp của EVE đạt 58 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước, tỷ suất lãi gộp cũng tăng từ 29,5% lên 32,7%. Lợi nhuận sau thuế của Công ty thu về hơn 17 tỷ đồng, cao gấp 8 lần so với quý 1/2014.

Garmex Saigon (GMC) công bố kết quả kinh doanh có phần khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng. Doanh thu thuần quý 1 của Garmex Saigon đạt 293 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Mặc dù lãi gộp giảm nhẹ, kết quả kinh doanh quý 1 của công ty tăng trưởng nhờ việc giảm chi phí quản lý, lãi ròng đạt 15,5 tỷ đồng tăng 11,5% so với cùng kỳ 2014.

Mới đây HĐQT công ty đã quyết định mua toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH MTV Blue Exchange trong Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh (Công ty con của GMC) với giá gần 31 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, mặc dù doanh thu thuần trong quý 1 của GIL đạt 198,31 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 30% dẫn đến lợi nhuận gộp chỉ còn tăng trưởng 6%, đạt 28 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh khác trong kỳ, GIL ghi nhận 8,16 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16% so với quý 1/2014. Theo giải trình của GIL, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sụt giảm là do công ty không  còn khoản thu từ dịch vụ và chi phí bù lương tối thiểu vùng tăng cao so với năm 2014.

Dệt may - ĐT - TM Thành Công (TCM) công bố doanh thu thuần trong quý đạt 609 tỷ đồng, giảm 5%; giá vốn cũng giảm ở mức tương ứng nên lãi gộp còn 87,6 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhân tố làm cho lãi ròng TCM giảm mạnh hơn mức giảm lãi gộp là chi phí bán hàng tăng 20% lên 17,5 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý và chi phí bán hàng giảm không đáng kể.

TCM cho biết, công ty đang hoàn thành xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Hòa Phú, Tỉnh Vĩnh Long. Hiện tại, Công ty đang lắp đặt máy móc thiết bị, đào tạo nhân sự để chuẩn bị cho nhà máy đi hoạt động vào tháng 6 năm 2015.

Công suất thiết kế của nhà máy là 800.000 sản phẩm/tháng. Nếu chạy hết công suất thì doanh thu khoảng 30 triệu USD/năm giúp doanh thu xuất khẩu mảng áo khoảng 100 triệu USD/năm.

Đáng chú ý là kết quả kinh doanh thua lỗ của Mirea, giá vốn hàng bán tăng cao khiến lãi gộp trong kỳ của Mirae (KMR) chỉ đạt 4,4 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, khoản lãi gộp ít ỏi này là không đủ để trang trải các khoản chi phí khiến KMR lỗ ròng 7,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ mức thua lỗ là gần 3 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, bên cạnh đó quý 1 rơi vào dịp Tết Nguyên Đán và đồng thời doanh thu quý 1 hàng năm của công ty thường thấp do không phải là mùa hàng đối với mặt hàng sản xuất chính là Padding và Quilting.

Ngành dệt may hiện đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP) được thông qua. TPP hứa hẹn sẽ mang lại bước nhảy vọt cho nền kinh tế Việt Nam với những ưu đãi về thuế suất xuất khẩu. Mỹ là đích nhắm lớn nhất của nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có hàng dệt may. Do đó lợi nhuận trong những quý tới của các doanh nghiệp dệt may được kỳ vọng rất lớn.

Thanh Tú

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên