MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lối thoát nào cho hàng Việt chất lượng do doanh nghiệp SMEs sản xuất?

01-08-2013 - 08:33 AM | Doanh nghiệp

Chưa kể đến sức mua giảm, hàng tiêu dùng Việt Nam có chất lượng đang mất dần thị trường ngay trên sân nhà, kể cả siêu thị, chợ truyền thống và chợ phiên tại nông thôn.

Đưa hàng về nông thôn không phải để giải phóng tồn kho

Báo cáo “Động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2013” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, dựa trên kết quả khảo sát  700 doanh nghiệp cho rằng: trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ có 8,9% doanh nghiệp khảo sát áp dụng giải pháp đưa hàng về thị trường nông thôn để giảm bớt hàng tồn kho.

Tuy nhiên, Bà Vũ Thị Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) không đồng tình với quan điểm của báo cáo cũng như “doanh nghiệp Việt không quan tâm đến thị trường nông thôn” khi doanh nghiệp gần như tắc nghẽn đầu ra. Bởi theo bà Hạnh:

Cần phải có chi tiết về số lượng doanh nghiệp được khảo sát phân theo ngành để tránh vênh lệch kết quả so với thực tế. Trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt nhỏ và vừa mong muốn mở rộng kênh phân phối vào thị trường nông thôn.  

Hiện, hàng tháng BSA tổ chức 2 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn,  với sự tham gia bình quân khoảng 50 doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp tham gia đều là doanh nghiệp  hàng Việt Nam chất lượng cao, những doanh nghiệp dẫn đầu, không phải những doanh nghiệp không có thương hiệu.

Bà Hạnh cho biết thêm: “ Hầu hết đây là những doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường và họ muốn mở mạng lưới phân phối càng xa, càng sâu về nông thôn. Những chuyến đưa hàng về nông thôn như vậy không phải để giải phóng hàng tồn kho hay bán hàng dạo mà để xây dựng mạng lưới chân rết hàng hóa của mình tại nông thôn.”

Số doanh nghiệp đăng ký tham gia vào chương trình hội chợ này càng nhiều, BSA phải lựa chọn từng doanh nghiệp  trên cơ sở lựa chọn những doanh nghiệp muốn xây dựng mạng lưới phân phối ở cấp cơ sở. BSA không nhận những doanh nghiệp chỉ muốn bán hàng, không thể kiểm soát được hàng tồn, hay hàng không có chất lượng đưa về nông thôn.

Nhưng không dễ để có được thị trường

Bà Hạnh chia sẻ: Ngày nay, nông thôn càng khó tiêu thụ hàng. Nếu như sức mua ở đô thị giảm thì sức mua ở nông thôn còn tiêu điều hơn nữa. Bởi đến vùng làm cá thì cá đầy, vùng lúa thì lúa lên mầm trong nhà.

“Khi BSA đến để tổ chức phiên chợ, BSA phải thông báo trước nửa tháng để người dân có thể tập trung sức mua những mặt hàng mà họ cảm thấy hết sức là cần thiết.”

Không chỉ gặp khó với sức mua giảm, các doanh nghiệp tham gia, cũng như hiệp hội đứng ra tổ chức còn gặp khó khăn khi mà cơ quan chức của nhiều địa phương không mặn mà với các phiên chợ này.

Các địa phương không nhiệt tình trong tổ chức các phiên chợ này. Lý do, xuất phát từ lợi ích, khi mà chi phí tổ chức cần thiết có sự chia sẻ của địa phương, trong khi tiêu chí của  BSA kiểm soát chặt hàng hóa đảm bảo không để hàng Trung Quốc không chen lấn vào trong những mặt hàng buôn bán cho người nông thôn. “Địa phương cho rằng tổ chức các phiên chợ như vậy là quá ngặt nghèo mà họ không được lợi lộc gì.”

Trung ương cũng không nhắc nhở thường xuyên đưa hàng về nông thôn, nên BSA cũng gặp khó khăn dù tổ chức được.

“Doanh nghiệp Việt rất thiết tha đưa hàng về nông thôn nhưng hiện việc này khó quá. Quả thực cần có sự hỗ trợ của nhà nước thêm nữa cho chương trình này” – Bà Hạnh phản ánh.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó chen chân vào kênh siêu thị và chợ truyền thống

Hàng hóa bán ở đô thị chắc chắn qua kênh siêu thị, nhưng tại đây lực lượng hàng hóa mạnh nhất là: Hàng của các công ty đa quốc gia và hàng riêng của siêu thị. Những doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu nhưng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) muốn bán hàng bằng thương hiệu của mình sẽ gặp khó khăn lớn khi cạnh tranh với 2 lực lượng này.

Bà Hạnh cho biết, khảo sát của BSA cho thấy 90 – 95% hàng Việt trong các siêu thị là hàng gia công, những thương hiệu Việt mất dần, những doanh nghiệp SMEs bật gốc ra khỏi siêu thị.

Ở chợ truyền thống, tình hình cũng không lạc quan hơn. Gần 2 năm làm chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống BSA cũng gặp khó khi các công ty đa quốc gia chiếm lĩnh phân khúc này “một cách rất tận tụy”.

Các công ty đa quốc gia đã dạy cho các tiểu thương để thay đổi kỹ năng về kinh doanh rất tốt – tiểu thương đã biết liên kết với nhau để tăng giá không gian trưng bày hàng hóa trên sạp của họ như chợ Sa Đéc. Điều này cho hệ quả khác là doanh nghiệp Việt Nam cũng khó len lõi để lấy không gian trưng bày trong các sạp tại chợ truyền thống.

Giải pháp nào?

Báo cáo VCCI cho rằng: Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện mạnh mẽ tái cấu trúc doanh nghiệp trong đó tập trung cho nguồn lực nhiều hơn cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học trong sản xuất nhằm tăng năng suất, cải thiện chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Bà Hạnh cũng cho rằng: Doanh nghiệp cần phải đổi mới công nghệ; đổi mới quản trị; bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh từ gốc độ chất lượng, các yếu tố về thương hiệu và mạng lưới phân phối.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên