Luật Doanh nghiệp: Nhiều bất cập khi triển khai
Trong số báo trước, ĐTTC đã có bài viết ghi nhận tình hình thực thi các nội dung hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật DN của các DN và cơ quan hành pháp. Trong số này, ĐTTC tiếp tục ghi nhận tình hình những ngày thực thi tiếp theo.
- 06-07-2015Để con dấu không trở thành… ‘cụ dấu’!
- 27-12-2014Doanh nghiệp có thể có hơn một người đại diện theo pháp luật, và có nhiều con dấu
- 26-12-2014Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính cho Doanh nghiệp
Căng thẳng hơn trước
Tính đến thời điểm này, Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống được đúng 1 tuần. So với 3 ngày đầu tháng 7, các chủ DN đến đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và giải đáp thắc mắc đông hơn rất nhiều. Đến Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) lúc 8 giờ 30 sáng, nhiều khách hàng đã không tìm được ghế trống nào, phải đứng lố nhố ở khu vực chờ đợi.
Phòng tiếp nhận hồ sơ DN trong nước chật cứng người với đủ loại giấy tờ trên tay. Lượng khách hàng kéo đến đông một phần do việc áp dụng quy định của luật, cụ thể giảm thời gian thực hiện thủ tục ĐKKD xuống còn tối đa 3 ngày, do vậy DN chờ khoảng vài ngày sau khi 2 luật trên được áp dụng để dò xét cách thức, quy trình thực hiện như thế nào mới bắt đầu đến làm việc.
Các quy định của luật mới cũng đặt ra không ít thách thức và áp lực cho nhân viên các phòng ĐKKD về mặt chuyên môn nghiệp vụ, dù trước đó họ đã được làm quen, tập huấn về triển khai các bộ luật mới này. Do đó, vẻ mặt căng thẳng của nhiều nhân viên khi chăm chú đánh máy, trả hồ sơ cho DN cũng là bình thường và dễ thông cảm.
Căng thẳng nhất có lẽ là cô nhân viên làm việc ở quầy đăng ký dịch vụ và hỏi đáp thắc mắc cho DN. Bởi lẽ khi cô chưa kịp trả lời hay giải đáp thắc mắc của khách hàng này, khách hàng khác đã ào tới, khiến cô nhiều lúc tỏ ra lúng túng. Dù có thể thông cảm với nhân viên ở đây khi 1 người cùng lúc phải tiếp đến hàng chục người với nhiều câu hỏi khác nhau, nhưng nếu xét về trách nhiệm và tính chất công việc, vẫn rất cần thái độ cởi mở và nhiệt tình tư vấn cho người dân, DN của các nhân viên.
DN mỏi mắt tìm nơi khắc con dấu
Bên cạnh một vài thắc mắc như đã gặp trong lần ghi nhận trước, sau khi áp dụng ĐKKD và có giấy phép kinh doanh lại phát sinh thêm vài vấn đề. Theo chị Phạm Thị Ngọc Mai, đại diện Công ty Thương mại Trường Xuân Thịnh, chuyên mua bán và phân phối các loại xe gắn máy, xe ô tô, công ty chị đã hủy hoạt động 2 chi nhánh ở tỉnh Bình Dương và quận 7, TPHCM cách đây 1 tháng.
Nhưng sau khi luật mới có hiệu lực, phía cơ quan chịu trách nhiệm cho biết vẫn chưa có quyết định cho phá sản 2 chi nhánh này, do vậy chị không biết nên hoàn thành thủ tục như thế nào. Theo nhân viên tư vấn, trường hợp này chị Mai cần photo giấy chứng nhận ngừng hoạt động kinh doanh do cơ quan công an cấp tại 2 chi nhánh trên, sau đó công chứng, xác thực và đem đến Sở KH-ĐT nộp. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở KH-ĐT sẽ đối chiếu rồi mới chứng nhận việc ngưng hoạt động kinh doanh tại 2 chi nhánh này cho phía DN.
Thực tế khiến nhiều DN sau khi có giấy phép kinh doanh trở nên đau đầu hơn là quy định về con dấu và không biết phải tìm nơi khắc con dấu ở đâu. Theo Điều 44, Luật DN 2014, DN được quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và cả số lượng con dấu.
Tuy nhiên, nội dung trên con dấu vẫn phải thể hiện tên và mã số của DN. Ngoài ra, DN cũng phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu của DN mình với cơ quan ĐKKD để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Mặc dù vậy, đã qua ngày thứ 8 sau khi luật mới chính thức được áp dụng, nhiều DN vẫn chưa tìm được công ty nào nhận đặt hàng khắc dấu.
Theo tìm hiểu, trên trang web của một số công ty chuyên nhận khắc con dấu cho DN như Công ty TNHH Văn phòng phẩm Khắc dấu Sao Mai, quận Tân Bình, TPHCM, hay Công ty Đông Dương, quận Bình Thạnh… liệt kê khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn liên quan đến con dấu và thủ tục khắc dấu từ Bộ luật Hình sự đến các điều kiện kinh doanh của ngành nghề khắc dấu, nhưng lại không có bất cứ thông tin nào liên quan đến các quy định của luật về con dấu. Do vậy, khi các DN gọi điện đến đặt hàng khắc dấu, hầu hết công ty này đều tỏ ra ngần ngại hoặc từ chối. Một số công ty khác cẩn trọng đề nghị khách hàng để lại số điện thoại, đến khi có hướng dẫn mới sẽ liên lạc trực tiếp.
Ông Hoàng Minh Nhật, chủ một DN hoạt động về lĩnh vực chế biến gỗ, cho biết khi ông gọi đến một trong số công ty trên đề nghị khắc dấu, đã nhận được trả lời rằng mẫu dấu của công ty ông sau khi được khắc xong sẽ được chuyển sang cơ quan công an để lưu chiểu, công ty phải qua đó nhận con dấu.
Việc các công ty khắc dấu còn e dè nhận đơn đặt hàng bởi chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này. Mặc dù trên thực tế, Luật DN đã quy định DN có toàn quyền với con dấu của mình. Theo đó, thay vì phải đăng ký với cơ quan công an như luật cũ, DN chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin, nhưng Nghị định 58/2001/NĐ-CP và Nghị định 31/2009/NĐ-CP về quản lý sử dụng con dấu vẫn chưa hết hiệu lực, nên nếu chưa có hướng dẫn cụ thể, các cơ quan quản lý liên quan sẽ lúng túng trong thực hiện.
Sài Gòn đầu tư tài chính