MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật phá sản bị phá sản từ khi nào?

14-09-2013 - 07:47 AM | Doanh nghiệp

Hãy coi chừng! Hãy xem xét dự thảo Luật Phá sản sửa đổi bổ sung cho thật kỹ. Bởi nếu không, nó lại bị phá sản ngay sau khi ban hành như tình trạng của luật cũ trước đây.

Luật Phá sản 2004 thi hành được 9 năm nhưng nó là một sản phẩm pháp luật “chết”, bởi vì không áp dụng được cho các DN có nhu cầu được phá sản. Cho nên có thể khẳng định, Luật Phá sản đã bị phá sản từ khi nó được ban hành!

Nói như thế không ngoa, bởi vì luật có 95 điều, nhưng có đến 57 điều được các tòa án, cơ quan, tổ chức liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Chưa kể, mỗi năm có hàng chục ngàn DN dừng hoạt động và giải thể, chỉ riêng năm 2012 có 54.261 DN, nhưng tổng cộng 9 năm, tòa án chỉ mở thủ tục phá sản cho 236 trường hợp, tuyên bố phá sản được 83 trường hợp.

Luật Phá sản bị phá sản trong đời sống như vậy là thất bại của người làm luật, là sự lãng phí tiền bạc của nhân dân đóng thuế trả lương cho việc làm luật. Sản phẩm được làm ra không sử dụng được có nghĩa là tiền của bị vứt đi, người làm luật đã không hoàn thành nhiệm vụ của dân giao phó.

Nhưng thiệt hại của nó không chỉ dừng lại ở sự lãng phí tiền bạc cho hoạt động soạn luật, mà còn gây hậu quả rất lớn cho nền kinh tế đất nước và cho xã hội. 9 năm thi hành mà đa số DN muốn phá sản không phá sản được có nghĩa là nền kinh tế đang tồn tại hàng ngàn những “xác chết biết đi”. DN “chết” nhưng không được “chôn”, gây ra bao nhiêu phức tạp, rủi ro, hệ lụy với các chủ nợ, người lao động và ngay chính DN cần được phá sản.

Bởi vì, đối với DN làm ăn thất bại không có nghĩa là chấm hết, là tận thế. Phá sản ở đây không có nghĩa là tán gia bại sản, là bị tống cổ vào tù. Đừng nhìn DN kinh doanh thua lỗ theo con mắt hình sự, mà phải xem đó là chuyện bình thường trong đời sống DN. Những DN làm ăn thất bại cần được thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật để họ có điều kiện tìm cơ hội tổ chức đầu tư, lập công ty mới, phục hồi kinh doanh.

Chính vì Luật Phá sản 2004 bị phá sản nên nó phải được sửa đổi, bổ sung và trình dự thảo tại phiên họp UBTVQH ngày 13.9. Và, một quy định được bổ sung mới toanh là DN nợ đến hạn trên 200 triệu đồng trong vòng 3 tháng sẽ bị coi là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định mới này bị nhiều ý kiến phản biện, bởi vì với 200 triệu đồng tiền nợ mà gọi là phá sản thì 99% số doanh nghiệp phải phá sản. Có nhiều DN, tập đoàn quy mô vốn lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, chẳng lẽ nợ đến hạn 200 triệu đồng trong vòng 3 tháng thì xem đó là căn cứ xác định phá sản?

Hãy coi chừng! Hãy xem xét dự thảo Luật Phá sản sửa đổi bổ sung cho thật kỹ. Bởi nếu không, nó lại bị phá sản ngay sau khi ban hành như tình trạng của luật cũ trước đây.

Theo Lê Thanh Phong

thunm

Lao động

Trở lên trên