MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư Trịnh Văn Quyết nói về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp

22-05-2013 - 19:03 PM | Doanh nghiệp

Qua hơn 7 năm áp dụng, Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ nhiều sự bất cập, chưa phản ánh được sự phát triển, thay đổi của xã hội, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và yêu cầu của quản lý nhà nước.

Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra lần này, việc sửa đổi Luật doanh nghiệp là một trong những vấn đề nóng. Chúng tôi có buổi trao đổi với luật sư Trịnh Văn Quyết-Công ty luật SMiC về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng, sự đổ vỡ của một loạt doanh nghiệp ngoài lỗi chủ quan còn có nguyên nhân quan trọng là hệ thống luật về doanh nghiệp chưa đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc, nhiều quy định đã lạc hậu và cũng có nhiều vấn đề chưa được quy định cụ thể. Luật sư đánh giá về vấn đề này như thế nào?

Trước hết, tôi đồng ý với quan điểm này. Luật pháp luôn là một trong những cơ sở để bảo đảm cho các loại hình doanh nghiệp được phát triển một cách bình đẳng, đem lại lợi ích cho nhà nước, lợi ích công và cho bản thân doanh nghiệp.

Sự yếu kém của một nền kinh tế thị trường, trong đó cụ thể là tình hình phát triển doanh nghiệp mà chúng ta đề cập ở đây luôn có yếu tố từ hệ thống các quy định về doanh nghiệp. Khái quát chung, tôi thấy hệ thống pháp luật hiện tại của chúng ta có ba vấn đề lớn sau đây:

Thứ nhất, ngay từ khi xây dựng, nhiều quy định đã không phản ảnh được thực tế, không phù hợp, dẫn đến việc hoặc không áp dụng được trên thực tế, hoặc cản trở doanh nghiệp phát triển, hoặc tạo ra những hệ lụy sau này.

Điều này thể hiện trình độ còn hạn chế của các nhà xây dựng luật của chúng ta.

Thứ hai, nhiều quy định có sức sống quá ngắn, nhanh chóng trở nên lạc hậu với đòi hỏi cuộc sống, gây cản trở tới sự phát triển của doanh nghiệp.

Thứ ba, hệ thống văn bản còn thiếu nhiều quy định điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp, gây lúng túng cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Nói riêng về luật doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp hiện hành được ban hành năm 2005. Qua hơn 7 năm áp dụng, Luật này cũng đã bộc lộ nhiều sự bất cập, chưa phản ánh được sự phát triển, thay đổi của xã hội, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và yêu cầu của quản lý nhà nước.

Xin luật sư cho biết Luật Doanh nghiệp cần điều chỉnh những vấn đề gì?

Nói một cách ngắn gọn, Luật Doanh nghiệp điều chỉnh 3 nhóm vấn đề:

Thứ nhất: Tổ chức, thành lập các loại hình doanh nghiệp. Tức là điều chỉnh một loạt các vấn đề liên quan đến việc "khai sinh" một doanh nghiệp.

Thứ hai: Hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba: Tổ chức lại, chuyển đổi và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, doanh nghiệp cũng tương tự như một con người cụ thể vậy, có quá trình sinh ra, quá trình phát triển và quá trình chấm dứt.

Chỉ có điều nó khác với một con người cụ thể là: ở đây, nó là một tổ chức, nó được tổ chức dưới các hình thức khác nhau: Công ty TNHH, Công ty cổ phần (CTCP), Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp Tư nhân...; Trong thuật ngữ pháp lý, nó được gọi là "pháp nhân" cũng vì lý do này.

Pháp luật về doanh nghiệp phải bao quát hết các quá trình phát triển đó của tất cả các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm cho các doanh nghiệp được sinh ra một cách thuận lợi, phát triển tốt, tạo điệu kiện linh hoạt cho họ chuyển đổi mô hình, cũng như chấm dứt hoạt động, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan.

Luật sư có thể phân tích sâu hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến quản trị, hoạt động của doanh nghiệp mà đã không còn phù hợp với thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung?

Trước hết phải khẳng định rằng không phải tất cả các quy định của Luật Doanh nghiệp đều đã lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn. Ngược lại, nhiều quy định của pháp luật hiện hành vẫn phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Tất nhiên, không thể phủ nhận sự bất cập, thiếu khả thi của một số quy định trong Luật Doanh nghiệp mà cần sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ như:

Ví dụ như vấn đề về Đại hội đồng cổ đông thực tế là không hề đơn giản. Thực tế cho thấy nhiều Công ty cổ phần đã không thể triệu tập được Đại hội kịp thời để quyết định những vấn đề có tính chất thời sự cao. Xin ý kiến bằng văn bản cũng không hề nhanh tý nào. Luật Doanh nghiệp cần bổ sung cơ chế để đảm bảo cho việc họp ĐHĐCĐ được thuận lợi hơn.

Đồng thời, pháp luật phải tăng cường các chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng bất hợp tác hay che giấu thông tin cổ đông của các công ty đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

Hoặc như Quy định về thành viên Hội đồng quản trị, quy định “thành viên HĐQT là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh”.

Với quy định này, nhiều doanh nghiệp cho rằng thành viên HQĐT chỉ có thể là cổ đông cá nhân, từ đó các doanh nghiệp đã vận dụng quy định này để loại trừ người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức để trở thành thành viên HĐQT.

Cách hiểu này hoàn toàn không hợp lý và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông là tổ chức. Do vậy, Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi và quy định lại rõ hơn về vấn đề này.

Về tổ chức của Ban Kiểm soát hiện tại cũng đã không thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư.

Thế còn vấn đề nóng "giải thể doanh nghiệp" hiện nay. Ông có kiến nghị gì?

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp quy định hai hình thức giải thể: tự nguyện và bắt buộc. Những năm vừa qua, việc thành lập doanh nghiệp đã được cải tiến rất nhiều. Song, việc giải thể doanh nghiệp lại khó hơn việc thành lập doanh nghiệp gấp nhiều lần. Thời gian để rút khỏi thương trường thường kéo dài từ 3 đến 5 tháng, thậm chí đến cả năm. Lý do cơ bản là khi giải thể doanh nghiệp phải xuất trình văn bản “đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”.

Theo quan điểm của tôi, cần có hướng dẫn chi tiết hơn về trình tự, thủ tục của việc giải thể doanh nghiệp, trong đó, phải quy định thời hạn của việc quyết toán thuế cho doanh nghiệp.

Chẳng hạn, quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được công văn đề nghị quyết toán thuế phục vụ việc giải thể, cơ quan thuế có trách nhiệm quyết toán và xác nhận việc hoàn thành nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp. Quá thời hạn trên, doanh nghiệp được coi như đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và được thực hiện các thủ tục giải thể”. 

Xin chân thành cảm ơn ông vì đã tham gia phỏng vấn, góp ý!

Minh Thành

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên