M&A – con đường ngắn nhất để trở thành công ty nông nghiệp tỷ đô
Hiện ngành nông nghiệp chỉ có 3 công ty đạt quy mô doanh thu trên 1 tỷ USD. Với chiến lược M&A rút ngắn thời gian, sẽ còn nhiều cái tên nữa gia nhập nhóm này trong những năm tới.
Với nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của nhà nước cũng như những cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia, ngành nông nghiệp Việt Nam đang ở trong một giai đoạn mang tính “bước ngoặt” khi mà nguồn lực xã hội dành cho đầu tư nông nghiệp đang ngày một tăng cao.
Những doanh nghiệp trong ngành mở rộng quy mô, những doanh nghiệp bên ngoài thâm nhập vào ngành. Tất cả đang tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Với quy mô thị trường lên đến 40 tỷ USD, phân khúc đa dạng và mới có rất ít doanh nghiệp phát triển lên được quy mô lớn thì ngành nông nghiệp vẫn còn rất nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp đến sau.
Rút ngắn thời gian từ M&A
Giống như các lĩnh vực khác, cơ hội để đầu tư nông nghiệp đến từ cả 2 hướng: trực tiếp đầu tư và mua lại. Những cái tên nổi bật nhất trong “trường phái” tự đầu tư có thể kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, TH Milk, Hòa Phát… Các công ty này đều theo đuổi những dự án đầu tư quy mô rất lớn, lên đến cả chục nghìn tỷ đồng.
Với phương án mua lại (M&A), doanh nghiệp có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian thâm nhập thị trường, có nhiều phương án để lựa chọn đầu tư.
Masan Group thông qua công ty con Masan Nutri-Science đã mua cùng lúc 2 công ty Proconco và ANCO đã đưa công ty này từ vị trí số 0 trở thành công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ 2 trên thị trường, với mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu trong năm nay.
Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện chỉ có 3 công ty đạt doanh thu trên 1 tỷ USD gồm C.P Việt Nam – đối thủ chính của công ty trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Vinafood 2 – xuất khẩu gạo và Intimex Group – xuất khẩu cà phê, nông sản.
Mốc 1 tỷ USD cũng là mục tiêu mà 2 doanh nghiệp thủy sản Hùng Vương và Minh Phú đang hướng tới trong năm nay hoặc năm sau.
Thủy sản Hùng Vương là một trong những doanh nghiệp thực hiện M&A sớm nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Danh sách các công ty Hùng Vương mua lại gồm có Việt Thắng Feed, Agifish, Fimex và Thủy sản Tắc Vân.
Từ một công ty chuyên về dịch vụ vệ sinh, PAN Group đã tái cơ cấu nhanh chóng để chuyển đổi thành một công ty chuyên về nông nghiệp – thực phẩm với chiến lược cung cấp chuỗi giá trị “từ nông trại tới bàn ăn”. Nắm trong tay Vinaseed và Southern Seed, PAN đã trở thành công ty sản xuất hạt giống lớn nhất đồng thời còn sở hữu 1 công ty thủy sản lớn và một công ty chuyên xuất khẩu hạt điều.
Sở hữu trong tay một loạt công ty mía đường, hệ thống Thành Thành Công đã tiến hành hợp nhất lại thành 2 đầu mối để tạo thành các công ty lớn hơn, gia tăng sức cạnh tranh.
Với rất nhiều động thái tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển Sản xuất Thống Nhất (GTN) đã mua lại Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea), T&T Group mua lại Tổng Công ty Rau quả nông sản – Vegetexco…
Cuộc chơi không dễ dàng
Các sản phẩm nông nghiệp luôn có sự biến động rất mạnh về giá cả do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như đầu cơ, thiên tai, dịch bệnh… Chính vì vậy mà đầu tư nông nghiệp dù dễ tham gia nhưng chưa bao giờ là cuộc chơi dễ dàng.
Trải nghiệm của Hoàng Anh Gia Lai sau hơn 5 năm đầu tư vào nông nghiệp cho thấy câu chuyện làm nông nghiệp chuyên nghiệp trên quy mô lớn không đơn giản một chút nào.
Ngay bản thân các doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về đất đai, quy trình công nghệ, vốn, đầu ra cho sản phẩm. Những khó khăn này vẫn hiện hữu dù rằng cánh cửa hội nhập đang ở rất gần và áp lực cạnh tranh không nhỏ.
Vậy làm sao để tìm thấy cơ hội, chiến thắng trong cạnh tranh, làm sao để tiến sâu vào lĩnh vực có giá trị lên tới 40 tỷ USD, tương đương 20% GDP, để phát triển mạnh ở nội địa và tiến ra nước ngoài, là trăn trở của không chỉ nhà đầu tư mà của cả nền nông nghiệp nước nhà.
Ngày 21/11/2015 tại Khách sạn Rex, Tp. Hồ Chí Minh, Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh doanh với chủ đề Đầu tư Nông nghiệp thời TPP.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ chia sẻ kinh nghiệm Làm sao để tăng sức trong cạnh tranh, chớp thời cơ mới khi cánh cửa TPP đang mở rộng, để ghi tên trong lĩnh vực nông nghiệp trị giá tới 40 tỷ USD…
Quý doanh nghiệp, nhà đầu tư, độc giả quan tâm có thể đăng ký tham dự tại http://event.cafef.vn