Mua cổ phiếu quỹ có hỗ trợ tăng giá?
GAS không phải là doanh nghiệp đầu tiên mạnh tay chi tiền mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, mục đích mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp là không giống nhau.
- 12-01-2015GAS và 10 triệu cổ phiếu quỹ
- 03-12-2014Kinh Đô bắt đầu đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu quỹ
Cuối tuần trước, thông tin PV Gas (GAS) dự chi nghìn tỷ mua 10 triệu cổ phiếu quỹ với khoảng giá tối đa 100.000 đồng/cổ phiếu đã nhanh chóng “đốt cháy” thị trường. VnIndex đã có một phiên tăng mạnh, tiến sát 570 điểm với động lực là GAS. Riêng cổ phiếu này, từ mức giá 69.500 đồng/cp đã tăng lên 74.000 đồng/cp ngay trong phiên 9/1.
Người ta cho rằng, nếu GAS tăng giá từ 74.000 đồng/cp lên mức 100.000 đồng/cp trong 1 quý (thời gian tối đa GAS mua cổ phiếu quỹ), tỷ suất sinh lời sẽ cao gấp 6 lần so với việc đem gửi tiết kiệm trong vòng 1 năm.
Với GAS, sau thông tin doanh nghiệp này “cầu cứu” PVN vì giá dầu xuống thấp, thị giá của cổ phiếu cũng cứ thế mà….lao dốc. Thông tin mua cổ phiếu quỹ vì vậy được coi là thông tin hỗ trợ tích cực cho sự tăng giá của cổ phiếu GAS về sau.
GAS không phải là doanh nghiệp đầu tiên mạnh tay chi tiền mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, mục đích mua cổ phiếu quỹ của các doanh nghiệp là không giống nhau.
Biến động giá cổ phiếu MPC 1 năm
Trên đây là biểu đồ biến động giá trong 1 năm vừa qua của cổ phiếu MPC (Thủy sản Minh Phú). Cổ phiếu này đã tăng giá mạnh mẽ sau những kết quả kinh doanh cực kỳ khả quan. Kết quả khả quan đến mức, doanh nghiệp này đã quyết định chi cổ tức với tỷ lệ 50% cho các cổ đông. Nên nhớ, cổ tức là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại ĐHCĐ thường niên 2014 khi cổ đông chỉ “đòi” được cổ tức 15% sau khi tranh luận với HĐQT công ty.
Cũng trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên tổ chức hồi tháng 4 năm ngoái, Thủy sản Minh Phú “nới trần” mua cổ phiếu quỹ từ mức 30.000 đồng/cp lên 40.000 đồng/cp.
Đóng cửa phiên giao dịch trước khi ĐHCĐ diễn ra, cổ phiếu MPC đạt mức giá vỏn vẹn 29.000 đồng/cổ phiếu.
Chẳng ai nghĩ rằng, đến một ngày, mức giá mua cổ phiếu quỹ sẽ được “nới” lên tới 100.000 đồng/cổ phiếu, mà chưa chắc cổ đông đã muốn bán!
Quả thật, dù đã rất quyết tâm, MPC cũng chỉ mua được chưa đến 540 nghìn cổ phiếu quỹ, trong khi mục tiêu mua vào của công ty này lên tới 1,6 triệu đơn vị.
Thực ra, việc mua lại cổ phiếu quỹ có được thực hiện theo kế hoạch hay không, thì MPC cũng sẽ tiến hành hủy niêm yết theo đúng kế hoạch. Việc tuyên bố nới trần giá mua cổ phiếu quỹ, cùng với chi cổ tức 50%, giống với 1 hành động “tri ân” các cổ đông đã vững vàng nắm giữ cổ phiếu MPC trong thời gian không ngắn vừa qua.
Khác với MPC và GAS, việc mua cổ phiếu quỹ của Kinh Đô gần như không tạo được động lực tăng giá cho cổ phiếu KDC của Kinh Đô.
Kinh Đô gây sốc giới đầu tư khi ra quyết định mua vào tới 7,84% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 20 triệu đơn vị - để làm cổ phiếu quỹ. Với mức giá tối đa 60.000 đồng/cp, số tiền mà KDC dự chi lên tới 1.200 tỷ đồng. Đây là một con số khổng lồ. Lợi nhuận cả năm 2013 của công ty cũng chưa đến con số 500 tỷ đồng. Nhưng lại chẳng đáng là bao so với 3.700 tỷ đồng thặng dư vốn của Kinh Đô tại thời điểm cuối quý 3. Nhiều khả năng KDC không dừng lại ở việc mua 20 triệu cổ phiếu quỹ. Kế hoạch trước đó của công ty đã được ĐHCĐ bất thường thông qua là mua vào tới 75,5 triệu đơn vị - tương đương 30% số lượng cổ phiếu lưu hành.
Về giới hạn giá mua vào, mức 60.000 đồng/cổ phiếu không thể coi là mức giá hời đối với cổ đông KDC. Trước khi HĐQT đưa ra quyết định, thị giá cổ phiếu KDC đã ở mức 56.000 đồng/cp.
Không khó để dự đoán, trong 1 tháng gần đây (thời gian mua cổ phiếu quỹ của KDC từ 11/12/2014 đến 10/1/2015), giá cổ phiếu KDC không có nhiều đột biến. Mục đích mua cổ phiếu quỹ của KDC cũng khá rõ ràng khi ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ gom lại để bán cho nhà đầu tư chiến lược. Với mục đích này, biến động giá KDC là không quá quan trọng đối với công ty.
Biến động giá KDC 1 tháng gần nhất
Đan Nguyên