MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Muốn hội nhập thành công doanh nghiệp Việt phải biết chọn thực đơn phù hợp”

23-10-2014 - 06:59 AM | Doanh nghiệp

Trước sức ép hội nhập thế giới cùng với việc các hàng loạt các thương hiệu bán lẻ của thế giới lần lượt vào Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội và thách thức lớn.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương.

Gần đây các “ông lớn” của ngành bán lẻ thế giới lần lượt vào Việt Nam, ồ ạt mở các siêu thị và trung tâm mua sắm. Thống kê của Vụ thị trường trong nước về tình hình đầu tư nước ngoài ngành bán lẻ như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Nguyên Năm: Thống kê chi tiết cho thấy các doanh nghiệp bán lẻ FDI gần đây tăng rõ rệt. Một số doanh nghiệp lớn như: Big C, Metro, Lotte, Aeon Mall, Takashimaya… tuy số lượng chưa nhiều nhưng tỉ lệ đóng góp GDP rất lớn. Có thể một trung tâm mua sắm, một doanh nghiệp bán lẻ của khối FDI có thể lớn bằng vài chục doanh nghiệp của mình. Cụ thể, trước khi gia nhập WTO các doanh nghiệp này đã vào Việt Nam rồi, 2008 đến nay các doanh nghiệp này tiếp tục phát triển theo chuỗi, liên tiếp mở các siêu thị, cửa hàng theo kế hoạch.  

Gần đây, một số doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Nhật bản đã vào Việt Nam. Hồi đầu năm Aeon Mall của Nhật Bản đã khai trương các cửa hàng đầu tiên ở Tân Phú- Thành Phố Hồ Chí Minh. Đây là siêu thị có sức mua rất lớn, theo thống kê mỗi ngày có 33 vạn người vào mua sắm tại trung tâm Aeon tại TP. Hồ Chí Minh. Mới đây phía tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya cũng vừa hoàn tất việc ký hợp đồng thuê đất 15.000 m3 tại vị trí trung tâm quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, các doanh nghiệp bán lẻ của Hàn Quốc như Lotte đã vào và hiện còn nhiều doanh nghiệp đang làm thủ tục, nghiên cứu thị trường. Như vậy có thể nói sức hút của doanh nghiệp FDI rất lớn. Số lượng mới chỉ chiếm 10% nhưng có đóng góp lớn cho GDP. Cuối 2013 Việt Nam có khoảng 124 siêu thị và đại siêu thị, 134 trung tâm thương mại.

Nhiều chuyên gia cho rằng quá trình hội nhập quốc tế điển hình là việc kí kết các hiệp định thương mại tự do như: TPP, AEC 2015, FTA…đang đến rất gần đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị thấu đáo.  Theo ông, ngành bán lẻ  Việt Nam sẽ có cơ hội và thách thức gì khi hội nhập?

Ông Trần Nguyên Năm: Trong thời gian tới đây việc kí kết các hiệp định thương mại tự do như TPP, AEC 2015, FTA EU…mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng sẽ đặt các doanh nghiệp Việt trước những sức ép lớn. Thuế các loại nông sản sẽ về 0%, đương nhiên cơ hội hàng nước ngoài vào Việt Nam rất lớn, các nhà sản xuất trong nước phải tính toán như nào để cạnh tranh được với các mặt hàng nước ngoài. Trên thực tế, khi chưa hội nhập thì hàng nước ngoài vào Việt Nam vừa mất thuế, phí vận chuyển nhưng vẫn cạnh tranh được thậm chí nhiều mặt hàng áp đảo hàng Việt. Trong khi đó hàng Việt Nam, được sản xuất tại chỗ với nhiều lợi thế nhưng vẫn bị lép vế. Hội nhập sẽ đặt các nhà sản xuất buộc phải tính toán giảm thấp nhất chi phí sản xuất, phân phối để làm sao giảm giá thành thấp nhất mới có cơ hội cạnh tranh.

Vừa qua hàng loạt các vụ bê bối đã xảy ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, EU…ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trên trường quốc tế. Hội nhập đang là một tương lai rất gần, theo ông điểm yếu của doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam là gì?

Ông Trần Nguyên Năm:  Chất lượng hàng hóa có thể được coi là trở ngại lớn khi Việt Nam hội nhập với quốc tế mởi quy mô sản xuất của doanh nghiệp Việt vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý về chất lượng hàng hóa còn nhiều khó khăn. Việc áp dụng công nghệ cao vẫn chưa triệt để. Tới đây hàng hóa Việt Nam sẽ hội nhập toàn cầu, nhất thiết phải áp dụng công nghệ cao thì mới có sức cạnh tranh.

Vậy các chính sách của Bộ Công Thương có ưu tiên cho ngành bán lẻ không, thưa ông?

Ông Trần Nguyên Năm: Bộ Công Thương có nhiều chính sách khuyến khích ngành bán lẻ phát triển, hàng năm phía Bộ đều phối hợp với ngành bán lẻ có những cuộc họp thảo luận các biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp Việt. Phải tìm cơ chế chính sách, vấn đề hỗ trợ không trái với WTO. Trong cuối tháng này Bộ sẽ họp bàn để có những biện pháp giải quyết vấn đề hội nhập của ngành bán lẻ.

Điển hình gần đây, Bộ Công thương tích cực kết nối nhà sản xuất và phân phối với nhau đưa hàng hóa Việt vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ như việc tìm đầu ra của quả vải, thanh long, nhãn…và đã đạt được những thành công nhất định.

Ông Phạm Đình Đoàn (Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái):

Không thể chậm rãi được nữa!

Chúng ta đang phải đối mặt với sự chuyển dịch mạnh mẽ trong công nghệ bán lẻ, những công nghệ bán lẻ của nước ngoài với thương hiệu được xây dựng hàng trăm năm đang tràn vào Việt Nam. Chúng ta đang phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh vô cùng khốc liệt.

Hội nhập không nói ngược lại được, chúng ta không hội nhập với thế giới thì họ cũng đóng cửa với chúng ta. Chúng ta phải thừa nhận dần dần rằng phải hội nhập, hội nhập rất sâu. Các doanh nghiệp cũng phải lựa chọn, trước tiên liên doanh –liên kết nước ngoài 1-30%, học được công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp nước ngoài để cùng phát triển. Chính sách nhà nước cũng cần cởi mở, với các doanh nghiệp nước ngoài có cổ phần thì cũng coi như đó là doanh nghiệp việt nam. Đó tạo ra sự bềnh vững thật, nếu không rất khó để phát triển tăng tốc được, trong bối cảnh hiện nay không thể chậm rãi được nữa.

Đối với Việt Nam, khi kinh tế mở, Việt Nam cam kết hội nhập, các doanh nghiệp phải đối diện trực tiếp với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, chuyển dịch công nghệ bán lẻ, lĩnh vực logictics, hướng đi như nào, chính phủ có hỗ trợ cụ thể làm sao cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp cũng phải tự lựa chọn trước hướng của mình, tránh việc chưa có tính toán cẩn trọng, đầu tư tràn lan vào lĩnh vực có cạnh tranh lớn dẫn đến rủi ro, phá sản.

Chúng ta có tính đến bảo hộ bán lẻ, tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có quy mô nhỏ sau 7-10 năm bảo hộ các doanh nghiệp này vẫn chưa lớn được. Việt Nam sắp tới hội nhập, chúng ta phải chọn một giải pháp, một thực đơn phù hợp cho các doanh nghiệp trong nước để làm sao cùng sống cùng tồn tại với thế giới.

>>>Ngành bán lẻ "bơi" thế nào trong hội nhập? 

Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên