MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu phải thoái vốn khỏi mảng phân phối và bán lẻ, FPT được lợi gì?

12-04-2015 - 23:54 PM | Doanh nghiệp

Nếu tách/bán FPT Trading và FPT Retail, FPT sẽ có trên 90% doanh thu đến từ công nghệ và viễn thông thay vì chỉ hơn 30% như hiện tại.

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của CTCP FPT , ông Trương Gia Bình – Chủ tịch của công ty đã chia sẻ về việc thoái bớt vốn khỏi FPT Trading, FPT Retail và tách thành 2 mảng riêng biệt.

Trước định hướng này, nhiều cổ đông không khỏi thắc mắc khi phân phối và bán lẻ vẫn là mảng đem lại doanh thu lớn nhất cho FPT.

FPT – Doanh thu chính đến từ thương mại

Với tổng doanh thu 35.645 tỷ đồng đạt được trong năm 2014, mảng phân phối đã chiếm 17.504 tỷ đồng (gần 50%) và mảng bán lẻ là 5.226 tỷ đồng (gần 15%). Phần còn lại, mảng công nghệ đạt 7.038 tỷ - chiếm 20%, viễn thông đạt 4.728 tỷ đồng – chiếm 13%. Và nếu như doanh thu công nghệ năm 2014 chỉ tăng trưởng 8% , viễn thông tăng 14% thì phân phối và bán lẻ đều đạt được sự tăng trưởng rất mạnh mẽ.

Mảng thương mại (phân phối - bán lẻ) thường chiếm trên 60% tổng doanh thu hàng năm của FPT

Mảng thương mại (phân phối - bán lẻ) thường chiếm trên 60% tổng doanh thu hàng năm của FPT. Nếu tách/bán FPT Trading và FPT Retail, FPT sẽ có trên 90% doanh thu đến từ công nghệ và viễn thông thay vì chỉ hơn 30% như hiện tại.

Theo báo cáo thường niên của FPT, công ty phân phối các sản phẩm công nghệ của Apple, IBM, Lenovo, Microsoft, HP, Nokia, Toshiba…, đồng thời sản xuất các sản phẩm công nghệ thương hiệu FPT như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng thông qua công ty con là Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) với vốn điều lệ 600 tỷ.

Trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm công nghệ, thông qua CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) có vốn điều lệ 151,298 tỷ đồng (FPT sở hữu 84,27%), FPT cung cấp các sản phẩm máy tính, máy tính bảng, điện thoại, phụ kiện, các sản phẩm của Apple theo hình thức chuỗi cửa hàng bán lẻ đặc thù của hãng với 163 cửa hàng FPT Shop trên cả nước.

Nhờ xu hướng dịch chuyển từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và lĩnh vực bán lẻ tiếp tục nhân rộng quy mô chuỗi cửa hàng, doanh thu khối phân phối - bán lẻ năm 2014 của FPT đạt 22.730 tỷ đồng – tăng 31% so với năm 2013.

Riêng mảng bán lẻ, doanh thu có sự tăng trưởng mạnh mẽ tới 78% lên 5.226 tỷ đồng. Mảng phân phối mobile, doanh thu tăng 19% lên 10.210 tỷ đồng. Mảng phân phối IT tăng 24% lên 7.294 tỷ đồng.

Bán lẻ tiếp tục có sự đột phá về lợi nhuận khi năm 2014 có lãi 41 tỷ trong khi năm trước lỗ 32 tỷ. Lợi nhuận chung từ khối phân phối – bán lẻ là 589 tỷ đồng – tăng 46% nhưng phân phối mobile chỉ tăng 9%, đạt 351 tỷ đồng, phân phối IT tăng trưởng mạnh hơn với 71%.

Năm 2015, FPT tiếp tục đặt kế hoạch khối phân phối và bán lẻ là 25.510 tỷ đồng – tăng 12% so với năm trước, LNTT là 698 tỷ - tăng 18% so với năm 2014.

 

Kết quả kinh doanh 2013-2014 của Khối Phân phối - Bán lẻ

Kết quả kinh doanh 2013-2014 của Khối Phân phối - Bán lẻ

Thoái vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail, FPT tập trung đầu tư mảng công nghệ, viễn thông

Chủ trương của FPT trong thời gian tới là thoái bớt vốn khỏi FPT Trading, FPT Retail và tách thành 2 mảng riêng biệt.

Ông Trương Gia Bình cũng cho biết, về vấn đề này, FPT đã thảo luận với các cổ đông lớn để lựa chọn phương án thích hợp. Việc giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Trading và FPT Retail nhằm thúc đẩy tăng trưởng của khối công nghệ và viễn thông cũng như tạo động lực tăng trưởng mới cho FPT Trading và FPT Retail.

Nhưng nếu không còn phân phối và bán lẻ, FPT sẽ như thế nào?

Mảng phân phối hiện và bán lẻ hiện chiếm trên 60% tổng doanh thu hàng năm. Do vậy, nếu không hợp nhất kết quả kinh doanh của khối này thì doanh thu sẽ là chỉ tiêu bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tất nhiên, trong trường hợp bán bớt phần/toàn bộ vốn tại FPT Trading và FPT Retail, FPT sẽ ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường từ bán cổ phần.

Dù mất đi phần lớn doanh thu trong ngắn hạn nhưng bù lại các chỉ số tài chính của FPT sẽ tốt hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn. Đây cũng chính là những kỳ vọng của những nhà đầu tư muốn FPT tách mảng kinh doanh thương mại ra khỏi các hoạt động còn lại.

Có thể thấy FPT đang thể hiện sự đầu tư tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi là ngành công nghệ khi chủ trương mỗi năm xem xét 1 - 2 thương vụ M&A để đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ. Trong mảng viễn thông, công ty thực hiện dự án quang hóa, triển khai dịch vụ truyền hình trả tiền qua internet.

Thoái bớt vốn khỏi FPT Trading và FPT Retail, doanh thu và lợi nhuận từ phân phối – bán lẻ hẳn sẽ giảm dần tỷ trọng trong kết quả chung của FPT. Liệu đến một ngày nào đó, trong cơ cấu doanh thu của FPT, công nghệ và viễn thông sẽ trở thành cái tên chính?

Khối Công nghệ bao gồm FPT Software, FPT IS và FPT Services | Khối Viễn thông gồm FPT Telecom và FPT Online | Khối Phân phối - Bán lẻ gồm FPT Trading và FPT Retail.

Khối Công nghệ bao gồm FPT Software, FPT IS và FPT Services | Khối Viễn thông gồm FPT Telecom và FPT Online | Khối Phân phối - Bán lẻ gồm FPT Trading và FPT Retail.

Chuyện cũ của FPT: Công ty Công nghệ hay Công ty Bán buôn bán lẻ?

Bảo Ngọc

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên