Ngành cao su: “Tránh bỏ cùng một giỏ”
Đáng ngại hơn là theo nhận định của TCT cao su Việt Nam (VRG), năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Bộ NN – PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, VN đã xuất khẩu 337.000 tấn cao suvới tổng kim ngạch 644 triệu USD, giảm gần 12% về lượng nhưng giảm đến 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 USD/tấn, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2013.
"Chịu đau" vì lệ thuộc
Điều đáng lo ngại là trong khi sản lượng cao su thế giới đang thừa (báo cáo của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cho thấy, trong năm 2014, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ thừa hơn 700 ngàn tấn thì diện tích và sản lượng cao su trong nước lại liên tục tăng (với tổng diện tích cao su cả nước hơn 950 ngàn hécta). Đáng ngại hơn là theo nhận định của TCty cao su VN (VRG), năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia lo ngại hơn lại không phải là giá giảm mà chính là sự phụ thuộc của cao su VN vào một thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ, trong số 337.000 tấn cao su, thị trường Trung Quốc chiếm tới gần 80% thị phần (đó là chưa tính tới con đường xuất khẩu tiểu nghạch) và lẽ đương nhiên khi thị trường Trung Quốc bị “ách tắc” bởi bất cứ lý do gì, mủ cao su ứ động, giá giảm sâu là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề ở đây là, đối với những DN lớn như: Cao Su Phú Riềng, Sông Lô… có tiềm lực kinh tế lớn khi giá xuống thấp, để duy trì vườn cây, nhằm chờ đợi tìm kiếm thị trường mới thay thế họ vẫn có thể tồn tại và phát triển. Nhưng với nông dân làm cao su tiểu điền, nguồn vốn yếu, khi giá xuống thấp, đời sống không đảm bảo thì sự phá bỏ vườn cây gần như là điều tất yếu nếu không muốn kéo dài sự thua lỗ.
Các DN trong ngành thừa nhận rằng, không thể loại bỏ thị trường Trung Quốc, nhưng để thật sự giảm những thiệt hại đáng tiếc như vừa qua thì phương thức giao bán cần phải hiện đại hơn nghĩa là phải ký hợp đồng mua bán trước rồi mới tổ chức canh tác, giao hàng sau. Đơn cử như ở Mỹ, người nông dân ký hợp đồng bán lúa mì trước khi trồng một năm với giá cả, sản lượng, chất lượng được xác định.
Tức là trước khi trồng họ đã tính được lợi nhuận. Sau đó, nông dân mới tổ chức trồng và bán theo hợp đồng. Do vậy, điều chắc chắn nhất để chúng ta tạo nên thế chủ động là cần có những đoàn tham tán thương mại trước tới những quốc gia có tỷ trọng nhập khẩu cao su lớn của VN như Malaysia, Indonesia… để tìm hiểu về bạn hàng cũng như thói quen giao thương của ho, từ đó, mới có cơ sở để soạn thảo hợp đồng, tránh những điều bất lợi như đã từng xảy ra với một số loại nông sản khác: tôm, cá tra…
Gỡ từ chất lượng
Thực tế, đã từ lâu, nhiều DN xuất khẩu cao su đều biết, không nên “bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ”, phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường biên mậu. Bởi DN sẽ có được thị trường ổn định, cơ cấu thị trường xuất khẩu sẽ đa dạng hơn, sẽ đem về cho DN nguồn ngoại tệ mạnh, đặc biệt là USD, tạo điều kiện để DN được vay vốn kinh doanh bằng ngoại tệ có lãi suất bình quân chỉ bằng 1/3 lãi suất vay tiền đồng...
Dẫu vậy, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp khó khăn, bởi nó đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp... trong khi các yêu cầu này không phải DN nào cũng có thể đáp ứng được. Như vậy rõ ràng, “nút thắt” trong chiến lược phát triển thị trường của cao su VN nằm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm để trên cơ sở đó có thể tìm kiếm đa dạng các bạn hàng.
Để gỡ “nút thắt” này, các chuyên gia chorằng bên cạnh việc tăng sản lượng, tăng năng suất cao su thiên nhiên thì việc nâng cao chất lượng khai thác mủ cũng như đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu cần được các DN trong ngành hướng tới.
Năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. |
Tiếp đến, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các nhà máy cần được chuẩn hóa công nghệ và quy trình chế biến, kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đăng ký, bao gồm việc đảm bảo các tiêu chuẩn theo môi trường, lao động. Tập trung thay đổi cơ cấu sản phẩm như chú trọng cách thu mủ cho loại sản phẩm có chất lượng cao SVR 3L (loại sản phẩm này thường có giá cao hơn) và đây là loại sản phẩm được tiêu thụ phổ biến trên thế giới (chiếm 60% sản lượng tiêu thụ).
Còn ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, Tổng giám đốc Tập đoàn Cao su VN cho biết, ngành công nghiệp cao su cần được đẩy mạnh đầu tư và tập trung vào các sản phẩm nhúng như găng tay, chỉ sợi, nệm là các sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu và có sức cung cao ở thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cần mở rộng và đầu tư chiều sâu cho chế biến nguồn gỗ cao su để nâng tỷ trọng gỗ tinh chế và đa dạng hóa các sản phẩm từ gỗ cao su, trong đó đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đã qua chế biến. Tăng cường công tác quản lý chất lượng cao su cả nước để nâng cao uy tín sản phảm cao su VN, tăng tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tiến tới xây dựng thương hiệu cho cao su VN.
>> Hiện tượng chặt cao su: Cần thông tin rõ để nông dân bình tĩnh
Theo Mai Thanh