Ngành dệt may: Doanh nghiệp FDI kiểm soát 60-70% kim ngạch nhập khẩu lẫn xuất khẩu
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,5%/năm giai đoạn 2008 – 2013, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dệt may cao nhất thế giới.
Nhắc đến dệt may, nhiều người nghĩ ngay đến những lợi thế của ngành này khi Việt Nam đang trên đường ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,5%/năm giai đoạn 2008 – 2013, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dệt may cao nhất thế giới.
Trước đây, từ những năm 2000 – 2001, hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ năm 1994 đã tạo nên cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong việc xuất khẩu. TPP là cơ hội còn lớn hơn thế nhiều lần với thị trường mở rộng ra gần như toàn thế giới. Và lợi thế hơn nữa là Trung Quốc – đối thủ chính của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may hiện không có cơ hội ký kết TPP.
Trong cuộc trao đổi gần đây tại báo Diễn đàn đầu tư, ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết khi gia nhập TPP, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ mang lại lợi thế. Hiện mức thuế suất hiện nay của Hoa Kỳ là 17 – 18%. "Trước đây, lợi nhuận chỉ khoảng 3% khi chủ yếu là gia công, thị trường EU, FTA giảm thuế, cơ hội mở ra là vô cùng lớn. Tập trung phần may, từ nay chúng ta phải tập trung phần sợi", ông Việt cho biết thêm.
Những con số
Đón đầu triển vọng ký kết TPP, rất nhanh chóng, Việt Nam trở thành thị trường đầu tư hấp dẫn đối với dòng vốn FDI dệt may. Việt Nam tuy ý thức được cơ hội cực lớn từ hiệp định này, nhưng vẫn tỏ ra dè dặt và đang dần bị các doanh nghiệp ngoại lấn lướt.
Đã có một làn sóng lớn các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Mỹ…. tìm cách đầu tư vào sợi dệt nhuộm tại Việt Nam. Việt Nam có nguy cơ trở thành phương tiện để các hãng dệt may nước ngoài “mượn” để xuất khẩu. “May nhờ, xuất khẩu hộ” là từ mà người ta vẫn hay dùng để chỉ hiện tượng này.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước sang các thị trường đạt 15,51 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 7,4 tỷ USD, tương đương 60% kim ngạch xuất khẩu nói trên. Về nguyên liệu dệt may, 9 tháng đầu năm khối doanh nghiệp FDI cũng chiếm từ 60-70% kim ngạch nhập khẩu mỗi loại. Trong đó xơ sợi dệt và bông các loại ở tỷ lệ 64,6%.
Ngày 6/10, Tập đoàn TAL của Hongkong lên kế hoạch đầu tư 200 triệu USD vào giai đoạn 1, nhà máy dệt may tại Hải Dương. Giai đoạn 2, giá trị đầu tư có thể lên tới 400 triệu USD. Ngoài TAL, có thể kể đến Texhong (Trung Quốc), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo)… là các tên tuổi thuộc lĩnh vực dệt may đã và đang tính chuyện rót vốn vào Việt Nam.
Nguy cơ doanh nghiệp ngoại thắng trên sân nhà
Thu hút đầu tư luôn là một trong những chỉ tiêu đo lường sức hút của một nền kinh tế. Thế nhưng, nhìn vào bản chất những khoản đầu tư vào lĩnh vực dệt may dấy nên không ít lo ngại.
Các công ty nước ngoài với thế mạnh về vốn và công nghệ đã nhanh chóng khiến rất nhiều doanh nghiệp Việt nhỏ và vừa khó tiếp cận được đơn hàng gia công trực tiếp từ nước ngoài, thậm chí đẩy các doanh nghiệp này vào tình trạng phải nhận lại gia công từ các doanh nghiệp FDI.
Trong 10 doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất 8 tháng đầu năm 2014 (số liệu được thống kê bởi Hiệp hội Dệt may Việt Nam), có tới 7 doanh nghiệp FDI, trong đó có 4 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Rõ ràng, doanh nghiệp ngoại đang dần chiếm ưu thế so với doanh nghiệp nội.
TPP không phải là cây đũa thần
Nếu ký kết TPP, xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam thực sự được gì, khi các doanh nghiệp Việt vẫn đang chịu sự cạnh tranh, lấn lướt của các doanh nghiệp FDI?
Xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Hoa Kỳ
FPTS tổng hợp
Trong buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Vinatex, đại diện Vinatex cho rằng TPP không phải là cây đũa thần. Nó không mang lại những lợi thế tuyệt đối cho ngành dệt may Việt Nam.
Như đã phân tích ở trên, ngay cả khi TPP đang dừng lại ở vòng đàm phán, Dệt may Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu và bị doanh nghiệp ngoại lấn lướt ngay trên sân nhà.
Một trong những điều khoản của TPP đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu là phải xuất phát từ sợi được sản xuất trong nước hoặc quốc gia khác có tham gia TPP. Trong khi đó, 88% nhu cầu về nguyên liệu của dệt may Việt Nam là từ nước ngoài, phần lớn lại không nằm trong TPP. Chính vì thế, việc xây dựng một chuỗi cung ứng là cực kỳ cần thiết.
Với những doanh nghiệp lớn, việc xây dựng chuỗi cung ứng là điều không quá khó khăn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, có thể gia nhập công đoạn của chuỗi cung ứng, để tránh những vấp váp về sau trên đường hội nhập.
Bài viết cùng chủ đề Vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp FDI:
> Doanh nghiệp ô tô FDI không tạo cơ hội cho phụ tùng Việt tham gia chuỗi sản xuất?
> Ông Đặng Thành Tâm: Sẽ bùng nổ làn sóng mới hút vốn đầu tư nước ngoài
> Top 10 hàng xuất nhập khẩu có hàm lượng FDI cao nhất 9 tháng đầu 2014
> Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư Nhật và Hoa Kỳ
Hoàng Lan
Tài chính Plus