MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành than lại “đòi” điều chỉnh thuế

02-05-2013 - 16:07 PM | Doanh nghiệp

Cho rằng xuất khẩu than đang không có lãi và không thể bù đắp cho giá than bán vào ngành điện, Vinacomin một lần nữa vừa chính thức đề nghị được điều chỉnh cơ chế thuế suất thuế xuất khẩu than.

Không lãi

Cần nhắc lại rằng, chỉ cách đây hơn 6 tháng và bắt đầu từ ngày 11.10.2012, thuế XK than đã được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm về mức 10% thay vì mức 20% trước đó. Ở thời điểm trên, việc giảm thuế XK được cho sẽ giúp Tập đoàn Than và Khoáng sản VN (Vinacomin) XK được sản lượng dự kiến là 6,5 triệu tấn.

Quyết định giảm thuế XK rõ ràng mang lại hiệu quả. Trao đổi với Báo Lao Động, Phó TGĐ Vinacomin - ông Nguyễn Văn Biên - cho hay, nhờ thuế giảm, lượng than XK sau thời điểm điều chỉnh thuế tăng, tính đến cuối năm 2012, lượng than tồn kho giảm tới 2 triệu tấn. Đến cuối tháng 3.2013, ngành than còn tồn kho 6,4 triệu tấn.

“Song với giá than XK hiện nay sau khi trừ 10% thuế XK và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ cũng chỉ đủ bù đắp giá thành, không thể bù được than cho điện như trước đây nữa” - ông Biên nói. Được biết, trong 3 tháng đầu năm, số than bán cho điện thấp hơn giá thành năm 2013 tới 34-37% (tức chỉ bằng 63-66%), tương đương khoảng 1.500 tỉ đồng. Theo Vinacomin, giá bán hiện nay cũng chỉ tương đương khoảng 85-87% giá thành năm 2013.

Dẫn hai yếu tố giá bán than cho điện dưới giá thành và giá than XK hiện tại chỉ đủ bù đắp chi phí, ông Nguyễn Văn Biên cho rằng, ngành than hiện nay hầu như không có nguồn vốn tích lũy. “Thực tế, nguồn vốn tích lũy của Vinacomin từ năm 2011 về trước tương đối ổn định là do giá than XK ở mức cao” - ông này nói.

Điệp khúc tăng giá, giảm thuế?

Ngành than khẳng định họ không ngồi yên trước khó khăn, theo ông Biên, Vinacomin trong suốt 3 tháng đầu năm quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí đầu vào cho sản xuất và rà soát tiết kiệm chi phí đầu tư. Hiện Vinacomin chỉ khai thác 70-80% sản lượng bình quân một quý ở các mỏ có điều kiện khó khăn, giá thành kế hoạch cao nhằm duy trì việc làm cho người lao động ở mức tối thiểu. Tập trung huy động sản lượng cao, thậm chí tới 150% ở các mỏ thuận lợi, giá thành thấp.

Tuy nhiên giải pháp này không thể kéo dài vì gây sức ép về nguồn tài nguyên đồng thời dồn khó khăn cho kỳ sau ở các mỏ giá thành thấp trong khi, nếu kéo dài việc dãn hoặc dừng sản xuất ở các mỏ giá thành cao sẽ dẫn đến công nhân không có công ăn việc làm, hệ lụy rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc duy trì năng lực sản xuất, mục tiêu đáp ứng than cho nền kinh tế.

Cho rằng giá than bán cho điện thấp làm cho tài chính ngành than “đuối sức”, Vinacomin đưa quan điểm, giá than cho điện được điều chỉnh và chính sách thuế ổn định ở mức hợp lý sẽ giúp cho ngành từng bước ổn định và chuẩn bị nguồn than cho các nhu cầu tăng cao trong các năm tới. “Nếu được điều chỉnh tiếp theo lộ trình bằng giá thành năm 2013 và có lãi, đời sống công nhân mỏ sẽ được cải thiện, ngành than mới có nguồn lực đầu tư phát triển, đáp ứng than cho nền kinh tế”.

Vinacomin cũng đề xuất xem xét cơ chế thuế suất thuế XK than theo mức giá than trên thị trường thế giới bình quân hàng quý. Cụ thể, thuế suất sẽ là 10% khi giá than bình quân (tính theo loại cám 11AHG) dưới 75USD/tấn, tăng lên 15% khi giá than từ 75 đến dưới 85USD/tấn và lên 20% khi giá than vượt trên 85USD/tấn. Cơ chế thuế suất này, vừa minh bạch trong tính toán, vừa hỗ trợ ngành than chủ động sản xuất và ký hợp đồng tiêu thụ, tránh việc hợp đồng ký rồi sau đó do thuế tăng, vừa không bán được hàng vừa bị phạt.

“Ở thời điểm hiện nay, nếu thuế XK chỉ tăng thêm 1%, ngành than sẽ phải tính toán xem có tiếp tục XK than nữa hay không” - ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ.

Điều dư luận quan tâm là, với các đề xuất trên, và khi mà giá than bán vào điện vừa tăng thêm 21-22% (so với giá thành) kể từ ngày 20.4 cộng với kỳ vọng giá than bán vào điện có thể tăng bằng giá thành năm 2013, giá điện có chịu đứng im?

Dù sản xuất 11,7 triệu tấn và tiêu thụ được 10,7 triệu tấn than trong quý I, Vinacomin dự kiến sẽ chỉ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước được khoảng 3,1 triệu tấn trong tháng 4, bằng 80% tháng 3. Tổng sản lượng than tiêu thụ cả năm 2013 dự báo sẽ giảm mạnh và có thể chỉ đạt thấp nhất 41,5 triệu tấn so với kế hoạch 43 triệu tấn. (C.Văn)

Theo Văn Nguyễn

thunm

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên