MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị định 42: Hành lang pháp lý mới cho ngành bán hàng đa cấp

23-07-2014 - 15:36 PM | Doanh nghiệp

Điểm khởi động khi Nghị định này có hiệu lực là tất cả các DN có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC.

Trước đây, một số DN không tuân thủ các quy định pháp luật, người tham gia bán hàng đa cấp (BHĐC) cũng như hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động này còn có nhiều bất cập dẫn tới làn sóng phản đối mạnh mẽ từ dư luận.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - Nghị định 42/2014/NĐ-CP ra đời sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN BHĐC chân chính hoạt động.

Thắt chặt khâu quản lý...


Nếu như Nghị định cũ chỉ có 4 chương 25 điều, bao quát toàn bộ các vấn đề liên quan đến BHĐC thì Nghị định mới được ban hành lại có đến 7 chương 37 điều, giúp cụ thể hóa các vấn đề đã nêu cũng như bổ sung những quy định mới như thông báo đến các địa phương trước khi tổ chức hoạt động BHĐC; xin giấy phép cho tất cả hội thảo, hội nghị và hội họp; đào tạo và cấp chứng chỉ cho người tham gia BHĐC theo mẫu của Bộ Công Thương; cấp thẻ thành viên cho người tham gia BHĐC; quy định về mô hình trả thưởng... Đặc biệt, Nghị định 42 buộc các DN phải nâng mức ký quỹ từ 1 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng và phải được xác nhận bằng văn bản của Ngân hàng về việc ký quỹ này.

Điểm khởi động khi Nghị định này có hiệu lực là tất cả các DN có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, tuy giấy chứng nhận mới chỉ có hiệu lực 5 năm, nhưng các DN có thể xin gia hạn khi muốn tiếp tục gắn bó với thị trường này, đặc biệt đây cũng là thời điểm để cơ quan quản lý đánh giá hoạt động của DN đó và cân nhắc việc gia hạn giấy phép hoạt động.

Việc đưa ra các quy định này giúp cơ quan quản lý có thể rà soát điều kiện hoạt động của DN trong ngành. Ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết: “Nghị định sẽ là hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN BHĐC chân chính, hoạt động tuân thủ pháp luật, có chiến lược sẽ tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế xã hội và giúp sàng lọc những DN bất chính ra khỏi lĩnh vực này”.

Bên cạnh các quy định cho DN chân chính, Nghị định 42 còn “trám đầy” các kẽ hở của Nghị định cũ, triệt đường phát triển của mô hình kim tự tháp núp bóng BHĐC khi cụ thể hóa cách phân biệt hai mô hình dễ gây nhầm lẫn này cũng như nghiêm cấm sự hình thành và hoạt động của mô hình kim tự tháp bằng những chế tài hết sức cứng rắn.

... để phát triển bền vững

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2013, có hơn 1 triệu người tham gia BHĐC, 102 DN đăng ký hoạt động, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh những con số biết nói trong tăng trưởng kinh tế, ngành BHĐC cũng được xem là một trong những ngành đóng góp tích cực cho các chương trình định hướng về cộng đồng: tiêu biểu có thể kể đến Amway, chiếm 30% thị phần kinh doanh của ngành và luôn là DN đi đầu trong các chương trình hỗ trợ y tế và giáo dục cho trẻ em kém may mắn trên cả nước thông qua hàng loạt chương trình hợp tác với Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH và tổ chức Operation Smile Việt Nam.

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc ứng dụng nhanh ngành kinh doanh tiềm năng này là điều tất yếu. Nhưng điều trăn trở của công luận hiện nay là làm thế nào để ngành này phát triển đúng và bền vững. Liên quan đến vấn đề này, ông Mừng cho biết thêm: “Các quy định trong Nghị định 42 đều hướng tới mục tiêu đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHĐC, DN BHĐC và quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tạo một môi trường kinh doanh ổn định, bền vững và bình đẳng”.

Hành lang pháp lý đã có, sự hỗ trợ từ Chính phủ và tán đồng từ cộng đồng đã có, điều các DN BHĐC cần làm là nghiêm túc thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định này nếu như họ thật sự muốn gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam.

>> Mô hình kim tự tháp trong bán hàng đa cấp bị cấm từ 01/07/2014
Theo Vinh Phú

thunm

Báo Lao động

Trở lên trên