“Nhà nước nên trở thành ‘bà đỡ’ cho doanh nghiệp”
Tham gia TPP, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng cũng không thiếu nhiều công ty sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT CTCP Chăn nuôi chế biến xuất nhập khẩu Aprocimex khẳng định, nếu như Việt Nam hội nhập sâu và tiếp tục hội nhập thì Nhà nước sẽ phải điều chỉnh chính sách.
“Khi anh thấy chính sách của anh đã lỗi thời, không phát triển, anh buộc phải thay đổi. Tất nhiên không thể một sớm một chiều”, ông Lý khẳng định.
Vị chủ tịch này nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam vào TPP nếu không có hỗ trợ chính sách thì sẽ là doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất bởi vốn thì ít, xuất khẩu thì giá trị cũng rất thấp như hồ tiêu, cà phê.
Ông băn khoăn: "Nên chăng, hội nhập TPP nhà nước cần có chính sách? Phải quy hoạch từng khu vực như khu vực chế biến, người dân hay chăn nuôi cần có nơi tiêu thụ, bên cạnh đó, nhà nước phải đóng vai trò là “bà đỡ” lúc đầu".
Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Trong khi đó, ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng chia sẻ, nhà nước có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp, như: chính sách về đất đai, tín dụng...
Nhưng ngoài những chính sách của Nhà nước, khi thành lập doanh nghiệp để vào TPP, chính doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ lĩnh vực mà mình cần đầu tư.
"Các doanh nghiệp phải xác định thị trường: cá thì vào thị trường nào, lợn vào thị trường nào...", ông nói.
Ông Trần Duy Khanh cũng cho rằng để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, Nhà nước cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn... đồng thời xóa bỏ các thủ tục phiền hà về phí, lệ phí; tăng cường kiểm tra kiểm soát chống gian lận thương mại, hàng hóa nhập lậu…
Chương trình Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến "TPP trong mắt doanh nghiệp Việt" do chúng tôi tổ chức sáng nay (12/10) tại Hà Nội.
BizLIVE