Nhiều doanh nghiệp FDI coi Việt Nam là quê hương thứ hai
Ông Vũ Tiến Lộc nhận định Việt Nam cần phải cực kỳ nghiêm túc trong việc thu hút FDI, để cho các doanh nghiệp FDI đầu tư tại VN coi đây là quê hương thứ 2 đế họ cống hiến và xây dựng.
Tại toạ đàm "Đẳng cấp quốc tế-Lời giải từ sản phẩm Việt” được tổ chức ngày 1/11, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng trong thời đại hội nhập, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả của doanh nghiệp.
Trong thời hội nhập mỗi sản phẩm Việt là một vị đại sứ tại nước ngoài
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định suy cho cùng tái cấu trúc nền kinh tế cũng chỉ là tái cơ cấu từng doanh nghiệp. Vậy thì câu chuyện được đặt ra là làm sao doanh nghiệp có sức mạnh tài chính, công nghệ…để có thể chinh phục được thị trường ngoại, góp phần làm giàu đất nước.
Ông Lộc kể, vừa rồi Samsung công bố 170 linh kiện cần nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được. Trước đó, ngay cả Canon, Sony…cũng đã có nhu cầu về nhiều linh kiện lắp ráp ở Việt Nam.
"Nói doanh nghiệp Việt không làm được con ốc vít, cục sạc…cho samsung là đã động đến lòng tự ái của doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam. Trên thực tế không phải là như vậy, Việt Nam có thể làm được. Người lao động Việt Nam với sự thông minh, nhanh nhạy hoàn toàn có thể làm hơn thế”, ông Lộc lạc quan.
Ông Lộc khẳng định, nếu nói doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được các phụ kiện cho Samsung, Canon, Sony…là không đúng với thực trạng, trình độ của các doanh nghiệp Việt.
Như vậy, vấn đề đặt ra là khả năng là có nhưng làm sao Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, công nghệ cao của thế giới từ đó sáng tạo ra chuỗi giá trị riêng cho doanh nghiệp Việt.
Ông Lộc kể: Tôi đã từng sang Ấn Độ, giờ giải lao có ra khu bán hàng của một khách sạn 5 sao tại đây và có một cô bán hàng hỏi tôi có phải người Nhật Bản không? Tôi nói tôi là người Việt Nam thì cô ấy hỏi luôn Việt Nam ở đâu ông nhỉ? Tôi cảm thấy vô cùng tự ái, hỏi tại sao cô không biết Việt Nam.
Sau đó, tôi hỏi tại sao cô biết Nhật bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong…mà không biết Việt Nam thì được cô gái trả lời rằng cô ấy biết Hàn Quốc bởi ngày nào cũng nhìn thấy xe ô tô của nước này chạy trên đường, cô ấy biết Nhật Bản bởi các sản phẩm được bán nhiều trong khách sạn 5 sao, cô ấy biết các nước này qua sản phẩm của họ… Cô ấy giải thích không biết Việt Nam vì không có những sản phẩm nổi tiếng ở đây.
Ông Lộc kết luận: "Trong hội nhập kinh tế toàn cầu, những vị đại sứ của Việt Nam ở nước ngoài không ai khác đó là các sản phẩm Việt, các sản phẩm Made in Việt Nam”.
Phải làm cho các doanh nghiệp FDI tin tưởng coi Việt Nam là quê hương thứ hai
Ông Lộc cho rằng thời thế bây giờ đã thay đổi. Lao động Việt Nam đã có đủ sự sáng tạo, khéo léo để làm ra các sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi các giá trị toàn cầu.
"Tháng 4 vừa rồi, Tổng Thống Mỹ có đến một cửa hàng ở New York mua quà cho vợ và đã chọn một chiếc áo jacket thể thao có hiệu Việt Nam. Tất nhiên đây không phải là sản phẩm của Việt Nam nhưng nó do người Việt Nam làm ra. Sản phẩm Việt có thể chinh phục cả Tổng thống Mỹ nên tôi tin Việt Nam có thể làm được rất nhiều điều hơn thế nữa trong tương lai”, ông Lộc nhận định.
Theo đó, ông Lộc cho hay có rất nhiều người Việt đến các cửa hàng trên thế giới đã chọn những sản phẩm đẹp nhất mua về làm quà nhưng về nhà lật ra thấy mác Made in Việt Nam.
Mặc dù thời gian gần đây đã có biến chuyển về việc hàng Việt Nam ra thế giới, Viettel đang là một hiện tượng công nghệ của Việt Nam, trong thời gian qua phát triển cực kì mạnh thắng thầu ở nhiều thị trường lớn trên thế giới. Là hiện tượng sống động của viễn thông Việt Nam.
Tuy nhiên xét về công nghệ, năng lực quản trị của Việt Nam vẫn còn yếu kém hơn nhiều nước trong khu vực. Thực trạng, trình độ quản trị vẫn còn rất thấp. Trong những năm qua doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, chưa khuyến khích sáng tạo, chưa đánh giá đúng vai trò của công nghệ với sản xuất, kinh doanh...
Ông Lộc cho rằng chừng nào kinh doanh ở Việt Nam vẫn dựa trên quan hệ nhiều, vẫn tập trung vào đầu cơ ngắn hạn, làm ăn chụp giật còn mang lại hiệu quả nhanh hơn, các doanh nghiệp Việt còn có xu hướng không sử dụng công nghệ để có thể chiến thắng trên thị trường. Đó là nguyên nhân sâu xa khiến doanh nghiệp không quan tâm đến quản trị và đổi mới công nghệ.
"Chúng ta đang thay đổi, mọi khoảng cách sẽ được xoá mờ. Trong xu thế mở cửa hội nhập mạnh mẽ, thời gian tới chúng ta sẽ là thành viên của các tổ chức thương mại thế giới. Trong môi trường đó sẽ cần đến sự cạnh tranh, công nghệ và sự khác biệt giá cả. Đến lúc đó công nghệ có vai trò cực kì quan trọng là động lực của cạnh tranh. Lúc đó doanh nghiệp phải thực sự có bài toán để giải quyết vấn đề mang tính cốt lõi này”, ông Lộc phát biểu.
Ông Lộc khẳng định, có công nghệ thì kinh tế Việt Nam sẽ đổi khác có thể tạo ra các sản phẩm "Made by Việt Nam" tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không chỉ là các sản phẩm "Made in Việt Nam” như trước.
Ông Lộc kể: Tuần trước, tôi có trao đổi với Samsung Việt Nam và nhiều doanh nghiệp FDI khác, họ đều bày tỏ coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình nên cần có trách nhiệm xây dựng quê hương này. Tôi đề nghị các tập đoàn xuyên quốc gia không nên chờ đợi ai có khả năng cung cấp thì chấp nhận mà cần giúp đỡ doanh nghiệp Việt, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt và đồng hành với họ. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào các chuỗi cụng ứng cho các doanh nghiệp FDI như vậy mới thực sự tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Trần Việt Thanh cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trình độ công nghệ còn rất lạc hậu. Hơn 88% doanh nghiệp có trình độ công nghệ trung bình. Tỷ lệ đầu tư cho đổi mới công nghệ ở Việt Nam chỉ chiếm 2% trong khi Hàn Quốc lên tới 10%."Ngành dầu khí, hàng không, tài chính ngân hàng….phần lớn doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu từ 2-3 thế hệ so với thế giới"
Ông Thanh nhận định, trong môi trường cạnh tranh, hội nhập ngày càng sâu rộng đổi mới công nghệ ngày càng bức thiết và có ý nghĩa sống còn với nhiều doanh nghiệp.
Hướng Dương