Nhiều đơn hàng xuất khẩu cho năm 2015
Đến thời điểm này, doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu thuộc nhiều ngành hàng đã hoàn thành các hợp đồng năm 2014. Đồng thời, một số DN đã có đơn hàng mới cho năm 2015.
Về đích trước hạn
Năm 2014, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng các DN may xuất khẩu vẫn đạt được chỉ tiêu đề ra của năm. Theo ông Hà Mạnh Đạt, Chánh văn phòng Tổng Công ty Đức Giang, đến thời điểm này, Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất cả năm 2014. Dự kiến đến hết tháng 12 sẽ đạt hơn 120% kế hoạch năm, đạt doanh thu 2.068 tỷ đồng. “Chúng tôi chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn”, ông Đạt cho biết.
Còn theo ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty May Tuấn Đạt (Tam Kỳ, Quảng Nam), doanh thu của công ty năm 2014 ước đạt 412 tỷ đồng, tăng hơn năm 2013 khoảng 77 tỷ đồng. “Năm nay, bên cạnh thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, chúng tôi đã có thêm khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Khách hàng ở những thị trường này khá khó tính nhưng đơn hàng thường ổn định và lâu dài”, ông Doãn cho biết.
Theo các chuyên gia trong ngành dệt may, năm 2014 xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khá nhờ thị trường được mở rộng. Tính chung 11 tháng năm 2014 so với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,18 tỷ USD, tăng 18,2%; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 19,2%.
Trong khi đó, nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng đã xuất sắc “về đích” vào ngày 10/12 vừa qua với kế hoạch sản xuất 800.000 tấn urê của năm 2014. Sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ cũng đã được xuất sang các thị trường “khó tính”, có yêu cầu khắt khe về chất lượng như New Zealand, Jordan, châu Âu...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2014 của cả nước tăng 13,7% so với cùng kỳ (tương ứng tăng xấp xỉ 16,5 tỷ USD). Xuất khẩu của khối DN trong nước đạt mức tăng trưởng khá (tăng 13%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của 11 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các DN trong nước.
Đã có đơn hàng cho năm sau
Tín hiệu khả quan đối với hoạt động xuất khẩu là nhiều DN hiện đã có đơn hàng cho cả năm 2015. Công ty May Tuấn Đạt hiện đã nhận được 90% đơn hàng, đảm bảo sản xuất đến tháng 10/2015. Dự kiến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 50 triệu USD. Công ty đang đầu tư xưởng sản xuất mới để tạo điều kiện cho khoảng 900 lao động mới làm việc sau Tết Ất Mùi. Còn Tổng công ty Đức Giang hiện đã kí kết các đơn hàng đủ để các nhà máy thuộc tổng công ty sản xuất trong cả năm 2015. Dự kiến sản lượng năm 2015 sẽ tăng trưởng 20%, đạt 2.400 tỷ đồng. Bên cạnh việc tập trung vào các thị trường truyền thống thì Đức Giang cũng đang xúc tiến thương mại tại các thị trường châu Phi, Trung Đông...
Đại diện một công ty sản xuất đồ mây tre đan tại Hà Nội chia sẻ, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng sản xuất cho năm 2015 và đang nghiên cứu, nâng cao chất lượng tay nghề của công nhân để có khả năng làm những đơn hàng khó, những mẫu mã mới do khách hàng yêu cầu.
Công ty Gỗ Khải Kha thì lại chọn giải pháp chia nhỏ đơn hàng để tránh rủi ro như đã từng mắc phải với các đơn hàng lớn trong năm 2012. “Thay vì tập trung vào một vài khách hàng truyền thống, lâu dài như trước đây, công ty sẽ chia đơn hàng ra cho nhiều đối tượng khách hàng. Như vậy sẽ không đi lại vết xe đổ mà công ty đã từng gặp phải, ngược lại mở ra cơ hội hợp tác với nhiều khách hàng”, ông Lê Minh Sơn cho hay.
Có thể nói, các DN sản xuất hàng xuất khẩu đã sớm có đơn hàng cho năm mới 2015 khi năm 2014 chưa kết thúc là tín hiệu rất tích cực. Hiện nay, theo định hướng chung của ngành công thương là nên đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh gặp rủi ro vì giá hoặc hàng rào kĩ thuật.
Từ kinh nghiệm của công ty mình, ông Trần Hữu Doãn cho rằng, để mở rộng xuất khẩu hàng dệt may, DN phải chú trọng các yếu tố: chất lượng, giá cả, tiến độ cung ứng cho thị trường và khả năng giải quyết các vấn đề dịch vụ sau bán hàng. Đây luôn là những yếu tố mà người mua dùng để “đo lường” người sản xuất. Vì vậy, để duy trì được sức cạnh tranh, mỗi năm công ty phải cải thiện “thước đo” của mình.
Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của các DN chuyên làm hàng xuất khẩu, khi tình hình sản xuất có dấu hiện phục hồi cũng là lúc nhà cung cấp nguyên liệu “làm giá”. Vì thế, năm 2015, DN cần cẩn trọng khi kí kết hợp đồng, không nên chạy theo cạnh tranh bằng giá xuất khẩu sẽ dễ rơi vào thua lỗ do giá nguyên liệu biến động.
Theo Hoàng Dương