MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhượng quyền thời hội nhập

04-02-2016 - 10:18 AM | Doanh nghiệp

Năm 2015 khép lại với nhiều sự kiện kinh tế quan trọng, có tính bước ngoặt.

Những dịch chuyển trong quan hệ kinh tế toàn cầu thông qua việc hình thành các cộng đồng kinh tế thương mại tự do khiến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu phải đặt lại định nghĩa thị trường, thay đổi chiến lược phát triển, tập trung củng cố và xây dựng năng lực nội tại để thích ứng với những thay đổi lớn mang tính sống còn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp Việt nói chung và ngành nhượng quyền nói riêng, ba sự kiện kinh tế quan trọng nhất làm thay đổi cục diện thị trường là sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, việc đạt được những thỏa thuận mang tính nguyên tắc của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vào tháng 8/2015, và việc kết thúc đàm phán hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 10-2015.

Bất kỳ ngành nghề nào cũng có một chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, bắt đầu từ nguyên vật liệu thô, kết thúc bằng mô hình và dịch vụ cung cấp sản phẩm đã hoàn thành đến tay người tiêu dùng.

Trong hành trình giá trị đó, khi dịch chuyển càng gần đến người tiêu dùng thì giá trị sản phẩm càng lớn, lợi nhuận kinh doanh càng cao. Đó cũng là lý do vì sao các nước đã phát triển như Mỹ, Canada, các nước Tây Âu, Nhật, Úc… tập trung phát triển kinh tế dịch vụ, trong đó có nhượng quyền.

Riêng ngành nhượng quyền đã đóng góp 3% vào tổng thu nhập quốc nội (GDP) và tạo công ăn việc làm cho 8,8 triệu dân Mỹ năm 2015.

Như vậy, khi các hiệp định thương mại tự do ký kết xong, trong khi các nước đang phát triển như Việt Nam xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc sơ chế thì các nước phát triển sẽ xuất khẩu ngược lại mô hình và thương hiệu.

Nhìn từ góc độ toàn cầu, nhượng quyền là ngành phát triển nhất tại Mỹ. Tổng giá trị ngành nhượng quyền toàn cầu năm 2014 là 3,8 ngàn tỉ USD, trong đó 63% giá trị thị trường là tại Mỹ (2,4 ngàn tỉ USD).

Giá trị còn lại chia đều cho một số nước đã phát triển bao gồm Tây Âu, Úc và các thị trường đã phát triển khu vực Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan… Nhượng quyền tại châu Á với tổng giá trị thị trường 0,6 ngàn tỉ USD vẫn còn là một ngành vô cùng non nớt.

Tuy nhiên, nếu bàn về tiềm năng phát triển, điểm đến của tương lai sẽ dừng lại ở nơi đâu? Năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng số lượng chi nhánh nhận quyền tại Mỹ là 1,5%, doanh thu toàn ngành tăng 4,9%.

Trong khi thị trường Mỹ đang dần rơi vào tình trạng bão hòa thì tỷ lệ tăng trưởng chi nhánh nhận quyền tại châu Á cùng năm là 30%, doanh thu toàn ngành tăng 25%. Thế giới đa trọng bắt đầu hình thành rõ rệt kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật, ba chân kiềng của kinh tế thế giới cùng lúc bị chững lại và khu vực những thị trường mới nổi của Đông Âu, Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương, với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, đương nhiên trở thành trọng tâm phát triển của thế giới.

Theo Euromonitor, tốc độ tăng trưởng thu nhập thặng dư tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới từ năm 2015 đến hết năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng gộp là 94,3%.

Còn trong năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng về chi tiêu của châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu thế giới với tỷ lệ 4,6%/năm (tiếp theo là châu Phi và Trung Đông với tỷ lệ 4,3%/năm).

Theo những dự báo này, không cần phải phân tích nhiều cũng có thể đoán được là các mô hình và thương hiệu nhượng quyền từ Mỹ, châu Âu, Úc sẽ không ngừng đổ về châu Á. Trên thực tế, tác giả đang kết nối cho gần 1.000 thương hiệu quốc tế tìm kiếm đối tác nhận quyền tại thị trường châu Á.

Trên cái nền phát triển chung như thế của kinh tế khu vực châu Á, Việt Nam ký kết hai hiệp định kinh tế quan trọng là TPP và EVFTA.

Hai hiệp định này gỡ bỏ rào cản thuế quan giữa nước ta với các quốc gia thành viên EU và 11 nước cộng đồng kinh tế TPP, trong đó có những thị trường nhượng quyền trọng điểm là Mỹ, Canada, Úc, Nhật.

Khi kinh doanh nhượng quyền, doanh nghiệp nhượng quyền xây dựng được nhiều nguồn thu như phí cấp phép ban đầu, phí mở chi nhánh mới, phí nhượng quyền, v.v…, nhưng đáng kể nhất là nguồn thu từ việc cung cấp các nguyên vật liệu, hàng hóa độc quyền theo tiêu chuẩn và quy cách hệ thống.

Do đó, đối tác nhận quyền tại Việt Nam bị bắt buộc phải nhập khẩu một số nguyên vật liệu / hàng hóa theo quy định của doanh nghiệp nhượng quyền để kinh doanh.

Nếu rào cản thuế quan tiền TPP hay EVFTA có thể đẩy giá thành sản phẩm lên rất cao, gây khó khăn cho đối tác nhận quyền tại Việt Nam trong việc tiếp cận và phát triển thị trường, thời kỳ hậu TPP và EVFTA ngược lại sẽ mở ra một cơ hội ngàn vàng cho đối tác nhận quyền phát triển.

Ai trong chúng ta cũng biết doanh nghiệp phải cố gắng rất nhiều trong quản trị chi phí để tiết kiệm từng 1 – 2%. Hãy tưởng tượng chi phí giá thành sản phẩm bỗng nhiên giảm từ 10 – 30% mà doanh nghiệp không cần phải làm gì cả.

Đối tác nhận quyền tại Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả kinh doanh cao hơn. Thị trường đã sẵn sàng. Nhà đầu tư Việt Nam đi tìm mô hình và thương hiệu để mua.

Doanh nghiệp nhượng quyền phương Tây đi tìm nhà đầu tư Việt Nam để bán. Thị trường nhượng quyền từ quốc tế vào nước ta từ 2016 sẽ bắt đầu sôi động.


Xu hướng cửa hàng kết hợp, đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng cùng lúc trong ngành bán lẻ và nhượng quyền. Ảnh: Cửa hàng nhượng quyền Dean & Deluca – mô hình 3 trong 1, cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, cà phê

Xu hướng cửa hàng kết hợp, đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu dùng cùng lúc trong ngành bán lẻ và nhượng quyền. Ảnh: Cửa hàng nhượng quyền Dean & Deluca – mô hình 3 trong 1, cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, cà phê

Tại châu Á, các thị trường đi trước về nhượng quyền như Nhật, Hàn Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore sau thời gian nhập khẩu và học hỏi từ các mô hình nhượng quyền phương Tây, sẽ bắt đầu phản công, tập trung xây dựng mô hình và thương hiệu của riêng mình.

Sau thời gian vận hành và phát triển thành công tại thị trường nội địa rồi, họ đương nhiên bước ra thế giới.

Bỏ qua Trung Quốc đại lục là thị trường chiến lược với độ lớn thị trường đứng thứ hai trên thế giới, điểm đến khu vực đầu tiên là nơi đâu nếu không phải là những thị trường lớn tại Đông Nam Á như Indonesia (249 triệu dân), Philippines (100 triệu dân) và Việt Nam (92 triệu dân)?

Thêm vào đó là sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN với dòng chảy tự do về thương mại.

Sự khép lại của năm 2015 cũng đồng nghĩa với việc mở ra cửa sổ cơ hội mới cho mô hình và thương hiệu nhượng quyền châu Á, với Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên trên bản đồ phát triển khu vực.

Đã làm kinh doanh thì phải có mua và có bán. Quốc tế, khu vực, họ đã sẵn sàng để bán mô hình và thương hiệu cho nước ta trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hôm nay. Ngược lại thì sao? Chúng ta có gì để bán?

Dự đoán từ năm 2016 trở đi, sẽ có hai luồng chuyển động chính trên thị trường nhượng quyền địa phương.

Luồng thứ nhất là các doanh nghiệp Việt đã có lịch sử hoạt động kinh doanh, nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của thương hiệu và mô hình, bắt đầu xây dựng hoặc chuyển đổi thành mô hình dịch vụ.

Một số lớn các doanh nghiệp sau khi xây dựng và chuyển đổi mô hình, sẽ sử dụng hình thức nhượng quyền mà phát triển.

Luồng thứ hai là phong trào khởi nghiệp của các doanh nhân trẻ, với mục tiêu xây dựng mô hình nhượng quyền ngay từ bước đầu tiên. Thị trường trong tương lai sẽ xuất hiện các quỹ đầu tư, tập đoàn hùng mạnh về tài chính chuyên cho lĩnh vực nhượng quyền.

Họ có thể là tập đoàn nội địa hoặc nước ngoài, chuyên thẩm định và mua bán – sáp nhập (M&A) các mô hình khởi nghiệp tiềm năng, mang thương hiệu đi xa hơn, khắp lãnh thổ Việt Nam hoặc ra thế giới qua hình thức nhượng quyền.

Cùng với kiến thức về nhượng quyền ngày một nâng cao, doanh nghiệp từ rất nhỏ đến rất lớn sẽ dần dần tham gia nhiều hơn vào thị trường nhượng quyền nội địa.

Các mô hình nhượng quyền vi mô (micro-franchising) với vốn đầu tư rất thấp và số lượng nhân viên hạn chế, các mô hình nhượng quyền công việc (job franchise – người chủ mua nhượng quyền cũng là người duy nhất triển khai kinh doanh) sẽ bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam.

Năm 2016, năm của những thay đổi mang tính nền tảng và cũng là năm của nhiều khởi đầu ngoạn mục cho ngành nhượng quyền Việt Nam.

 

 

Theo Nguyễn Phi Vân

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên