Ông chủ điện máy Trần Anh nói về tham vọng “bành trướng” thị trường nông thôn
Theo ông chủ của Trần Anh, năm 2013 sẽ mở phủ kín địa bàn Hà Nội, năm 2014 và 2015 sẽ phủ kín các tỉnh thành khác ở phía Bắc.
Khi nói về bí quyết để có được thành công như ngày hôm nay ông Trần Xuân Kiên – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) đã khiêm tốn cho rằng, ông cũng như tập thể cán bộ công nhân viên công ty không có bí quyết gì ngoài sự nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện tổ chức và mở rộng qui mô để phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Với chiến lược tấn công vào thị trường nông thôn chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn, điện máy Trần Anh đã có mặt tại 5 tỉnh phía Bắc (bao gồm: Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình và mới đây nhất là Nam Định).
>>Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10>>Doanh nghiệp kể chuyện thương trường |
Sở dĩ Trần Anh tự tin như thế là do: “Theo quan sát và phân tích của chúng tôi thì mật độ siêu thị điện máy ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh đã khá dày đặc, nhu cầu mua sắm mới của người dân ở 2 thành phố này cũng không có sự tăng trưởng đột biến do khách hàng đã mua sắm đủ”.
Trong khi ở đa số các tỉnh thành khác thì nhu cầu mua sắm mới còn rất tiềm năng, trong khi thị trường lại chưa có các siêu thị điện máy đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Số lượng và chủng loại mặt hàng điện máy của các cửa hàng địa phương chỉ chiếm khoảng 30-50% chủng loại sản phẩm đang có bán trên thị trường, việc mở các siêu thị điện máy có qui mô lớn và chủng loại hàng hoá phong phú và giá bán cạnh tranh là một nhu cầu thực tế mà người dân ở các tỉnh thành đang mong đợi.
Nói về cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy hiện nay, ông chủ của Trần Anh cho rằng: Thị trường điện máy Việt Nam hiện nay đang ở trong giai đoạn cạnh tranh nhất kể từ khi hình thành, mức độ cạnh tranh rộng trên nhiều phương diện: độ phủ thị trường, thị phần, giá bán, chất lượng dịch vụ... vì đây đang là giai đoạn cạnh tranh mang tính chất đào thải.
Trong vòng 2 năm tới thị trường vẫn sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh mạnh mẽ, quá trình đào thải cũng diễn ra nhanh và khắc nghiệt hơn để hình thành Top 3 doanh nghiệp chiếm thị phần chính và đủ sức đi đường dài. Những siêu thị có năng lực cạnh tranh thấp sẽ phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.
Chính vì thế, cùng với sự tư vấn và hỗ trợ của 2 đối tác chiến lược nước ngoài (trong đó có tập đoàn bán lẻ điện máy Nojima đến từ Nhật bản đã có 55 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện máy), Trần Anh đã chuẩn bị sẵn chiến lược riêng - chúng tôi dự đoán rằng giai đoạn cạnh tranh về bề nổi sắp chấm dứt để bước sang một giai đoạn cạnh tranh mới mang nhiều yếu tố chiều sâu hơn như: chất lượng dịch vụ khách hàng, năng lực quản trị, sự đồng nhất trong toàn chuỗi bán lẻ, hoạch định chiến lược, quản trị chi phí...
“Đây là những năng lực cạnh tranh không thể có một sớm một chiều mà cần một thời gian đủ dài với sự nỗ lực cao độ thì mới có được, chính những năng lực này sẽ quyết định sự tồn tại hay suy vong của các siêu thị điện máy hiện nay.
Vì vậy một mặt chúng tôi vẫn mở rộng qui mô, mặt khác chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện những năng lực cạnh tranh khác theo sự tư vấn và hỗ trợ của 2 đối tác chiến lược rất có kinh nghiệm và tầm nhìn dài hạn.
Đây là chiến lược riêng của Trần Anh đối với thị trường điện máy, vì vậy chiến lược của chúng tôi có thể có những điểm khác biệt so với các siêu thị điện máy khác”.
Đặt câu hỏi: Bức tranh thị trường điện máy Việt Nam trong 5 năm tới sẽ ra sao? những doanh nghiệp vốn lớn mới có thể tồn tại hay vẫn có cửa cho những doanh nghiệp nhỏ mới tham gia thị trường ? Ông Kiên nhận định, trong vòng 5 năm tới thị trường điện máy Việt Nam sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng về sức mua cùng với sự phục hồi của nền kinh tế cũng như điều kiện sống của người dân, tuy nhiên số lượng siêu thị điện máy còn tồn tại sẽ tỷ lệ nghịch với sự tăng trưởng sức mua, chỉ những doanh nghiệp thực sự có sức mạnh mới có thể trụ lại trên thị trường.
Các siêu thị điện máy nước ngoài sẽ gia tăng hoạt động xâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các hoạt động M&A.
Càng ngày cánh cửa dành cho các doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia thị trường bán lẻ điện máy sẽ ngày càng hẹp lại, tuy nhiên đó là nói về việc tham gia thị trường theo chiến lược qui mô, còn việc tham gia thị trường ngách thì không bao giờ là hết cơ hội, các siêu thị qui mô càng lớn càng tạo ra nhiều ngách nhỏ để các doanh nghiệp có tiềm lực hạn chế có thể khai thác và vẫn sống tốt.
Khánh Nhi
Tài chính Plus