Ông Lê Trọng Nhi: ‘Phải xem bảo hiểm tỷ giá là chi phí kinh doanh'
Cơ chế tỷ giá trung tâm vừa được ngân hàng Nhà nước áp dụng từ đầu năm 2016. Cơ chế này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thị trường ngoại hối trong năm 2016 và về sau.
Chúng tôi phỏng vấn chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Trọng Nhi về vấn đề này.
– Cơ chế tỷ giá trung tâm vừa được ngân hàng Nhà nước ban hành, tỷ giá được điều chỉnh hàng ngày sát với cung – cầu thị trường hơn. Lãi suất tiền gửi bằng USD cũng đã giảm về 0%. Theo ông, doanh nghiệp sẽ phải ứng xử thế nào đối với nhu cầu ngoại tệ, cũng như nguồn ngoại tệ nhàn rỗi của mình trước những diễn biến mới về chính sách này?
– Nếu được thực hiện nghiêm túc với những kỷ cương đâu vào đó, tôi cho rằng những công hưởng từ hai chính sách này sẽ đưa đến những kết quả tích cực hơn trong việc quản lý điều hành chính sách tiền tệ – đặc biệt về thị trường ngoại hối trong năm 2016 và về sau.
Đồng thời, có thể hiểu rằng hai chính sách này là một phần của kế hoạch hành động của chương trình thực hiện chống và giảm đôla hoá trong thị trường, và đó là điều cần thiết cho quá trình hướng đến một nền kinh tế với thị trường tài chính sạch và khoẻ nhiều lần hơn hiện nay.
Với hai chính sách này thì doanh nghiệp có những nguồn ngoại tệ nhàn rỗi sẽ không còn nhiều sự lựa chọn khác: Phải tận dụng lãi suất của VND và các công cụ bảo hiểm tỷ giá. Các doanh nghiệp buộc phải tập làm quen với môi trường mới này và doanh nghiệp nào thích ứng càng nhanh càng có lợi về trung và dài hạn.
Tại sao? Đó là vấn đề quản lý tài chính doanh nghiệp. Đã trễ nhưng đừng để trễ thêm trong quản lý tài chính doanh nghiệp. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với chức năng kế toán trưởng và bộ phận kế toán chứ chưa nhận thức đúng vai trò giám đốc tài chính và bộ phận tài chính trong hoạt động kinh doanh.
Có bộ phận tài chính tốt và chuyên nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp ứng xử và thích ứng hơn với môi trường mới này.
– Để dự phòng rủi ro tỷ giá biến động, doanh nghiệp có nên tham gia bảo hiểm tỷ giá, mua bán ngoại tệ kỳ hạn?
– Dường như đây là một trong những vấn đề lạng quạng muôn thuở của các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc có những khoản vay ngoại tệ.
Thị trường có sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm tỷ giá thì có nghĩa là thị trường có những rủi ro tiềm tàng về tỷ giá. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hờ hững hoặc dị ứng với loại bảo hiểm này.
Tại sao thế? Theo nhận xét riêng, có hai nhầm lẫn chính, rút ra từ những ca xử lý mà tôi có dịp tham gia. Đầu tiên, từ thiếu hiểu biết cho đến không chịu tìm hiểu về những rủi ro trong kinh doanh – trong đó tỷ giá biến động là loại rủi ro luôn tiềm ẩn, nhưng phần lớn giới nghiệp chủ Việt Nam thường cố tình liều lĩnh (ẩu tả) né tránh đối diện.
Kế tiếp, từ sự thiếu hiểu biết và liều lĩnh đó đã đưa đến việc cắt giảm chi phí không đúng nơi đúng lúc – không nhận thấy mua bảo hiểm tỷ giá là một phần chi phí kinh doanh.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức nào về những con số tổn thất của các doanh nghiệp vì tỷ giá biến động, nhưng tôi nghĩ rằng những con số này không nhỏ.
– Hội nhập, tất yếu doanh nghiệp sẽ phải làm ăn bài bản hơn. Nghĩa là phải có kế hoạch, trong đó có kế hoạch về ngoại tệ mà giao dịch ngoại tệ kỳ hạn là một công cụ. Theo ông để doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường kỳ hạn, cần có những điều kiện gì (từ phía doanh nghiệp, từ phía ngân hàng đối tác, từ phía chính sách nhà nước)?
– Hẳn nhiên hội nhập là một yếu tố lớn nhưng không có nghĩa rằng vì hội nhập mới cần có và phải kinh doanh bài bản. Đã kinh doanh có liên quan đến xuất nhập khẩu hoặc có những khoản vay ngoại tệ thì vấn đề tỷ giá phải là một điều kiện không thể thiếu trong mỗi giao dịch hoặc trong kế hoạch tài chính – bỏ qua điều kiện này đồng nghĩa với “chính ta tự làm khó ta”. Nói cách khác, không ai khác, chính doanh nghiệp đã tự tạo ra rủi ro cho chính mình.
Thị trường ngoại hối, thông qua các ngân hàng chuyên nghiệp trong lĩnh vực ngoại hối, có những sản phẩm và dịch vụ chống và giảm thiểu những rủi ro đến từ những biến động của tỷ giá.
Chẳng hạn, tuỳ trạng thái ngoại hối và tình hình kinh doanh mà doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong bốn loại giao dịch thông dụng trong thị trường: giao dịch giao ngay (spot), giao dịch kỳ hạn (forward), giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap) và giao dịch quyền lựa chọn (option).
Thiết nghĩ, điều kiện, quan trọng nhất và cũng đơn giản nhất, để tham gia vào thị trường này chính là sự nhận thức và hiểu hiểu biết tối thiểu về sự sống còn của chính doanh nghiệp.
Thế giới tiếp thị