MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGT Holdings: Dẹp Taxi, đi làm chứng khoán

01-04-2016 - 10:09 AM | Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp hầu như không có khoản nợ nào.Trong khi lượng tiền mặt đang nắm giữ lại lớn hơn tổng giá trị vốn hóa đến 80%. PGT đã trở thành hiện tượng khá hy hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam bên cạnh KLS của Chứng Khoán Kim Long.

Dẹp hết Taxi, kinh doanh chứng khoán

Mới đây, CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) trước đó là Công ty Cổ phần Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016. Khá bất ngờ khi bộ máy lãnh đạo mới của công ty, đứng đầu là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kakazu Shogo cho biết trong năm 2016, lĩnh vực kinh doanh trọng tâm được định hướng là kinh doanh chứng khoán.

Tại cuộc họp, HĐQT cho biết lợi nhuận trong năm 2015 của công ty đến từ việc bán lại xe taxi chứ không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính. Ngoài ra, giấy phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mảng taxi của công ty đã bị thu hồi do không có đủ số lượng xe như quy định.

PGT hiện không còn tài sản gì khác ngoài khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng 73 tỷ đồng và các khoản phải thu và các khoản trả trước thêm khoảng 9,3 tỷ đồng. Tài sản cố định cũng không còn gì sau khi đã bán hết xe taxi.

Hoạt động kinh doanh của PGT hầu như không có tăng trưởng mà chỉ thụt lùi qua hàng năm. Hoạt động kinh doanh chính thua lỗ triền miên, mãng Taxi càng duy trì càng lỗ. Năm 2013, doanh nghiệp này có doanh thu 30 tỷ nhưng chỉ riêng chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 34 tỷ đồng. Do đó, đến năm 2014, doanh nghiệp này bắt đầu thanh lý tài sản của mô hình kinh doanh kiểu củ để tránh tình trạng tiếp tục thua lỗ nặng.

Đến năm 2015, công ty này thoát lỗ thế nhưng doanh thu thuần chỉ đạt mức 6 tỷ đồng năm 2015, lợi nhuận không đáng kể. Có thể thấy, hành động của PGT là khá dứt khoát khi dẹp bỏ ngành kinh doanh không mang lại hiệu quả, hướng đến cắt giảm chi phí. Tạo nền tài chính mạnh cho công ty.

Lý giải cho những hoài nghi khi chuyển sang kinh doanh lĩnh vực mới, ban lãnh đạo PGT cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam tuy còn khắc nghiệt và quy mô vẫn còn chưa lớn, nhưng có rất nhiều tiềm năng. Và khi PGT bắt đầu tham gia lĩnh vực này, sẽ có những lợi ích nhất định và PGT có thể tận dụng chức năng này để tăng nguồn quỹ nội bộ của công ty.

Như vậy, chẳng khác nào doanh nghiệp truyền thống ngành taxi này đã manh nha trở thành một nhà quản lý quỹ. Theo đó, nhà đầu tư và cổ đông PGT sẽ phó thác tiền của mình cho ban lãnh đạo của doanh nghiệp này đầu tư vào các loại chứng khoán trên thị trường.

Với mức giá hiện tại trên thị trường vào khoảng 4.400 đồng/cp. Tính tổng vốn hóa của PGT khoảng 40,5 tỷ đồng. So với số tiền mặt mà công ty này đang tích trữ lên đến 73 tỷ đồng thì coi như là đã thấp hơn giá trị bằng tiền mặt của công ty. Mặt khác, công ty này cũng hầu như không có nợ. Đây là điều khá hiếm hoi và hầu như trên thị trường hiện nay. Nếu nhìn vào giá trị ròng hiện tại thì coi như cổ phiếu này đã bị định giá quá thấp.

Giá cổ phiếu PGT hầu như không có giao dịch. Điều này có thể hiểu bởi hiện tại cổ đông hiện đang nắm giữ không muốn bán lỗ khi so sánh với giá trị tiền mặt hiện tại của PGT. Mặt khác, đối với nhà đầu tư trên thị trường, mặc dù biết rõ PGT bị định giá thấp nhưng ai dám bỏ tiền ra để mua lại cái tương lai bất định của công ty này ?

Những "thành tích" của vị chủ tịch

Năm 2015, hàng loạt cổ đông lớn đã tiến hành thoái vốn khỏi công ty này. Tổng Công ty Gas Petrolimex thoái sạch 2.138.038 cổ phiếu còn lại. Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Petrolimex Hà Nội 602.103 cp. Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Sài Gòn bán 699.405 cp. Công ty Xăng dầu khu vực 2 bán ra 1.168. 878 Cp. Hàng loạt cổ đông khác nằm trong ban quản trị cũ cũng thực hiện bán hết cổ phần PGT.

Đầu tháng 06/2015, Ông Kakazu Shogo mua hoàn tất gần 1,5 triệu cổ phần PGT, tương đương với 15,71% vốn điều lệ của công ty nay. Ngay sau đó, Ông trở thành chủ tịch của PGT từ tháng 6/2015. Công ty cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (HOSE: STT), đơn vị ông này giữ chức tổng giám đốc từ năm 2014 cũng tiến hành mua hơn 457.000 cổ phiếu PGT để trở thành cổ đông lớn của công ty này. Đây là sự việc gây ra nhiều tranh cãi tại STT.

Vấn đề là việc mua cổ phần nêu trên có dấu hiệu bất thường vì khi thực hiện, Tổng giám đốc STT không thành lập Hội đồng định giá; giá PGT trên sàn giao dịch chứng khoán dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/CP, nhưng STT mua với giá trên 9.000 đồng/CP. Mặc dù số tiền trên không thực sự quá lớn thế nhưng đối với một doanh nghiệp có nền tảng tài chính yếu như STT thì không nhỏ chút nào. Đồng thời, nó cũng cho thấy quyết định đầu tư không hiệu quả.

Trong ĐHCĐ năm 2015, Tổng giám đốc Kakazu Shogo đã hứa với các cổ đông rằng, lợi nhuận của STT năm 2015 sẽ đạt 13 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả thực hiện năm 2015, công ty này ghi nhận mức lỗ 19 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng lên mức 45,5 tỷ đồng (trong đó có khoản lỗ do mua cổ phiếu PGT).

Rõ ràng, nếu nhìn vào các kết quả mà vị chủ tịch này đã thực hiện theo cả 3 yếu tố, đầu tư, minh bạch và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh tại công ty CP Vận chuyển Sài Gòn Tourist thì khó có thể tạo được niềm tin cho nhà đầu tư và cổ đông của PGT được.

Kịch bản nào cho PGT ?

Giả định thứ nhất, nếu như đem hết tiền của công ty chia hết cho cổ đông rồi giải thể thì đó chắc có lẽ là kịch bản tốt đẹp nhất đối với những nhà đầu tư đang nhắm đến cổ phiếu của công ty này. Tuy vậy, đây là điều mà khó lòng thực hiện được bởi cái giá mà các cổ đông cũ bỏ ra mua PGT trước đây cao hơn hoặc ít nhất cũng bằng giá trị tiền mặt trên mỗi cổ phiếu PGT.

Giả định thứ 2 được đưa ra là liệu ban lãnh đạo của PGT có đủ tâm và đủ tầm để mang lại lợi ích cho cổ đông hay không ? Với lượng tiền mặt mà công ty này hiện có, thì kế hoạch kinh doanh chỉ đạt 6 tỷ đồng chỉ tương đương với lãi suất tiền gởi. Trong khi đầu tư vào chứng khoán lại phải chịu rủi ro cao hơn.

Tại cuộc họp ĐHCĐ vừa qua cũng đã có những ý kiến của cổ đông về các kế hoạch cụ thể để giúp cho PGT có được lợi nhuận tương xứng. Chứ không chỉ là những hứa hẹn qua loa về kế hoạch mà công ty này sẽ đạt được trong năm nay.

Bên cạnh đó, khi PGT mang tiền đi kinh doanh chứng khoán thì hình thức cũng giống như một quỹ mở. Nhà đầu tư mua cổ phần PGT và giá trị cổ phiếu PGT tăng theo kết quả sử dụng vốn mà ban lãnh đạo PGT thực hiện. Khi đó, sự minh bạch trong thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng.

Điều này cũng có nghĩa là ban lãnh đạo của PGT phải thực sự là những người có đủ 2 yếu tố năng lực và uy tín. Mà cả 2 yếu tố này ở ban lãnh đạo của PGT chưa được khẳng định. Thậm chí là có những dấu chấm hỏi không mấy tốt đẹp.

Do đó, mặc dù PGT được cho là cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn cả giá trị từ tiền mặt ròng của công ty. Thế nhưng, để có thể chuyển hóa thành lợi nhuận tương xứng trên mỗi đồng vốn bỏ ra là cả một vấn đề, nhất là khi những yếu tố để tạo được niềm tin cho cổ đông còn quá mơ hồ.

Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về mô hình tăng trưởng của PGT. Hãy cùng chờ đợi xem ban lãnh đạo doanh nghiệp này, đặc biệt là ông chủ tịch người Nhật sẽ thực hiện lời hứa của mình như thế nào đối với các cổ đông PGT.

Theo Huy Nguyên

Người đồng hành

Trở lên trên