Phó TGĐ Tài chính HSG: "Nếu TPP được ký thì sẽ là cơ hội xuất khẩu cho HSG"
Ông Vũ Văn Thanh, Phó TGĐ Tài chính của HSG khẳng định hoàn thành kế hoạch 14.000 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2013.
Với mảng xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen ( HSG ) chiếm hơn 43% tổng doanh thu. Nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước muốn biết bí quyết của Tôn Hoa Sen( HSG) trong việc giữ chân được khách hàng tại các nước Asean mà đơn vị này xuất khẩu sang như Thái Lan, Indonesia,…trong khi khá nhiều nước cũng đang cạnh tranh với HSG như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, được đơn vị này đối thoại với các NĐT tại Hội nghị Vietnam Access Day vừa diễn ra tại Tp.HCM.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó TGĐ Tài chính của HSG cho biết: “bí kíp nhà nghề của HSG thì không tiết lộ được. Tuy nhiên, nói chung là phải đảm bảo 3 yếu tố chất lượng, giá bán và giao hàng nhanh. Trong đó, yếu tố giao hàng nghe thì đơn giản nhưng thực hiện vô cùng khó vì đơn hàng 5-10 ngàn tấn thì HSG chỉ giao trong 2 tuần là xong, còn với đơn vị khác phải mất 1 tháng. Do giá sản phẩm tôn lại biến động nhanh nên đối tác bao giờ cũng muốn được giao hàng nhanh, đây là cơ hội, nếu không thực hiện được sẽ mất cơ hội.”
Tại buổi tọa đàm với các NĐT, ông Thanh cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến kế hoạch kinh doanh và tình hình đầu tư của HSG trong năm 2014. Tháng 2 vừa qua HSG đã đưa vào hoạt động dây chuyền mạ 400.000 tấn dự án Tôn Hoa Sen Phú Mỹ 2, tháng 4 đưa vào hoạt động dây chuyền mạ màu và Tháng 6 và tháng 9 liên tiếp đưa vào hoạt đông 2 dây chuyền sản xuất. Đến nay sản lượng của giai đoạn 1 đã sản xuất hết và đã tiêu thụ hết. Việc đầu tư mở rộng này là do nhu cầu nội địa và xuất khẩu tăng. Tổng mức đầu tư 1000 tỷ, đến tháng 9 giải ngân khoảng 800 tỷ, 200 tỷ là bảo hành.
HSG cũng đang dự kiến đầu tư 3 nhà máy tại các nước Asean, tùy theo tình hình có thể là nhà máy, công ty thương mại, hay văn phòng đại diện.
Ông Thanh cho biết thêm năm 2014 HSG đặt ra kế hoạch đạt sản lượng 70.000 tấn, 14.000 tỷ doanh thu tăng 15% so với năm ngoái. Đến giờ phút này ông tự tin hoàn thành kế hoạch. Các năm tới, HSG vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng 15-20%. Trước hết phải sài hết được công xuất Phú Mỹ giai đoạn 2 khoảng 1 triệu tấn. Đến cuối năm 2016 là phải đạt tiêu thụ được khoảng 1 triệu tấn. Thị phần của HSG hiện vẫn giữ ở mức 40%.
Nhiều NĐT đặt vấn đề lý do tại sao HSG lại có thể cạnh tranh được với đối thủ khi phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Ông Thanh chia sẻ, trong cơ cấu giá thành, chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 80% nếu quản lý được định mức tiêu hao nguyên vật liệu thì giá thành tự động giảm khoảng 1%.
Doanh thu của HSG năm ngoái khoảng 12.000 tỷ đồng thì chỉ cần giảm tiêu hao nguyên liệu khoảng 1% thì cũng đã có lợi nhuận 100 tỷ. Bên cạnh đó, phải sử dụng hết công suất nhà máy thì chi phí khấu hao phân bổ trên sản lượng sẽ tốt hơn.
Giữa mảng xuất khẩu và trong nước, ông Thanh thừa nhận biên lợi nhuận gộp trong nước tốt hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu lại có lợi là doanh thu tiền đô la, nếu tính tất cả các yêu tố thì tỷ lệ lợi nhuận của 2 thị trường là tương đương nhau.
Theo dự báo của HSG, đến giữa 2014 nếu TPP được ký thì sẽ là cơ hội cho HSG về mảng xuất khẩu sang các nước Châu Mỹ, bởi hiện giờ đang gặp khó khăn về vấn đề vận tải với chi phí đắt, thời gian dài. Khi TPP được ký thì thuế nhập là 0% nên có thể vào các thị trường đó.
Nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm đến giá bán tôn của HSG ở thị phần nội địa và ngoài nước, ông Thanh tiết lộ giá bán trong nước cao hơn xuất khẩu từ 4-5%.
Kiều Thuật
Trí Thức Trẻ