Phó tổng giám đốc Petrolimex: Không muốn lãi thì làm doanh nghiệp công ích
Thời gian qua, mỗi lần xuất hiện thông tin liên quan đến vấn đề Petrolimex lỗ hay lãi, lương cán bộ cao… thì dư luận có vẻ lại như không có sự đồng tình.
Mới đây nhất là con số lợi nhuận trước thuế 388 tỉ đồng từ
hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex trong sáu tháng đầu năm cũng khiến
nhiều người quan tâm. Trao đổi với chúng tôi liên quan đến
vấn đề này, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, đã khá thẳng thắn.
Chúng tôi đã quá uể oải!
. Phóng viên: Vừa
qua, báo chí lại nhắc nhiều về khoản lợi nhuận trước thuế của Petrolimex đạt được
từ kinh doanh xăng dầu. Có vẻ như dư luận vẫn còn nhiều thắc mắc về con số lãi
này. Quan điểm của ông như thế nào?
+ Ông Trần Ngọc Năm: Thực sự tôi không muốn
nói về vấn đề này nữa. Bởi như thế nào là lãi cao, lãi thấp? Doanh nghiệp (DN)
cũng chỉ làm theo quy định vì lợi nhuận định mức DN được hưởng là như thế. Tôi
thấy rất thất vọng về cách một số tờ báo nhìn nhận vấn đề này. Còn nếu mọi người
muốn xăng dầu không có lãi thì có thể kiến nghị với Chính phủ để nhà đầu tư họ
thoái vốn chứ đừng để Petrolimex suốt ngày rơi vào tình trạng phải đi giải
thích.
Vì ngay từ sau khi công bố lợi nhuận định mức, Petrolimex đã
có giải thích rất rõ ràng và đăng tải trên website của mình. Trong đó, đối với
hoạt động kinh doanh xăng dầu sáu tháng đầu năm 2013 tại Việt Nam của
Petrolimex chỉ đạt bình quân 94 đồng/lít, kg. Như vậy đã chứng minh có chu kỳ
DN đầu mối có thể đạt được lợi nhuận định mức tối đa theo quy định tại Thông tư
234 (300 đồng/lít, kg), có chu kỳ không đạt, thậm chí có chu kỳ kinh doanh lỗ.
Nhưng việc có chu kỳ kinh doanh lỗ không có nghĩa toàn bộ giai đoạn kinh doanh
của DN phải lỗ. Vì vậy, tôi khẳng định không có gì mâu thuẫn trong câu chuyện lỗ,
lãi của Petrolimex đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Chúng tôi rất mệt mỏi về vấn đề này. Hôm vừa rồi, Bộ Công
Thương đã giải thích, sau đó lại có một làn sóng nhảy vào phân tích.
. Nếu Nghị định
84 mới không còn để DN tự quyết định về giá bán lẻ xăng dầu nữa, ông nghĩ sao?
+ Thực ra từ trước tới nay có bao giờ DN được quyết định về
giá bán lẻ xăng dầu đâu! Nghị định 84 cũ cũng nói DN có quyền tự quyết nhưng chỉ
là tiếng chứ thực chất đâu có quyền. Dù là vào quý I-2010, các DN có được tự
quyết định nhưng sau đó giá thế giới biến động thì không còn được quyết nữa.
Tôi cho rằng Nhà nước phải như một cán cân. Nếu lợi nhuận định mức 300 đồng/lít là cao hoặc thấp thì điều chỉnh. Nhà nước phải có thông điệp. Khi lợi nhuận không còn nữa, cổ đông sẽ rút vốn đi. Mọi người bỏ tiền ra kinh doanh có ai nói là không cần lợi nhuận?
Hiện Petrolimex cổ phần hóa, trong đó
5% cổ phần do các cổ đông nắm giữ (khoảng 500 tỉ đồng). Lợi nhuận thấp, phải
thông điệp để cho nhà đầu tư rút, Nhà nước mua lại. Lúc đó, có thể chuyển hẳn
thành DN công ích để DN không có lợi nhuận cũng được. Vấn đề là DN phải biết rõ
ràng quan điểm của Nhà nước như thế nào chứ nửa kinh doanh nửa chính trị thế
này DN uể oải lắm!
Phải hô hào trong
ngành mua cổ phần
. Ông có thể nói rõ
hơn về quá trình cổ phần hóa của Petrolimex không?
+ Khi Petrolimex tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra
công chúng (IPO), thị trường chứng khoán rất yếu, chủ yếu là hô hào người trong
ngành mua. Giờ họ mua tổng cộng được hơn 500 tỉ đồng. Năm 2012, Petrolimex đã
ra nghị quyết chia cổ tức 5% cho nhà đầu tư nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể chia
được. Trước đây, chúng tôi đã hứa sẽ chia cổ tức cho nhà đầu tư năm đầu tiên là
8%, năm thứ hai là 10% và đến năm 2013 là 12%. Năm nay chỉ dám ra nghị quyết là
8% thôi mà với tình hình này không biết chúng tôi có đạt mức đó không? Bản thân
Petrolimex đã thất hứa với nhà đầu tư rồi.
Thực tế, ai quyết định giá bán lẻ xăng dầu cũng được nhưng
Nhà nước cần phải đảm bảo về vấn đề thị trường, đảm bảo vốn DN bỏ ra thì họ được
thu cái gì. đã bỏ tiền ra kinh doanh, ai cũng phải kỳ vọng sẽ có lãi chứ!
. Thời gian vừa qua
hay có tình trạng DN xăng dầu kêu lỗ nhưng các đầu mối vẫn trích hoa hồng khá
cao cho đại lý. Quan điểm của ông như thế nào?
+ Không biết các đầu mối khác thì sao nhưng với
Petrolimex thì khác. Thị phần của chúng tôi khá lớn nên phải nhập liên tục để bảo
đảm dự trữ lưu thông 30 ngày, không có quyền lựa chọn thời điểm nhập. Vì vậy có
trường hợp những đầu mối khác, khi giá thế giới cao họ có thể lùi lại không nhập,
đến lúc giá xuống thì nhập nhiều. Nếu làm thế, DN có thể được hưởng lợi từ
chênh lệch giữa thời điểm nhập với giá thị trường. Khi có lãi thì họ có thể chiết
khấu cao cho đại lý. Và như tôi đã nói, Petrolimex lại không làm được việc này.
Ở nhiều nước, dự trữ lưu thông đối với DN ít vì lượng dự trữ
quốc gia của họ nhiều. Khi có tình hình biến động thì họ lấy dự trữ quốc gia để
can thiệp. Nhưng còn ở nước ta, DN vẫn phải đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày.
. Xin cảm ơn ông.
Theo Mai Phương
Pháp luật TP HCM