PVA lỗ ròng hơn 22 tỷ đồng 9 tháng đầu năm
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn được cơ cấu lại: BĐS đầu tư giảm từ 376,5 tỷ xuống 195,7 tỷ; đầu tư dài hạn khác tăng thêm 29 tỷ. Đó là những nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm tổng tài sản.
CTCP Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) công bố BCTC hợp nhất quý 3/2013.
Hoạt động kinh doanh của PVA bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế. Khó khăn trong tìm kiếm hợp đồng mới, một số công trình đang thi công phải tạm ngừng thực hiện hoặc giãn tiến độ do thu xếp vốn chậm. Kết quả kinh doanh trong quý 3/2013 có khả quan hơn cùng kỳ nhưng kết quả 9 tháng là một bức tranh buồn.
Doanh thu quý 3/2013 vẫn đạt 58 tỷ đồng – chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ. Không rơi vào tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu như năm trước, DN có khoản lợi nhuận gộp 3,2 tỷ. Mặc dù doanh thu tài chính giảm một nửa chỉ còn 3,8 tỷ đồng nhưng các khoản chi phí khác cũng giảm rất mạnh như chi phí tài chính giảm 56,6%, chi phí bán hàng giảm 59,6%, chi phí QLDN chỉ tăng nhẹ. Bên cạnh đó, quý 3 năm nay, DN chỉ bị lỗ từ hoạt động khác 0,3 tỷ trong khi quý 3/2012, lỗ từ hoạt động này là 2,7 tỷ. Do đó, PVA chỉ còn lỗ sau thuế 4,7 tỷ trong đó phần lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ là 3,7 tỷ đồng.
Doanh thu thuần 9T2013 được 159,9 tỷ - giảm 42% so với 9T2012. Tỷ lệ giá vốn/doanh thu tăng thêm gần 3% đẩy lợi nhuận gộp xuống còn 4 tỷ - giảm 73,3%. Chi phí tài chính góp thêm một gánh nặng không nhỏ khi tăng 54,8% so với 9T2012.
Mặc dù PVA có khoản lợi nhuận khác trong 9T2013 lên tới 12,8 tỷ nhưng do những khó khăn trên, PVA đã nâng mức lỗ sau thuế trong 9 tháng đầu năm lên 36,2 tỷ đồng. Trong 9T2012, PVA lỗ ít hơn: 10,2 tỷ.
Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 9T2013 là 22,4 tỷ. Với kết quả này, PVA không có nhiều hy vọng sẽ hoàn thành 18,47 tỷ đồng LNST kế hoạch đã đề ra.
Tại thời điểm 30/09/2013, tổng tài sản của DN là 1.460 tỷ - giảm 42 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng do hàng tồn kho tăng mạnh 131,7 tỷ tương đương 67,8% so với đầu kỳ nhưng trái lại, tài sản dài hạn giảm rất nhiều. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn đã được cơ cấu lại: BĐS đầu tư giảm từ 376,5 tỷ xuống còn 195,7 tỷ; đầu tư dài hạn khác tăng thêm 29 tỷ. Đó là những nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm tổng tài sản.
Trong khi đó, mặc dù DN đã giảm vay nợ dài hạn nhưng vay nợ ngắn hạn, chi phí phải trả và đặc biệt là “các khoản phải trả, phải nộp khác” tăng tới 64 tỷ khiến cho nợ ngắn hạn tăng mạnh. Tổng nợ phải trả ở mức tương đương với đầu năm, và theo đó, tỷ lệ nợ/tổng tài sản của PVA đã tăng từ 89,9% lên 92%.
Dòng tiền từ HĐKD dồi dào hơn hẳn cùng kỳ với giá trị 55 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư kém sôi động hơn nên dòng tiền từ đây chỉ có 10 tỷ so với mức 34 tỷ của năm trước. Tuy nhiên gánh nặng trả gốc nợ vay quá lớn khiến cho dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 69,1 tỷ. Vì thế, dòng tiền thuần trong kỳ bị âm 3,8 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, dòng tiền thuần âm 26,2 tỷ.
Hải Minh
PVNC